Joseph Haydn được biết đến như là “người cha đẻ của giao hưởng”. Sau cả cuộc đời sáng tác của mình, ông đã đặt trọn niềm tin nơi Thiên Chúa, ông đã từng cảm thán nói rằng “Thiên Chúa vĩnh viễn tồn tại trong tôi”.
Hành trình sáng tác nhạc cổ điển
Nhạc sĩ người Áo Hayden (Franz Joseph Haydn, 1732-1809), là nhà soạn nhạc vĩ đại, đại biểu kiệt xuất cho âm nhạc cổ điển. Ông được xưng là “người cha của giao hưởng” và “cha đẻ của tứ tấu dây”.
Năm 1732 Joseph Haydn sinh ở một làng thuộc Rohrau của Áo gần biên giới Hungary. Cha của ông là Mathias Haydn, chủ một tiệm sửa xe kéo. Cả cha và mẹ ông đều không có khả năng xướng âm, tuy nhiên ông Mathias là một nhạc sĩ nhạc dân ca nhiệt tình đã dạy Haydn cách chơi đàn hạc. Theo hồi tưởng của Haydn thì gia đình ông thời thơ ấu luôn ngập tràn âm nhạc, họ thường xuyên hát với nhau và đôi khi hát với hàng xóm.
Đến 5-6 tuổi, cha mẹ Haydn sớm nhận ra tài năng âm nhạc của ông và cũng không khó để họ nhận thấy rằng ông sẽ không thể nào phát huy hết khả năng của mình nếu cứ ở trong làng Rohrau mãi. Và tài năng của Haydn sau đó đã lọt vào mắt xanh của Georg von Reutter. Reutter là giám đốc âm nhạc của Nhà thờ Thánh Stephen tại Vienne, trong chuyến đi về các vùng quê của nước Áo để tìm kiếm những nam “viên ngọc thô” trong đội hát thánh kinh trong nhà thờ, giọng ca của Haydn đã khiến ông phải trầm trồ thán phục.
Haydn cuối cùng cũng vượt qua được kỳ sát hạch của Reutter, và sau đó nhanh chóng chuyển đến thành phố Wien, nơi ông hát ròng rã trong 9 năm kế tiếp. Nhà thờ Thánh Stephen là một trong những học viện âm nhạc đứng đầu châu Âu lúc bấy giờ với vô số các màn trình diễn âm nhạc mới lạ, đặc sắc do những nhà soạn nhạc hàng đầu biên soạn. Haydn nhờ đó cũng được học hỏi rất nhiều bằng các hình thức quan sát, theo dõi hay đơn giản như xin được phục vụ các nhạc công, nhạc sĩ chuyên nghiệp nơi đây.
Đến năm 1749, Haydn 17 tuổi, lúc này âm giọng của ông không thể phù hợp với dàn hợp xướng trẻ em, bởi vậy buộc phải rời khỏi dàn đồng ca. Tiếp đó là quãng thời gian khó khăn đầy gian truân của ông. Trong suốt quãng thời gian khó nhọc này, Haydn làm nhiều việc khác nhau: từ một giáo viên nhạc đến người hát khúc nhạc chiều và cuối cùng là phụ tá cho Nicola Porpora – một soạn giả lừng danh người Ý; Haydn học được “những nguyên tắc thật sự của một tác phẩm”.
Trải qua mấy năm trắc trở, cuối cùng may mắn đã đến với Hayden. Năm 27 tuổi, ông được nhận một công việc trong gia tộc Esterházy, một trong những gia tộc có thế lực và quan trọng nhất trong Đế chế Áo lúc bấy giờ.
Như một “thành viên chính thức” của Gia tộc Esterházy, Haydn có rất nhiều việc quan trọng phải làm, bao gồm soạn những bản giao hưởng mới, điều hành ban nhạc của gia tộc Esterházy, sản xuất nhạc opera… Những hoàng tử trong Gia tộc Esterházy là những người am hiểu âm nhạc sâu sắc, họ đánh giá cao công việc của Haydn.
Trong suốt gần 30 năm phục vụ tại cung đình Esterházy, Haydn đã cho ra một “cơn lốc” những tác phẩm, phong cách âm nhạc của ông cũng ngày một phát triển.
Âm nhạc của Haydn thể hiện đầy đủ tính hài hước dí dỏm đặc trưng cũng như sự tươi tắn. Haydn là nhà tổ chức bậc thầy của thể loại giao hưởng, tứ tấu, sonata piano, đã tạo cho chúng một khuôn mẫu hoàn thiện, đặc biệt ở thể tứ tấu dây. Tất cả nghệ thuật của Haydn là sự hoàn mỹ của âm nhạc thuần khiết. Âm nhạc Haydn thấm đượm thế giới quan yêu đời, hình tượng hiện thực rực rỡ và giàu tính chất dân gian.
Haydn đã đạt đến đỉnh cao trong hầu hết các thể loại mà ông đã sáng tác như các tứ tấu đàn dây, sonata cho piano, oratorio và đặc biệt là 104 bản giao hưởng. Trong đó phải nhắc đến 2 tác phẩm lớn là “Đấng sáng tạo” và “Bốn mùa”.
