Câu chuyện về “tàng tự thạch” (tảng đá có chữ) xuất hiện tại Trung Quốc với lời tiên đoán “Đảng Cộng Sản Trung Quốc vong” từng gây chấn động nhiều người. Dù chưa biết thực hư ra sao, nhưng trong lịch sử đã có rất nhiều “tảng đá tiên tri” tương tự, giúp hậu thế một cái nhìn sâu sắc hơn.
Tháng 6/2002, trên một tảng đá to bị nứt vỡ ra từ 500 năm trước tại Quý Châu, Trung Quốc, người ta vô cùng kinh ngạc khi phát hiện ra 6 chữ “Trung Quốc Cộng sản đảng vong”. Điều làm các nhà nghiên cứu còn đau đầu cho đến ngày nay là tảng đá và 6 chữ này có cùng niên đại vào 270 triệu năm trước.
Đây là một việc không thể hiểu nổi vì Viện khoa học Trung Quốc, Đại học Địa chất Trung Quốc, cũng như các học giả địa chất và học giả cổ sinh vật học của Khoa nghiên cứu Đại học Quốc gia trung Quốc, sau khi giám định đều cho rằng “tàng tự thạch” này hoàn toàn không phải được khắc hay gia công bởi con người.
Các chuyên gia khẳng định, tảng đá màu xám này có niên đại 270 triệu năm, 6 chữ trên tảng đá “Trung Quốc Cộng Sản Đảng Vong” cũng có cùng niên đại.
Nhìn lại lịch sử, đã có rất nhiều câu chuyện tương tự về những “tảng đá tiên tri”. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu.
1. Rượu chưa chín, gà chưa mập
Mùa thu tháng 9 năm Nguyên Hòa dưới thời vua Đường Hiến Tông, tiết độ sứ Hoài Tây là Ngô Thiếu Thành qua đời, con trai ông ta là Ngô Nguyên Tế tạo phản. Hoàng đế Hiến Tông lệnh cho quân đội đóng trú ở gần khu vực Hoài Tây vây đánh quân phản loạn từ bốn phía, trải qua gần mấy năm cũng không công hạ được Hoài Tây.
Năm Nguyên Hòa thứ 13, hoàng đế lại lệnh cho thừa tướng Tấn quốc công là Bùi Độ dẫn quân đi đánh phản tặc. Bùi Độ sau khi đến Hoài Tây liền ra lệnh cho Phong nhân (tên một chức quan) dẫn quân đi đào hào lũy. Trong lúc đào mương, có người đào được một tảng đá, phía trên có khắc chữ.
Phong nhân đem tảng đá đó dâng lên Bùi Độ. Bùi Độ xem thấy trên tảng đá khắc: “Tỉnh để nhất can trúc, trúc sắc thâm lục lục. Kê vị phì, tửu vị thục, chướng xa nhi lãng thả tu thúc”. Tạm dịch là: “Đáy giếng một cành tre, màu tre xanh đậm đậm. Gà chưa mập, rượu chua chín, xe chắn binh mã tạm thời rút lui”.
Sau khi Bùi Độ có được tảng đá này liền đưa ra cho thuộc hạ xem để họ giải thích ý nghĩa của những chữ này, nhưng chẳng ai biết cả.
Trong lúc Bùi Độ đang suy nghĩ, bỗng nhiên có một người lính từ trong hàng ngũ bước ra, rồi lên tiếng chúc mừng Bùi Độ rằng: “Ngô Nguyên Tế dám trái lệnh Thiên tử, dẫn đầu đám cuồng binh mưu phản. Nay có thánh đức của Thiên tử, kết hợp với hiền đức của thừa tướng, trong nay mai nhất định sẽ bắt được tên nghịch tặc này, vậy nên thuộc hạ xin chúc mừng thừa tướng!”
Bùi Độ ngạc nhiên hỏi y tại sao, y đáp: “Phong Nhân nhặt được tảng đá khắc chữ, đây chính là điềm lành. Hơn nữa hãy xem ‘đáy giếng một cành tre, màu tre xanh đậm đậm’, là nói Ngô Thiếu Thành từ một người vô danh tiểu tốt, sau này có được mười vạn binh mã, trở thành thống soái một phương, là ví von sự vinh quang của ông ta.
‘Gà chưa mập’ là nói không có thịt. Nếu đem chữ ‘phì’ (肥 – mập) bỏ chữ ‘nhục’ (肉– thịt) đi, thì chính là chữ ‘Kỷ’ (己). ‘Rượu chưa chín’ ý là nói không có nước. Nếu đem chữ ‘tửu’ (酒 – rượu) bỏ đi chữ ‘thủy’ (水 – nước), thì chính là chữ ‘Dậu’ (酉). ‘Xe chắn binh mã’ là nói quân sĩ tham gia trận chiến, ‘tạm thời rút lui’ là nói nên rút về trấn giữ vùng đất của mình. Từ đây suy ra là vào ngày Kỷ Dậu mới công phá được Hoài Tây. Nếu như vẫn còn chưa đến lúc thì hãy quay về chờ đợi”.
Bùi Độ nghe xong vô cùng mừng rỡ, nói với tả hữu rằng: “Cậu lính này thật khéo suy luận”. Cảm thấy rất đỗi kinh ngạc.
Vào tháng 10 năm ấy, tướng quốc Lý Tố dẫn quân công phá Hoài Tây, bắt sống Ngô Nguyên Tế, diệt sạch quân phản loạn. Thế là Bùi Độ liền đem ngày thắng trận ra đối chiếu với những gì được khắc trên đá, quả nhiên đúng là ngày Kỷ Dậu. Bùi Độ càng thêm kinh ngạc trước tài suy luận của anh lính nọ, liền thăng y lên làm phó tướng.
