Tu Phật có tám vạn bốn ngàn pháp môn, đều chú trọng tu thân, tu khẩu, tu ý. Trong đó có một pháp môn đặc biệt chú trọng đến tu khẩu, họ ngậm miệng không nói gì trong suốt nhiều năm, và bản thân họ cũng triển hiện ra không ít thần tích.
Trước cửa chùa Thánh Thủy ở huyện Nội Giang, từng xuất hiện một vị hòa thượng, mọi người đều không biết ông từ đâu đến. Vị hòa thượng này ngồi ở bậc thang ngoài cửa, đầu đội mũ bông đã rách, mặc y phục rách, miếng vá này chồng lên miếng vá khác. Ông không ăn cơm, không nói lời nào, ba ngày ba đêm cũng không động đậy.
Chùa Thánh Thủy nằm trong một khu rừng lớn, với hơn một trăm vị hòa thượng cư ngụ. Các hòa thượng nhìn thấy cử chỉ kỳ lạ của người này, liền bẩm báo lên trưởng lão. Trưởng lão đi ra xem xét, cho là vị hòa thượng này nhất định có nguyên nhân mà đến đây. Ông bèn mời vị hòa thượng vào chùa, hòa thượng liền bước vào; mời ăn cơm thì ông ăn. Trưởng lão chọn ra một gian phòng nhỏ để ông ở lại.
Vị hòa thượng này thường vài ngày không ăn chút gì, nhưng mỗi lần ăn thì phần cơm có thể bằng mấy người. Khi mọi người hỏi chuyện, ông có thể lĩnh hội được ý tứ của lời nói, nhưng cũng chỉ cười, không trả lời gì. Ông mặc y phục rách rưới, đội mũ vải rách, cho dù mùa hè thời tiết nóng bức, cũng vẫn mặc trên người. Tuy vậy đến gần ông, lại không hề ngửi thấy mùi hôi khó chịu nào.
Ở một năm, trưởng lão nhìn thấy tóc của vị hòa thượng có nhiều rận, bèn nói với ông ấy: “Sao ông không cạo tóc đi?”. Ông cười và gật đầu đồng ý. Vậy là ông đi cạo tóc. Trưởng lão cũng không đặt giới cấm gì để ước thúc ông, mà để ông đến và đi tùy ý. Các hòa thượng cũng không trách ông.
Cuộc sống trong chùa rất kham khổ, gieo mấy trăm mẫu ruộng, cũng không thuê công nhân làm. Ngay cả việc nhóm lửa, nấu cơm, đốn củi, gánh nước, toàn bộ đều do các hòa thượng làm. Một hôm, trưởng lão nói với toàn bộ hòa thượng: “Sáng sớm mai, tất cả mọi người hãy lên núi đốn củi”.
Hôm sau các hòa thượng lên núi, vừa tới nơi thì thấy toàn bộ những cành cây nhỏ trước và sau núi đều đã được chặt xuống, xếp thành từng hàng ngay ngắn, chỉ đợi các hòa thượng đến buộc lại rồi vận chuyển đi. Các hòa thượng cảm thấy rất ngạc nhiên, lại nghe có tiếng búa vang giữa sườn núi, mọi người đến gần xem xét, thì thấy vị hòa thượng kia đang vung búa, mồ hôi đầm đìa, chặt lấy những cành cây nhỏ còn lại. Vị hòa thượng thấy mọi người đến, không nói gì mà lẳng lặng rời đi. Các hòa thượng vai gánh lưng khiêng, phải mất một ngày mới vận chuyển xong số củi đó.
Một năm nữa trôi qua, suốt từ mùa xuân đến mùa hè, trời không một chút mưa, nước ruộng toàn bộ khô cạn, mạ non mọc dài hơn cả thước vẫn chưa có chỗ cắm, mọi người rất lo lắng. Một ngày nọ, đột nhiên nhìn thấy vị hòa thượng nhổ hết mạ non ở trong chùa rải lên ruộng, tất cả ruộng ở trong chùa đều rải đầy mạ.
Mọi người quở trách ông, ông lặng lẽ bỏ đi. Đêm hôm đó, trời mưa to như trút nước, nhờ có vị hòa thượng kia đặt mạ sẵn, nên mạ non của chùa mới thừa sức cấy vào đất, về sau liền được mùa thu hoạch lớn.
Từ sau khi vị hòa thượng hiển lộ kỳ tích, tất cả mọi người đều rất coi trọng ông. Có lúc, ông ngủ ngoài trời, nước mưa làm bộ y phục rách nát của ông đều ướt hết cả, ông vẫn an nhiên như không có gì xảy ra. Có lúc, ông ăn sống bã đậu; khoai sọ vừa nấu chín được một nửa, ông cũng ăn nhai hết cả. Từng hành động của ông, đều vượt ngoài những sự tình thông thường. Dân chúng khắp nơi nghe nói kỳ tích của ông, bèn ngưỡng mộ và đến chiêm ngưỡng dung mạo ông, còn gọi ông là “Tiên”.
Có một vị huyện lệnh cũng muốn gặp ông. Nhiều lần mời ông đến, nhưng ông không đi. Huyện lệnh còn làm một bộ y phục và mũ tặng cho ông, ông cũng không thèm để ý tới.
Có một ngày, bỗng nhiên thuộc hạ của huyện lệnh bẩm báo: “Hòa thượng đến!”, chỉ thấy vị hòa thượng bệ vệ đi vào trong phòng, xung quanh không có ai. Ông nhìn lên tấm biển, câu đối, dường như thông hiểu hết văn lý.
