Trong giới tu luyện có câu rằng: “Thân người khó được, Phật Pháp khó nghe”, con người trong luân hồi vô minh, vẫn đang tìm kiếm chân lý cuộc đời. Nếu có thể sinh ra vào thời Phật hạ thế, thì đó là cơ duyên vạn cổ.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từ sớm đã cho chúng ta biết rằng, chính bản thân ngài, cũng đã phải trải qua muôn vàn ức kiếp, tinh tấn tu hành, tìm cầu chánh Pháp, cuối cùng đã chứng đạo thành Phật. Trong kinh điển ghi chép về tiền thân của Đức Phật, cũng có rất nhiều câu chuyện xả thân cầu Pháp.
Thuở xưa, nước Diêm Phù Đề có một vị quốc vương tên Phạm Thiên, thái tử của quốc vương tên Đàn Ma Kiềm, vô cùng yêu thích chánh Pháp.
Một ngày nọ, vua trời Đế Thích biến thành một vị Bà La Môn, nói với thái tử rằng: “Tôi cói thể thuyết giảng chánh Pháp”.
Thái tử bèn cung kính đảnh lễ, mời Bà La Môn thuyết giảng Phật Pháp cho mình.
Bà La Môn nói: “Tôi tu học chánh Pháp đã bỏ ra rất nhiều công phu, phải trải qua thời gian tu luyện rất lâu dài, cậu làm sao có thể muốn nghe liền dễ dàng nghe được chánh Pháp như vậy. Nếu như cậu có thể không tiếc sinh mệnh, nhảy vào trong hố lửa lớn, lấy loại hành vi này làm lễ cúng dường, tôi sẽ truyền giảng chánh Pháp cho cậu”.
Thái tử làm theo yêu cầu của vị Bà La Môn, đào thành một hố lửa lớn.
Quốc vương Phạm Thiên và phu nhân, cung tần mỹ nữ đều cầu xin vị Bà La Môn, xin nguyện dâng thành trì, vợ con cúng dường cho ông, chỉ xin ông đừng bảo thái tử nhảy vào trong hố lửa.
Vị Bà La Môn nói: “Tôi không bức ép cậu ta, tất cả đều do bản thân cậu ta quyết định. Nhưng nếu cậu ta không làm theo yêu cầu của tôi, tôi sẽ không truyền giảng Phật Pháp cho cậu ta”.
Quốc vương không có cách nào, đành phải thông báo với cả nước: bảy ngày sau, thái tử sẽ gieo mình vào trong hố lửa để cầu được chánh Pháp, những ai muốn gặp mặt Thái tử lần cuối thì hãy đến sớm.
Thế là ở các nơi trong khắp cả nước, từ giai tầng quý tộc cho đến bá tánh bình dân, cùng lúc tranh nhau kéo đến, mọi người đều lần lượt cầu khẩn vị Bà La Môn, lời cầu khẩn của họ cũng giống như những gì mà quốc vương, phu nhân đã nói trước đó.
Thái tử nói với mọi người rằng: “Ta trong muôn vàn kiếp sinh tử luân hồi đã mất mạng vô số lần. Trong cõi người, mặc sức phóng túng tham dục, giết hại lẫn nhau; trong cõi trời, đến lúc thọ mệnh chấm hết, vui quá hóa buồn; trong cõi địa ngục, núi đao biển lửa, đau khổ cùng cực; trong cõi ngạ quỷ, trăm độc xuyên thân; trong cõi súc sinh, lấy thân thể làm thức ăn cho kẻ khác, chỉ ăn cây cỏ, nếm trải biết bao thống khổ.
Trải qua các loại khổ này, tuy có sinh mệnh, nhưng lại không phát thiện tâm cầu được chánh Pháp. Hôm nay tôi bằng lòng vứt bỏ túi da thối này để cầu được chính Pháp thù thắng thanh tịnh, mọi người sao lại đến đây ngăn cản tôi? Sau khi tôi chứng đắc Phật Đạo, nhất định sẽ đến độ thoát mọi người“.
Thái tử nói những lời này xong, liền đứng ở trên hố lửa, chuẩn bị nhảy vào.
Bà La Môn nói: “Thường hành vu từ tâm, trừ khứ khuể hại tưởng, đại bi mẫn chúng sinh, căng thương vi vũ lệ. Tu hành đại thiện tâm, đồng kỷ sở đắc Pháp, ủng hộ dĩ đạo ý, nãi ứng bồ tát hành“. Tạm dịch là: Thường ở trong từ tâm, trừ sạch mọi oán hận, đại bi thương chúng sinh, đau thương làm mưa lệ. Tu hành đại thiện tâm, hòa cùng Pháp đắc được, tán thành theo ý đạo, thật là Bồ Tát hạnh.
Thái tử nghe Bà Là Môn đọc xong bài kệ này, liền dũng cảm nhảy vào trong hố lửa.
Lúc này vua trời Đế Thích nắm lấy một tay của vị thái tử, khen ngợi rằng: “Hết thảy mọi chúng sinh trong Diêm Phù Đề đều nhờ vào ân đức của thái tử, mọi việc há chẳng phải đâu đã vào đấy cả. Hôm nay, nếu ngài đã thật sự nhảy vào trong hố lửa, người dân cả nước đều sẽ không khỏi đau khổ giống như mất đi người cha. Sao ngài có thể một mình giải thoát, bỏ lại hết thảy chúng sinh như vậy?”.
Thái tử vẫn từ chối, nói: “Xin chớ có ngăn cản đạo tâm vô thượng của tôi nữa!”.
Thái tử nói xong, tung mình nhảy vào trong hố lửa. Ngay tức khắc, trời đất đều chấn động mạnh. Ngay trong lúc vô số chư thiên trên không đồng thời khóc lóc, nước mắt chảy xuống tựa như cơn mưa to, lúc này, hố lửa cháy bừng bừng bỗng chốc hóa thành ao sen, thái tử xếp bằng ngồi ngay ngắn trên đài hoa sen, chư thiên rải hoa, xếp chồng đến tận đầu gối của thái tử.
……
Đức Phật kể xong câu chuyện này, nói với A Nan: “Phạm Thiên chính là vua Tịnh Phạn trong đời này, người mẹ chính là Ma Gia phu nhân, thái tử chính là tiền thân của ta vậy“.
Theo Daikynguyenvn