Nhiều người tưởng ông già Noel chỉ là câu chuyện tưởng tượng mà các bậc cha mẹ kể lại cho con cái, nhằm khuyến khích con trở thành người lương thiện để xứng đáng đón nhận món quà từ ông. Tuy nhiên, câu chuyện về ông già Noel không chỉ là trong truyền thuyết mà hoàn toàn có thật vào thế kỉ thứ tư…
Nhắc đến Giáng sinh người ta liền nhớ tới ông già Noel. Ông cao lớn và có cái bụng rất to, bộ râu trắng và cưỡi chiếc xe với những chú tuần lộc bay trên bầu trời. Chiếc xe trở đầy những món quà lớn nhỏ đi phát cho trẻ em. Tuy nhiên, ông không phải chỉ có trong truyền thuyết…
Câu chuyện về một vị Thánh đáng kính với tình yêu thương và bao dung vô tận
Nhiều người thường lầm tưởng ông già Noel đến từ các nước Bắc Âu lạnh giá nhưng thực tế, ông già Noel chính là hiện thân của một nhân vật có thật. Đó là thánh Nicholas – một vị thánh nổi tiếng bởi lòng nhân hậu vô biên, sinh ra ở thành Myra của Thổ Nhĩ Kỳ vào thế kỷ III và được người dân ở đây vô cùng yêu quý.
Thánh Nicholas sinh năm 280 tại Myra thuộc vùng Tiểu Á (ngày nay thuộc lãnh thổ nước Thổ Nhĩ Kỳ). Theo tiếng Hy Lạp, Nicholas có nghĩa là người anh hùng của dân tộc. Khi còn sống, cha mẹ của Nicholas luôn giúp đỡ người nghèo nên ông cũng ảnh hưởng từ tấm lòng nhân hậu đó của cha mẹ. Đồng thời, ngay từ khi còn nhỏ, ông được dạy dỗ và thấm nhuần kinh Thánh, một lòng tin vào Chúa, theo Đạo và sống rất mực đạo đức, nên được người dân ở đây vô cùng yêu quý.
Đến một ngày, dịch bệnh tràn qua thôn xóm. Cha mẹ của Nicholas qua đời khi ông mới 12 tuổi. Nicholas chuyển đến sống với người chú làm linh mục, tiếp bước tấm gương cha mẹ, ông tiếp tục đem tiền bạc giúp đỡ những người cùng khổ.
Có một sự tích kể lại rằng, một lần nọ, Nicholas biết một người cha có 3 cô con gái đến tuổi lập gia đình nhưng vì quá nghèo nên không có tiền cho con gái làm của hồi môn. Vào thời đó, con gái phải có của hồi môn thì mới có người cưới làm vợ. Ba cô gái đứng trước nguy cơ bị bán làm nô lệ.
Buổi tối cuối cùng trước khi người con gái đầu tiên bị bán làm nô lệ, cô đem giặt những đôi tất dài và đem treo trước lò sưởi để hong khô. Sau đó người cha và 3 cô gái đi ngủ. Sáng hôm sau, cô gái thấy có một túi nhỏ khá nặng trong chiếc tất của mình, mở ra xem thì đó là một thỏi vàng. Số vàng này không những đủ để mua thức ăn cho gia đình mà còn có thể làm của hồi môn cho người con gái lớn.
Ngày hôm sau, gia đình các cô gái lại thấy có thêm một thỏi vàng nữa. Ðến ngày thứ ba, người cha quyết định sẽ thức suốt đêm để canh xem ai là người đã bí mật giúp gia đình mình nhưng đến khuya ông quá mệt nên ngủ thiếp đi. Ðang ngủ, ông nghe có tiếng động gần bên như có ai bỏ một túi gì xuống bên cạnh ông rồi đi mất. Ông liền bật dậy chạy ra cửa và thấy Nicholas, chàng thanh niên đang sống với người chú làm linh mục.
Ông reo lên: ‘Ồ, Nicholas, thì ra anh là người giúp gia đình tôi mấy hôm nay! Tôi không biết nói sao để cảm ơn anh cho hết’. Nicholas trả lời: ‘Bác đừng cảm ơn cháu ma nhưng hãy cảm tạ Chúa đã nhận lời cầu nguyện của bác. Bác nhớ đừng nói cho ai biết nhé’. Từ đó Nicholas âm thầm tiếp tục giúp đỡ người chung quanh.
Khi cha mẹ qua đời, Ông quyết định đi tu. Nicolas vào chủng viện, rồi được thụ phong linh mục. Tài sản cha mẹ để lại, vị linh mục Nicolas dùng để cứu giúp những gia đình nghèo khó, bệnh tật, gặp hoạn nạn. Cha cũng đặc biệt lưu tâm tới những trẻ em nghèo. Nhất là vào dịp lễ Giáng Sinh, suốt trong tháng 12 mỗi năm, cha có thói quen đem bánh quà, đồ chơi, tự tay phân phát cho trẻ em nghèo quanh vùng, cũng là để nhắc nhở mọi người là mùa Giáng Sinh đã tới. Người nghèo gọi ông với cái tên thân thương và gần gũi: ‘‘Cha Noel’’.