Vị huyện lệnh lập tức ra hành lễ, ông không đáp lễ; nói chuyện với ông, ông cũng không trả lời; lấy áo mũ mới tặng cho ông, ông cũng không nhận. Cưỡng chế đem y phục mặc lên người ông thì ông đứng dậy đi ra ngoài, dường như muốn rời khỏi đó thật nhanh. Ông ra khỏi huyện nha liền cởi bỏ toàn bộ y phục quẳng xuống đất. Dân chúng tụ tập lại xem, ông liền bỏ chạy.
Lại qua vài năm, y phục của vị hòa thượng đã rách nát, trưởng lão nhiều lần nói ông thay cái mới, ông cũng không lên tiếng. Ông tự mình đến ruộng bông, thu lượm quả bông già chất trong góc phòng, sau đó tự chế khung tre mà dệt thành một tấm vải bố dài hơn 1 trượng. Ông xé chúng thành từng mảnh, sau đó tự kết may thành áo mũ. Bất luận là mùa đông hay mùa hè, ông đều mặc chúng, bao nhiêu năm mà không thấy cởi ra.
Lúc ấy có một ông lão tên Hồng Thành Đỉnh, ông xuất thân là trưởng quan ở Tứ Xuyên, người dân gọi là Hồng Lão, là người phúc hậu, cũng rất thanh liêm. Đến tuổi về hưu, ông thường du ngoạn bốn phương, gặp được rất nhiều kỳ nhân, cao tăng.
Khi đó ông đang cư ngụ tại phủ quan, nghe nói vị hòa thượng này có điều bất thường, liền đến thăm hỏi. Lúc đến nơi, hòa thượng đã tránh đi rồi. Trưởng lão ra ngoài tìm kiếm, tìm mãi cũng không thấy. Đợi qua vài ngày, vẫn chưa gặp được, Hồng Lão đành trở về.
Vài tháng sau, Hồng Lão đi thăm hỏi lần thứ hai, cũng không gặp được. Hồng Lão tự trách mình không có duyên gặp mặt tiên nhân, đang lúc than thở nuối tiếc, bỗng nhiên có người bẩm báo, vị hòa thượng trở về rồi, đang ăn cơm trong phòng bếp.
Hồng Lão cùng trưởng lão đi gặp ông, chỉ thấy ông tay bưng chén ăn lấy ăn để như hổ đói, nước canh xen lẫn rau củ đều nuốt vào một cách ngon lành. Chờ vị hòa thượng cơm nước xong xuôi, Hồng Lão bước lên thi lễ, hòa thượng nhìn Hồng Lão hồi thật lâu, mới cầm lấy mộc hồ lô đi pha trà. Nước trà gần đầy, ông dùng ngón tay nhặt lên hai mảnh lá trà, đưa cho Hồng Lão, nói: “Dùng trà”. Từ khi vị hòa thượng vào chùa đến nay, chỉ nghe được ông nói hai chữ “dùng trà” này, trước giờ chưa hề nói qua một câu.
Hồng Lão hai tay tiếp nhận trà, nhai trong miệng, hương vị không khác mấy so với trà bình thường. Hòa thượng lập tức đi vào phòng sách, ngồi xổm trên ghế cao, cầm bút, thêm nước vào nghiên mực, vẽ độ mấy mươi nét, nhìn như là chữ, cũng không giống chữ, ông dường như tinh thông thư pháp.
Lúc này trời đang đại hạn, Hồng Lão hỏi hòa thượng: “Đại tiên có thể dự báo giúp chúng tôi khi nào trời mưa hay không?”. Vị hòa tượng gạch 3 đường lên giấy trắng, sau đó bỏ đi. Hồng Lão đi theo, thấy ông đi vào bụi cỏ rậm rạp ở hậu viên. Hồng Lão tiếp tục đi theo thì bị trưởng lão chặn lại nên không đi nữa.
Ba ngày sau, quả nhiên trời đổ cơn mưa. Hồng Lão lưu lại vài ngày, muốn gặp vị hòa thượng một lần nữa, nhưng không gặp được đành ra về. Người đời cho rằng, vì Hồng Lão mến yêu dân chúng, vị hòa thượng mới mở miệng nói với ông, mời ông dùng trà, còn đối với bất cứ ai khác, ông đều không mở miệng.
Sau này nghe một người bạn ở Nội Giang kể lại, sau khi trưởng lão mất, vị hòa thượng sống thêm mười mấy năm, vẫn không nói qua lời nào.
Đúng là:
Bệnh tòng khẩu nhập, họa tòng khẩu xuất.
Thử thị thường thoại, lý bất hàm hồ.
Bát lộng thị phi, chiêu họa chiết lộc.
Mặc tăng tu hành, giam khẩu bất thuật.
Nhân đương tự luật, tá giam thủ phúc!
Tạm dịch
Bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra
Đây là lời thường nói, lý lẽ không hề hàm hồ
Xúi giục thị phi, gây họa tổn lộc
Mặc Tăng tu hành, im miệng không nói
Người biết tự kiềm chế, giữ được phúc phận!
(Trích trong “Sĩ Ẩn Trai Thiệp Bút”)
Natalie (dịch)
>>> Vì sao người Do Thái vốn thông minh nhưng phải sống lang bạt suốt 2.000 năm?