Haydn cùng với Mozart và Beethoven là ba ngôi sao sáng ngự trị suốt thời đại của họ, khẳng định chủ nghĩa cổ điển trong lịch sử. Cuộc đời và sự nghiệp kéo dài của Haydn bao trùm phần lớn thời kỳ cổ điển mà Haydn là linh hồn và biểu tượng. Moza và một số nhạc sĩ Vienna khác đã kính trọng gọi Haydn là “Người Cha”.
Khi đạt đến đỉnh cao của sự nghiệp, Haydn từng nói: “Tôi sáng tác âm nhạc từ trước đến nay không cầu nhanh, mà luôn thận trọng, luôn có sự sửa đổi, cho đến hoàn toàn hài lòng mới thôi”.
“Đấng sáng tạo” – Bản nhạc đến từ Thiên Chúa
Lúc tuổi già Haydn từng có một hành trình vui vẻ tới London, Anh quốc, tại đây ông đã sáng tác 12 bản “Khúc giao hưởng London”; cũng từng nghe bản oratorio “Messiah” của Handel, và cảm động sâu sắc bởi hơi thở cao quý của tôn giáo. Trở về Vienna ông quyết tâm dấn thân vào sáng oratorio.
(Messiah là bản oratorio tiếng Anh do George Frideric Handel sáng tác năm 1741 với nội dung dẫn ý từ Kinh Thánh do Charles Jennens viết ca từ theo bản dịch King James, và những chương Thánh Vịnh trích từ Sách cầu nguyện chung của Anh giáo).
“Đấng sáng tạo” (The Creation) là tác phẩm oratorio thành công đầu tiên của ông, ông nói: “Trong cuộc đời tôi, chưa có lúc nào khiến tôi tiến gần đến Thiên Chúa như khi tôi viết ‘Đấng sáng tạo’, tôi cảm nhận Thiên Chúa vĩnh viễn tồn tại trong tôi”.
“Đấng sáng tạo” là tác phẩm cỡ lớn của Haydn, lấy từ những câu chuyện trong “Kinh Thánh”, tổng cộng có 3 đoạn, thời gian biểu diễn gần 2 tiếng. Đoạn thứ nhất nói về 4 ngày đầu tiên khi Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ, đoạn thứ 2 nói về ngày thứ 5, thứ 6, đoạn thứ 3 còn lại miêu tả Adam và Eva ca tụng Thiên Chúa.
Ngoài việc vận dụng dàn đồng ca và dàn nhạc, Haydn còn sắp xếp cho nghệ sĩ độc tấu, đoạn miêu tả kết thúc mỗi ngày đều có phần âm nhạc hợp xướng tuyệt vời.
Khi “Đấng sáng tạo” được biểu diễn thành công hoàn hảo trong chương trình năm 1802, khán giả đã đứng dậy vỗ tay khen ngợi, Hayden vui mừng đứng lên và chỉ tay lên trời, nói: “Bản nhạc này là đến từ nơi đó!”.
Nước mất thân vong
Năm 1797, Haydn được lệnh của Hoàng gia, soạn một tác phẩm có âm hưởng Thánh ca với nội dung trang nghiêm để có thể dùng như Quốc ca của nước Áo. Nhạc sĩ hoàn thành nhiệm vụ này rất xuất sắc với bài quốc ca “God Save Emperor Francis” (Tạm dịch: Trời cứu lấy hoàng gia chúng ta). Bài hát có giai điệu thánh ca, Hayden với lòng sùng kính trời cầu nguyện cho hòa bình mãi mãi. Sau đó ông dùng giai điệu này làm chủ đề cho một tổ khúc biến tấu trong tác phẩm Khúc tứ tấu cho đàn dây, bản nhạc nổi tiếng với tên “The Empertor Quartet” (Khúc tứ tấu Hoàng đế).
Điều thú vị là, đây là bài quốc ca Áo đầu tiên, nhưng sau khi chiến tranh thế giới II đến nay đã trở thành quốc ca Đức, Áo không còn được sử dụng bài quốc ca này nữa.
Ngày 10/5/1809, quân đội của Napoleon đánh chiếm Vienna, và tỏ ra trọng đãi các nhạc gia, Napoleon cho quân bảo vệ Haydn. Nhưng lúc này Hayden đã 77 tuổi, nhìn thấy quân đội Pháp tàn phá quê hương mình, trong lòng vô cùng lo lắng và tức giận. Sau 24 giờ công kích, Vienna đầu hàng. Haydn một mặt trấn an người hầu, một mặt tập hợp gia đình đến bên cạnh chiếc đàn piano của mình. Để thành kính cầu nguyện cho đất nước, ông đã cố gắng chơi 3 lần bản nhạc “Khúc tứ tấu Hoàng đế” cho đến khi kiệt sức. Vào ngày 31/5/1809, bậc thầy nhạc cổ điển vĩnh biệt cõi đời.
Một người dân yêu nhạc cổ điển từng nhận xét: “Âm nhạc của Haydn trong trẻo và tuyệt đẹp, nó khiến người ta có cảm hứng. Haydn từng nói: ‘Nhờ Thiên Chúa đã ban cho tôi một trái tim hoan lạc, và tôi sẽ dùng trái tim hoan lạc này để tín phụng Ngài’. Điều này không chỉ khắc họa chân dung và cuộc đời đặc biệt của ông, mà còn là những từ ngữ đáng để ca tụng nhất”.
Bảo An, theo qi-gong.me