Cuộc đời này, có nhiều khi cây muốn yên lặng nhưng gió chẳng ngừng, phận làm con muốn phụng dưỡng chăm sóc mà cha mẹ đã không còn nữa. Năm tháng trôi đi không bao giờ quay trở lại, một khi đã rời xa thì mãi mãi không thể gặp lại nữa.
Điển cố “Con muốn phụng dưỡng mà cha mẹ không còn” bắt nguồn từ thời kì Xuân Thu. Trên đường sang nước Tề, Khổng Tử nghe thấy tiếng khóc vô cùng đau đớn của một người, liền cưỡi ngựa lần tìm theo tiếng khóc. Ông nhìn thấy một người đang đeo liềm, buộc dây đay, ngồi ở đó đau khổ khóc không thành tiếng.
Khổng Tử liền xuống xe, tiến về phía trước hỏi thăm thì được biết người đang khóc đó tên là Khâu Ngô Tử (còn gọi là Cao Ngư), trước đây từng làm quan nước Tề. Khổng Tử hỏi người đó vì sao lại khóc lóc thảm thiết như vậy, Khâu Ngô Tử liền kể về ba mất mát của chính mình.
Khâu Ngô Tử nói: “Thời niên thiếu tôi rất hiếu học, đi chu du khắp nơi, lúc trở về mới biết rằng cha mẹ đã qua đời, đây là mất mát đầu tiên. Sau khi trưởng thành, tôi hầu hạ cho vua nước Tề. Vua sống nuông chiều bản thân, đánh mất sự ủng hộ của nhân sĩ mà tôi lại không thể làm tròn được trách nhiệm của thần tử, đây là mất mát thứ hai. Ngày hôm nay người bạn từ thuở thơ bé của tôi cũng bỏ tôi đi, không còn liên lạc nữa, đây là mất mát thứ ba”.
Tiếp đó, Ngô Khâu Tử nói một câu khiến người nghe đau nhói cõi lòng: “Cây muốn lặng mà gió chẳng dừng, con muốn phụng dưỡng mà cha mẹ không còn”.
Cây muốn yên lặng nhưng ngọn gió điên cuồng không chịu dừng lại, phận làm con muốn phụng dưỡng chăm sóc mà cha mẹ đã không còn nữa. Năm tháng trôi đi không bao giờ quay trở lại, một khi đã rời xa thì mãi mãi không thể gặp lại nữa. Ngô Khâu Tử đau đớn hối hận vì bản thân không làm tròn trách nhiệm của người làm con.
Câu nói: “Con muốn phụng dưỡng mà cha mẹ không còn” từ đó được lưu truyền ngàn đời, thời khắc nhắc nhở trong lòng của những đứa con: Khi cha mẹ còn sống, cha mẹ như cây cao to lớn, che mưa chắn gió cho con cái. Khi cha mẹ mất đi, thân thể của con cái như bị cắt đi từng khúc, đau đớn tột cùng.
Khi còn sống, cha mẹ thường xuyên gọi điện thúc giục về nhà ăn cơm đoàn viên. Lúc đó, mỗi cuộc điện thoại đều khiến con cái cảm thấy là gánh nặng. Khi cha mẹ ốm đau bệnh tật, đi lại gặp khó khăn, con cái luôn cảm thấy cha mẹ là gánh nặng trong cuộc sống của mình. Trước giờ con cái chưa từng nghĩ đến việc sưởi ấm đôi bàn tay lạnh giá đã lao động vất vả một đời của cha mẹ.
Nhưng khi cha mẹ không còn trên đời nữa, không còn ai giục bạn về nhà, không còn ai giục bạn ăn cơm, không còn ai âu yếm gọi biệt danh của bạn nữa, lúc này bạn mới nhận thấy cảm giác lạnh lẽo tột cùng chưa từng có bao giờ. Muốn được làm ấm đôi bàn tay của cha mẹ thì bạn đã mãi mãi không còn cơ hội nữa.
Khi cha mẹ còn sống, chưa bao giờ bạn nhận ra tiếng gọi “con ơi” đặc biệt, vinh dự như thế nào, cũng chưa bao giờ hai tiếng đó đi vào tận đáy lòng. Từ trước tới nay, nó đều ở bên ngoài cánh cửa trái tim, vội vã qua đi, chỉ một thoáng thôi là biến mất. Khi cha mẹ qua đời, bạn mới biết rằng phận làm con kiếp này đã hết rồi.
Không còn tình yêu thương ấm áp của mẹ, không còn sự nghiêm khắc của cha, bản thân có trưởng thành bao nhiêu cũng chỉ cô độc một mình trên đời, không có chỗ dựa, cứ phiêu bạt vô định.
Món ngon chứa đựng tình yêu thương, chứa đựng hương vị năm mới của cha mẹ nấu, đời này kiếp này không bao giờ được nếm lại, nó trở thành món ăn đắt giá nhất trên đời, cho dù dùng hết tiền bạc cũng không mua được.
Trên thế giới này, bất cứ thứ gì mất đi rồi đều có thể tìm lại được, duy chỉ có sinh mạng thì không bao giờ tìm lại được. Cho dù năng lực lớn đến đâu, cũng không thể tìm được thế giới khác của cha mẹ. Cho dù có bao nhiêu tiền bạc cũng không mua được chiếc vé máy bay đến nơi thiên đàng. Cho dù muốn nói “Con yêu cha mẹ” biết bao nhiêu thì cha mẹ cũng vĩnh viễn không thể nghe thấy.
“Con muốn phụng dưỡng mà cha mẹ không còn” sao lại đau mãi ngàn năm? Câu nói này sẽ luôn luôn đau đáu trong lòng những người con, thời thời khắc khắc nhắc nhở chúng ta hãy đối xử tốt với cha mẹ, hãy chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ, đừng để lại sự đau đớn và nuối tiếc về phận làm con đến hết cuộc đời này.
Tuệ Tâm (Theo Epoch Times)