Tinh Hoa

Câu chuyện về chị, em trai và tình thân vững bền theo năm tháng

Nếu có một mối quan hệ vững bền trên thế giới, đó là tình thân giữa tôi và em trai mình. Chúng tôi đã lớn lên trong một nông trại ở một miền quê xa xôi. Một lần, tôi lấy cắp 50 cent từ ngăn kéo của cha để mua một chiếc khăn tay thêu hoa. Trong ngày hôm đó, bố tôi đã nhận ra số tiền bị mất.

Nếu có một mối quan hệ vững bền trên thế giới, đó là tình thân giữa tôi và em trai mình. (Ảnh: mcconnma/Pixabay)

Vì vậy, hai chúng tôi phải quỳ úp mặt vào tường trong khi cha tôi cầm một cây gậy tre trong tay, ông muốn chúng tôi phải thú nhận, nhưng chúng tôi đã không nói gì. Ông giận dữ vì chúng tôi không nhận lỗi, nên bảo cả hai chúng tôi đều sẽ bị phạt. Khi ông giơ cây roi tre lên, em trai tôi nắm tay ông và nói:

Bố, đó là con, không phải chị. Bố đánh con đi“.

Bố tôi rất tức giận nên đã đánh nó một roi tre nặng. Sau đêm đó, mẹ tôi và tôi chăm sóc em trai, thì thấy cơ thể nó đầy những dấu vết do bị đánh đòn. Tôi đã khóc rất nhiều, nhưng em trai đã không đổ một giọt nước mắt. Nó nói với tôi: “Đừng khóc chị, mọi chuyện qua rồi mà“. Tôi đã luôn ghét sự thiếu can đảm của mình, và tôi đã không bao giờ quên về việc em trai đã chịu đòn thay mình, lúc đó nó 8 tuổi và tôi 11 tuổi.


Em trai tôi được nhận vào một trường trung học lớn và tôi được nhận vào một trường đại học tỉnh. Cha tôi ngồi xổm bên ngoài trong sân sau đêm đó, hút ống điếu và thì thầm, “Tụi nhỏ giỏi thật đấy!” Mẹ chúng tôi lau nước mắt trên mặt cô và nói, “Giỏi gì mà giỏi, chúng ta không đủ tiền trả học phí đâu!” Em trai nói với cha tôi, “Con không muốn học trung học đâu, học thế đủ rồi!“. Thế là, ông đã đi ra ngoài để vay tiền học phí.

Tôi đã quyết định không đi học đại học, vì một đứa con trai không được học hành đàng hoàng thì không thể nào rời khỏi làng. Tôi đã tỉnh dậy vào sáng hôm sau để tìm em trai, nó đã đi mất trong đêm, để lại tờ giấy ghi: “Chị đừng lo lắng, rất khó để có thể vào được đại học, em sẽ đi làm còn chị có thể đi học“. Tôi đã giữ tờ giấy đó và khóc. Lúc đó, em trai tôi 17 tuổi và tôi đã 20 rồi.

“Chị đừng lo lắng, rất khó có thể vào được đại học, em sẽ đi làm còn chị có thể đi học”. (Ảnh: Pixabay/CC0 Public Domain)

Một ngày trong năm học cơ sở của tôi, một người bạn cùng lớp đến gặp và nói rằng tôi có một người đến thăm từ quê nhà. Tôi đi ra ngoài và nhìn thấy em trai của tôi, mặc quần áo làm việc và dính đầy bụi xi-măng. Tôi hỏi nó: “Tại sao em không nói là em trai chị?“. Nó cười nói: “Mọi người sẽ cười chị nếu em mặc quần áo thế này“. Tôi nói trong khi nước mắt chảy xuống khuôn mặt mình:

Em là em trai của chị, không quan trọng em mặc gì, và chị cũng không quan tâm những gì người khác nghĩ về em“.

Nó lấy một cái kẹp tóc hình con bướm bọc trong một chiếc khăn tay và cài lên tóc tôi, nói với tôi rằng tất cả các cô gái trong thành phố đều mặc như vậy nên nó mua một cái cho tôi. Tôi ôm nó và khóc. Lúc đó, nó 20 và tôi đã 23 tuổi.

