Tinh Hoa

Câu chuyện thú vị của “Đứa trẻ thượng đẳng” biến Đức quốc xã thành trò cười

Khi Hessy Taft được 6 tháng tuổi, bà được Đức quốc xã chọn là hình mẫu “đứa trẻ thượng đẳng” hoàn hảo và đưa lên poster và lan truyền rộng rãi. Nhưng thật ra bà là người Do Thái.

”đứa trẻ thượng đẳng” mà Đức quốc xã chọn – Bà Tafl hồi nhỏ

Cô bé ngày nào giờ đã là Giáo sư Taft 80 tuổi nói: “Tôi có thể cười nhẹ nhõm rồi. Nhưng nếu Đức quốc xã biết thực ra tôi là ai, chắc tôi không sống được đến giờ”.

Giáo sư Taft xuất hiện ở Đài tưởng niệm nạn nhân Do Thái tại Yad Vashem, Israel, Taft mang theo bìa tạp chí và kể về câu chuyện bà đã trở thành nhân vật tuyên truyền cho Đức Quốc xã như thế nào.

Cha mẹ bà, Jacob và Pauline Levinsons, từng là những ca sĩ tài năng, ông bà di cư từ Berlin tới Latvia để theo đuổi sự nghiệp âm nhạc cổ điển năm 1928 và gặp nhiều trở ngại khi Phát xít Đức lên nắm quyền.

Ông bà mất việc tại công ty opera vì ông là người Do Thái, sau đó họ phải làm công việc bán hàng. Năm 1935, những cuộc săn lùng người Do Thái tràn ngập thành phố, Pauline Levinsons đem con gái mình tới một nhiếp ảnh gia nổi tiếng tại Berlin để chụp ảnh.

Vài tháng sau, bà hoảng loạn khi thấy ảnh con gái mình ở trên bìa Sonne ins Hause, tạp chí gia đình lớn của Phát xít Đức. Lo sợ gia đình sẽ bị phát hiện, bà tức tốc tới chỗ người thợ ảnh, Hans Ballin. Ông nói ông biết thân thế gia đình bà, nhưng vẫn cố tình gửi bức ảnh tới cuộc thi tìm ra “Em bé thượng đẳng đẹp nhất”. Ông nói với bà: “Tôi muốn đem bọn phát xít ra làm trò cười”.

Ông đã thành công, và tấm ảnh được cho là được đích thân Bộ trưởng Tuyên truyền Đức Quốc xã Joseph Goebbels chọn lựa.

Sợ hãi việc con gái sẽ bị nhận diện, cha mẹ Taft không cho cô bé ra khỏi nhà.

Ảnh của cô bé được phổ biến trên các tấm thiệp, và được một người dì tại Memel, giờ thuộc lãnh thổ Lithuania nhận ra. Nhưng phát xít Đức không bao giờ biết danh tính giáo sư Taft.

Vào năm 1938, cha bà bị bắt giữ vì trốn thuế, nhưng đã được tự do khi một thành viên đảng Quốc xã biện hộ cho ông.

Sau đó, gia đình họ chạy trốn khỏi Đức. Đầu tiên họ tới Latvia, trước khi định cư ở Paris. Đến khi thành phố này bị phát xít chiếm đóng, với sự trợ giúp của chính quyền, họ lại trốn thoát và tới Cuba, sau đó đặt chân lên Mỹ vào năm 1949.

Giờ bà Taft là giáo sư Hóa tại New York.

“Tôi thấy khá hả dạ. Cảm giác rất hài lòng” – Bà nói trong buổi diễn thuyết tại Yad Vashem.

Theo Vntinnhanh