Hàng thế kỷ đã trôi qua, những câu chuyện về hòa thượng Tế Công giúp đỡ người nghèo, trừng phạt kẻ xấu với năng lực thần thánh vẫn còn lưu lại trong văn hóa đại chúng ngày nay. Câu chuyện về anh bán thịt cầy dưới đây là một ví dụ.
Tế Công là nhà sư nổi tiếng của triều đại Nam Tống (1127-1279) ở Trung Quốc, còn được gọi là Tế Ðiên Hòa thượng. Trong điện ảnh Hoa ngữ cũng hay làm phim về ông dựa trên những truyền thuyết dân gian lưu truyền về những lần ông cứu nhân độ thế với năng lực thần thánh.
Chuyện kể rằng một ngày nọ, Tế Công đang đi khất thực như thường lệ thì thấy một người bán thịt chó đang bận “trút bầu tâm sự” trong nhà xí. Hai giỏ thịt cùng quang gánh thì nằm bên vệ đường. Thông qua thiên nhãn, Tế Công thấy được nhà xí sắp đổ sụp, người bán thịt chó rồi sẽ bị chôn thây trong đó.
Tế Công suy nghĩ: “Người này không thể chết, bởi lẽ anh ta là tấm gương sáng về lòng hiếu thảo, đáng để thế gian nhìn vào đó mà noi theo”.
Rồi ông đi đến nhặt lấy đòn gánh, quẩy hai giỏ thịt chạy đi, rồi hét tướng lên: “Có vẻ không ai muốn lấy hai giỏ thịt này! Thế thì ta sẽ đem về miếu của ta vậy!”.
Người bán thịt chó nghe có người rao như vậy, liền lập tức lao ra khỏi nhà xí, hai tay còn đang giữ quần. Anh ta la lên: “Này, ông thầy tu, đừng lấy giỏ thịt của tôi!”.
Mới chạy được vài bước, anh ta bỗng nghe thấy một tiếng “Ầm” lớn sau lưng. Quay đầu nhìn lại, anh sững sờ thấy nhà xí sụp đổ ngay trước mắt. Anh ta sợ đến toát mồ hôi lạnh, nghĩ thầm trong đầu: “Ôi trời ơi! Nhờ có ông sư này mà mình mới thoát nạn. Nếu không chắc mình đã bị đè bẹp dí chết mất rồi”. Sau đó, Tế Công cười khà khà và trả lại hai giỏ thịt.
Tế Công nói với người bán thịt chó: “Anh là đứa con trai ngoan ngoãn. Bán xong thịt thì về nhà nhé. Mẹ anh đang chờ anh ở nhà”.
Người bán thịt chó ấy tên là Tùng Bình, anh đã làm nghề này được nhiều năm. Anh sống cùng mẹ và vợ trên phố Tiền Đường. Tùng Bình tính tình rất rộng rãi khoáng đạt với thiên hạ, nhưng đối vợ mẹ ruột, anh không bao giờ có thái độ dễ chịu.
Hễ sáng sớm thức dậy, là anh cãi nhau với bà, có khi còn dùng thái độ vô cùng xấc xược thô lỗ nói chuyện. Còn người vợ lại rất nhu thuận, thường khuyên anh rằng: “Mẹ chàng đã già lắm rồi. Xin chàng đừng làm mẹ tức giận nữa”. Tùng Bình không nói gì, chỉ lặng lẽ làm tiếp công việc.
Một ngày nọ, Tùng Bình đang nấu thịt ở nhà và nhờ vợ trông chừng chỗ thịt để anh ra ngoài. Anh dẫn ra hai con chó – một chó mẹ và một chó con đực mà anh vừa mới mua ở chợ. Tùng Bình trói chó mẹ lại, xốc chó con lên vai. Anh để chúng ngoài sân và đi vào nhà lấy con dao lớn để làm thịt. Anh đặt con dao ngoài sân rồi trở vào nhà lấy cái chậu. Nhưng khi quay ra sân, anh không tìm thấy con dao ban nãy đâu hết. Anh hỏi vợ: “Nàng có lấy con dao không?”.
Cô trả lời: “Không, thiếp nào có lấy”.