“Tại sao em không nói là em trai chị?” Nó cười nói: “Mọi người sẽ cười chị nếu em mặc quần áo thế này”. (Ảnh: Pixabay/CC0 Public Domain)

Lần đầu tiên tôi đưa bạn trai mình về thăm nhà, tôi thấy ngôi nhà rất sạch sẽ và tất cả những thứ cũ, hỏng hóc đã được sửa lại, gồm một khung cửa sổ bị gãy trong nhiều năm qua. Sau khi bạn trai tôi đi, tôi nói với mẹ mình: “Mẹ dọn dẹp nhà cửa thật chu đáo“. Mẹ tôi mỉm cười và nói: “Đó là em trai của con đã về nhà sớm và làm đó, nhìn các vết cắt nó sửa cửa sổ mà xem“. Tôi bước vào phòng em trai tôi, và khuôn mặt gầy của nó làm tôi buồn. Nó cười và nói: “Bạn của chị cũng học đại học ra, và chúng ta không thể để anh ta cười mình được“. Tôi đã quay mặt đi và khóc. Vào lúc đó, nó 23 tuổi và tôi đã 26.

Tôi thấy ngôi nhà rất sạch sẽ và tất cả những thứ cũ, hỏng hóc đã được sửa lại, gồm một khung cửa sổ bị gãy trong nhiều năm qua. (Ảnh: Pixabay/CC0 Public Domain)

Chồng tôi và tôi đã chuyển đến thành phố sau khi chúng tôi kết hôn. Chúng tôi nhiều lần mời bố mẹ đến và sống cùng, nhưng họ luôn từ chối, nói rằng họ không biết làm gì nếu rời khỏi làng. Em trai tôi cũng phản đối, nói rằng: “Chị hãy chăm sóc bố mẹ chồng, còn em sẽ lo cho bố mẹ ở đây“. Khi chồng tôi được thăng chức giám đốc nhà máy, tôi hỏi anh về việc cân nhắc đưa em trai mình lên làm quản lý bộ phận sửa chữa. Em trai từ chối lời đề nghị này, nó vẫn làm kỹ thuật sửa chữa.

Thế rồi, em trai tôi bị thương trong khi đang làm việc, chồng cùng tôi đã đến thăm nó ở bệnh viện. Tôi nhìn vào chân nó và mắng: “Em có thể làm một quản lý, nhưng sao lại từ chối, giờ thì xem nông nổi thế này!” Em trai tôi nghiêm nghị trả lời: “Chị đã nghĩ về chồng của chị chưa? Anh ấy mới được thăng chức và em không có bằng cấp, làm sao có thể gánh vác trách nhiệm này? Những người khác sẽ nghĩ sao?“. Chồng tôi rơi nước mắt và tôi đã khóc.

Tôi nghẹn ngào, “Em không được đi học vì đã hy sinh cho chị!“. Em trai nắm lấy bàn tay tôi và nói: “Đó là quá khứ rồi, nhắc đến làm gì?“. Nó 26 và tôi đã 29 vào năm đó.

“Chị đã nghĩ về chồng của chị chưa? Anh ấy mới được thăng chức và em không có bằng cấp, làm sao có thể gánh vác trách nhiệm này? Những người khác sẽ nghĩ sao?”. Chồng tôi đã rơi nước mắt và tôi đã khóc: “Em không được đi học vì đã hy sinh cho chị!” (Ảnh: Pixabay/CC0 Public Domain)

Một năm sau, em trai tôi đã kết hôn với một cô gái tốt bụng trong làng. Trong lễ cưới, khi được hỏi ai là người anh kính trọng nhất, nó đã trả lời không do dự: “Chị gái tôi”. Nó kể một câu chuyện mà tôi đã không còn nhớ, nó nói: “Một ngày trên con đường dài đến trường tôi đã bị mất một găng tay, chị tôi đã cho tôi cái của chị ấy. Khi chúng tôi về nhà vào đêm đó, bàn tay chị lạnh đến nỗi không thể cầm đũa được. Từ ngày đó trở đi, tôi hứa rằng tôi sẽ đối xử tốt với chị tôi trong quãng đời còn lại của mình“. Mọi người quay sang tôi và vỗ tay tán thưởng. Tôi nói: “Tôi rất biết ơn em trai mình, cậu ấy đã giữ lời hứa đó trong suốt năm tháng cuộc đời chúng tôi“.

Tác giả: Yi Ming

Thanh Phong dịch từ Vision Times