2. Trên núi có đá, trong đá có ngọc
Vương Phan, tự Lỗ Ngọc, đỗ tiến sĩ vào những năm đầu Nguyên Hòa dưới thời vua Đường Hiến Tông, sau làm quan đến chức Ngự Sử giám sát. Ông là người anh tuấn tài hoa, rất nổi tiếng vào thời bấy giờ.
Vào giữa những năm Đại Hòa dưới thời vua Đường Văn Tông, Vương Phan nhậm chức tại Đan Dương. Trong quá trình đào hào bảo vệ thành, sau khi đào sâu được vài thước, có người phát hiện thấy một tấm bia đá, trên tấm bia có khắc những chữ viết như sau: “Sơn hữu thạch, thạch hữu ngọc, ngọc hữu hà, tức hưu dã”. Tạm dịch là: “Trên núi có đá, trong đá có ngọc, ngọc có tỳ vết, tức là chấm hết”.
>>> Sợ bị diệt vong, Trung Quốc cho đóng cửa điểm du lịch “Tàng Tự Thạch”
Người công nhân sau khi đào được tấm bia đá liền dâng lên cho Vương Phan, còn kể cho ông ta biết về lai lịch của tảng đá đó một cách tường tận. Vương Phan rất muốn biết hàm nghĩa của những chữ này, nhưng ông đã mất rất nhiều thời gian nghiên cứu mà không tài nào giải được hàm nghĩa ẩn chứa trong đó. Thế là ông liền ra lệnh cho tất cả viên quan cùng thuộc hạ dưới quyền ông phân tích, nhưng chẳng ai biết được đạo lý bên trong.
Mấy ngày sau, có một ông lão xin gặp một vị quan dưới cấp của Vương Phan, rồi hỏi thầm y rằng: “Tôi nghe nói Vương Công có được một tảng đá có khắc chữ, bây giờ không biết có ai giải được hàm nghĩa trong đó chưa?”
Viên quan nói: “Vương Công vẫn còn đang suy nghĩ, lẽ nào ông đã giải được rồi chăng?”
Ông lão trả lời: “Đây là điềm không may. ‘Trên núi có đá, trong đá có ngọc, ngọc có tỳ vết, tức là chấm hết’, đây là nói về gia thế của Vương Công. Tổ phụ của Vương Công tên là Ngâm, Ngâm sinh ra người con tên Sở, xem xét trên văn tự, đây chính là ‘trên núi có đá’. Sở sinh ra Vương Phan, đây chính là ‘trong đá có ngọc’. Con trai của Phan tên là Hà Hưu, đây chính là ‘ngọc có tỳ vết, tức là chấm hết’. Chấm hết, không còn lại gì cả. Theo lý mà xét, ông ta sắp tuyệt hậu rồi!”
Viên quan bái tạ ông lão, ông lão nói xong liền đi mất.
Đến mùa đông thứ 9 năm Đại Hòa, Vương Phan bị cấm quân bắt giữ, cả nhà bị tống giam vào ngục. Phan bị xử trảm một mình dưới gốc cây liễu, già trẻ cả nhà đều chết hết. Lời giải thích của ông lão quả nhiên đã ứng nghiệm.
3. Tảng đá giấu trên núi Tung Sơn tiên đoán trước 3 triều hoàng đế Đại Đường đăng cơ
Khấu Thiên Sư, tự Khiêm Chi, đắc đạo vào thời Hậu Ngụy, ông thường hay khắc chữ trên các tảng đá để ghi nhớ sự việc, sau khi khắc xong, liền đem những tảng đá giấu trên núi Tung Sơn.
Vào năm đầu Thượng Nguyên triều đại nhà Đường, một người dân huyện Cốc Thành tỉnh Lạc Xuyên, khi đang hái thuốc trong núi, phát hiện một tảng đá, y đem tảng đá này dâng lên quan huyện là Phàn Văn, quan huyện lại bẩm báo lên quan châu, quan châu lại thượng tấu lên hoàng đế, hoàng đế Cao Tông liền hạ chiếu đem tảng đá này cất vào trong nội phủ.
Trên tảng đá ghi chép lại rất nhiều sự việc, hơn nữa lại vô cùng sâu xa khó hiểu. Nói một cách ngắn gọn, như “Mộc tử đương thiên hạ”, lại nói “Chỉ qua long”, “Lý đại đại bất khả di tông”. Lại nói: “Trung đỉnh hiển chân dung”. Lại nói: “Cơ thiên vạn tuế”,…
Câu “Mộc tử đương thiên hạ” là nói họ Lý triều đại nhà Đường theo mệnh trời có được thiên hạ. Còn câu “chỉ qua long” ám chỉ hoàng hậu Võ Tắc Thiên sẽ lên ngôi nắm quyền; “chỉ qua” là chỉ chữ “Võ”. “Lý đại đại bất di tông” là chỉ sự hưng thịnh vào thời Trung Tông, khiến thiên hạ chói lọi huy hoàng một lần nữa.
“Trung đỉnh hiển chân dung” muốn nói đến tên miếu của hoàng đế Duệ Tông, bởi vì chữ “chân” chính là tên thụy của Duệ Tông, những điều này có thể khiến người ta không tin được chăng? Trong câu “Cơ thiên vạn tuế”, chữ “Cơ” là chỉ tên của Đường Huyền Tông, “thiên vạn tuế” là chỉ năm tháng lâu dài.
Về sau Đường Trung Tông lên ngôi, con trai của Phàn Văn là Khâm Bôn đã đem những gì ghi chép trên tảng đá dâng tấu lên hoàng đế. Trung Tông liền hạ lệnh cho quan sử ghi lại những việc này vào trong sử sách.
Theo Chanhkien