Tìm một lúc, anh thấy con dao nằm dưới chỗ chó con nằm. Chú chó con thấy Tùng Bình sắp giết mẹ mình nên liền tha con dao qua chỗ nó nằm. Tùng Bình liền đá chó con ra một bên. Chó con không từ bỏ, chạy đến nằm trên cổ của mẹ nó. Nó nhe răng, vừa nhìn Tùng Bình chằm chằm vừa khóc, hai hàng nước mắt rơi xuống.
Cảnh tượng đó làm Tùng Bình sững sờ. Anh ném con dao đi, chạy vào phòng gọi lớn. Thấy chồng la lên, vợ anh cũng hốt hoảng. Tùng Bình dằn vặt: “Mình còn không bằng một con chó sao? Ngay cả một con chó cũng biết là phải nhớ đến cội nguồn của mình. Chẳng phải ta làm người cũng nên biết điều đó?”.
Sau đó, anh ra sân và nói với hai con chó: “Được rồi. Ta sẽ không giết chúng mày nữa. Chúng mày có thể ở lại đây. Ta sẽ cho chúng mày ăn uống đầy đủ. Còn nếu muốn đi thì chúng mày hãy đi đi”.
Sau đó, anh vào phòng của mẹ, quỳ xuống trước mặt bà, ăn năn: “Con xin lỗi, con đã không hiếu thuận với mẹ. Con thật là kẻ tội đồ”.
Vợ anh nói: “Từ giờ trở đi chỉ cần chàng đối xử tốt với mẹ thì gia đình ta sẽ hạnh phúc hơn nhiều”.
Tùng Bình liền đáp: “Sau khi chúng ta bán nốt phần thịt chó trong nồi, anh sẽ đổi nghề để không phải giết súc vật nữa”.
Chính là ngày hôm đó, Tùng Bình đi ra phố nhưng tự nhiên thấy chột bụng. Anh đặt những chiếc giỏ ở bên đường và lao vào nhà xí gần đó. Thật bất ngờ, căn nhà xí đổ sụp, nhưng may thay anh có Tế Công cứu mạng.
Có lẽ người đọc sẽ thắc mắc tại sao Tùng Bình được Tế Công xem là “tấm gương sáng về lòng hiếu thảo” trong khi anh ta là đứa con cư xử thô lỗ, thiếu lễ độ với mẹ.
Tuy nhiên, ý nghĩa thật sự của câu chuyện nằm ở chỗ: Chỉ có một điều duy nhất để phân biệt giữa thiện và ác. Mặc dù trước kia Tùng Bình hỗn láo với mẹ, nhưng khi nhận ra mình đã sai, anh thay đổi ngay lập tức để thể hiện sự kính trọng, hiếu thảo.
Những suy nghĩ thiện lương xuất hiện, sau đó được thể hiện qua hành động, và như vậy, những suy nghĩ bất chính trong lòng anh hoàn toàn biến mất. Chẳng phải Tế Công đã đúng khi nói anh là “tấm gương sáng về lòng hiếu thảo trên thế gian này” sao?
Ngược lại, giả sử như có người nhiều năm hành thiện, nhưng bỗng một hôm phát ra ý nghĩ xấu xa, thì ý nghĩ tà ác này có thể xui khiến anh ta làm điều ác. Tất cả những điều tốt đẹp anh ta đã làm trước đây đều hóa thành công cốc. Ngay vào lúc niệm đầu xấu nảy sinh, kể cả chưa làm gì xấu, thì anh ta cũng đã trở thành kẻ xấu thực sự rồi.
Vì vậy ở đời, người ta phải chọn cho mình lý tưởng sống cao thượng và kiên trì nỗ lực theo đuổi, mặc dù có thể còn cách rất xa. Vì chỉ cần mải miết theo một con đường, sớm hay muộn người ta cũng sẽ đến đích. Lựa chọn thiện hay ác chỉ bắt đầu từ một ý niệm. Ý niệm sống thiện lương đoan chính này vô cùng quan trọng, và chúng ta thường gọi nó là “Phật quang phổ chiếu”.
Xem thêm:
Theo Epoch Times