Sau này được tấn phong lên hàng Giám mục, và dù đã lớn tuổi, Ngài vẫn giữ thói quen thương yêu, giúp đỡ các trẻ em nghèo, hoặc gặp tai nạn.
Có một buổi sáng trời giá lạnh, Đức cha Nicolas bước vào một quán ăn nhỏ bên đường cách đô thị chừng 15km. Chủ quán nhận ra Đức giám mục liền chào Ngài. Đức cha hỏi: “Quán có gì ăn không?” Chủ quán thưa: “Dạ, có thịt, trứng và bánh mì, nhưng hết mất rượu vang. Xin Đức cha vui lòng ngồi nghỉ chờ con ít phút, con vào trong làng mua rượu”. Chủ quán đi rồi, Đức cha Nicolas xuống bếp, mở nắp khạp thịt, vỗ vào hông khạp và gọi:
– Dậy đi, các con!
Thế là có ba bé trai lùng nhùng từ đống thịt tươi mới ướp muối, tỉnh dậy và bước ra. Ngài chỉ chỗ cho ba đứa trẻ lấy quần áo mặc vào, rồi lên nhà trên ngồi vào bàn ăn chờ. Thì ra đó là ba bé trai nhà nghèo, chiều hôm trước đi mót lúa ngoài cánh đồng, bị đói lạnh, đã vào quán xin ăn, bị chủ quán giết chết, chặt ra bỏ vào khạp ướp muối để nấu món ăn bán cho khách. Thánh Nicolas biết được nên đã tới cứu các cháu, Ngài dùng thần thông của mình để hồi sinh các em bé vô tội.
Lát sau chủ quán về tới, giật mình trông thấy ba đứa bé mình đã giết chết ngồi cạnh Đức giám mục. Anh sợ hãi qùy xuống trước mặt Ngài thú tội:
– Con nghèo quá nên đã làm bậy, xin Đức Cha tha tội cho con!
Ngài giải tội cho anh, còn cho anh một túi tiền để làm vốn và khuyên anh từ nay không được làm điều ác. Sau đó Ngài bảo anh dọn bánh mì, chiên trứng, bốn cha con ăn xong, Ngài dẫn ba đứa bé đi về trả lại cho gia đình và cấp dưỡng cho chúng được ăn học.
Câu chuyện là sự lan tỏa yêu thương, một hình ảnh đẹp mãi mãi…
Trong lịch sử giáo hội Công giáo, có lẽ thánh Nicholas là người được phong chức giám mục thành Mira ở độ tuổi trẻ nhất. Lúc đó ngài mới có 19 tuổi. Năm 303, vua La Mã là Dio Pletian buộc mỗi vùng thuộc đế quốc La Mã phải tôn phục ông là thượng đế. Dĩ nhiên giám mục Nicholas và giáo dân địa phận Mira không chịu tuân phục. Ðối với những người theo đạo Kitô, chỉ có một thượng đế duy nhất đó là Thiên chúa. Vì vậy, ngài bị bắt giam và phải chịu đói khát đến 10 năm.
Đến năm 313, hoàng đế Constantine lên ngôi liền ra sắc chỉ đại xá thiên hạ. Lao lý trong 10 năm đã làm cho đức tin của giám mục Nicholas thêm bền vững. Ngài dốc tâm giảng đạo, phát triển giáo hội, chia sẻ của cải và trải tình yêu thương của đến với nhiều người.
Ngày 6/12/343, đức giám mục Nicholas từ trần, hưởng thọ 63 tuổi. Ðến năm 800, giáo hội Công giáo Đông phương chính thức phong ngài là Thánh.
Nữ hoàng Thephanu gốc Hy Lạp, vợ hoàng đế Otto II của Ðức muốn ghi nhớ công đức của Thánh Nicholas nên từ năm 1555 tại Ðức, cho người may áo quần màu đỏ, đội tóc trắng, mang râu, giả làm thánh Nicholas. Hình ảnh thánh Nicholas được xuất hiện trở lại với ý nghĩa mang tình thương đến với mọi người.
Trải qua hơn 10 thế kỉ, hình ảnh ông già Noel vẫn còn được lưu truyền cho tới ngày nay. Không đơn thuần là một biểu tượng tưởng chừng chỉ xuất hiện trong truyền thuyết. Mà đó còn là một câu chuyện có thật về lòng lương thiện, nhân ái của một con người bằng xương bằng thịt.
Có một câu nói luôn được nhắc tới khi người ta nhớ tới một con người đáng kính với những hi sinh và sẵn lòng cho đi vì người khác: Chỉ có những con người thật sự mới tạo lên truyền thuyết. Đây là sự kính trọng mà người đời muốn lưu giữ về hình ảnh của lòng nhân ái cao cả.
Hơn hết thảy Ông là biểu tượng của một con người với lòng tín Chúa, thực hiện theo lời dạy của Chúa, mang lại cho người khác hạnh phúc và bình an là niềm hạnh phúc hơn hết của một người vâng theo lời Chúa, buông xả lòng tham tiền bạc mà giúp đỡ người đời. Đó là sự cao quý hơn cả tình thương của con người, mà người tu hành gọi bằng hai chữ: Từ Bi.
Hồng Liên (t/h)