Giúp đỡ người khác là một mỹ đức, cũng chính là bản tính con người. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta giúp người nhưng lại không được người hàm ơn mà còn bị oán thán, ta nên phải làm gì? Câu chuyện ngụ ngôn dưới đây sẽ là một gợi ý.
Vào lúc đêm khuya, có một toán cướp hung ác đột nhập vào một hộ gia đình. Khi nhìn thấy chủ nhà này đều đang ngủ say, chúng liền cướp sạch hết những thứ đáng giá trong nhà.
Chính ngay lúc toán cướp từ trong nhà nạn nhân đi ra, đang chuẩn bị bỏ trốn, thì vừa khéo lại gặp phải người hàng xóm của nhà này.
Người hàng xóm nhìn thấy của cải trong tay đám cướp này, ngay tức khắc hiểu ra đã xảy ra chuyện gì. Anh này vốn là người ngay thẳng tốt bụng, tuy biết rằng toán cướp hung bạo không dễ chọc, nhưng cũng không nỡ nhìn thấy của cải tích lũy nhiều năm của nhà hàng xóm bị trộm mất như vậy.
Thế là người hàng xóm lấy hết can đảm hô lớn lên: “Có trộm! Có trộm!”. Ông định dùng tiếng kêu đánh thức chủ nhà bị mất trộm còn đang ngủ say giấc, ông nghĩ rằng nếu như mọi người cùng đến chống cự, hẳn sẽ có thể thắng được đám cướp.
Nhưng mà chủ nhà bị mất trộm đó lại ngủ say như chết, bình thường sét đánh cũng không đánh thức được, tiếng hô của người hàng xóm không động tới giấc ngủ của ông ta được. Tuy nhiên, nữ chủ nhà đã tỉnh dậy. Khi bà phát hiện trong nhà bị mất trộm, liền lần theo tiếng kêu xem thử, thì thấy toán cướp ôm của cải nhà bà đang đứng song song với người hàng xóm.
Bà ta khóc lóc hòng muốn đoạt lại của cải, nhưng đám cướp vừa dối gạt vừa hù dọa bà ta, nói họ lấy trộm đồ đều là nghe sự sắp đặt của người hàng xóm, là người sáng xóm thấy tiền sáng mắt nên mới bảo họ đến lấy trộm, bảo nữ chủ nhà mấy ngày nữa hãy qua đòi người hàng xóm. Nữ chủ nhà trong lúc hoang mang sợ hãi, nửa tin nửa ngờ và đi vào trong nhà.
Toán cướp thấy âm mưu của mình đã thành công, bèn đắc ý nói với người hàng xóm rằng:
“Dù cho những lời ông nói là thật đi nữa, cũng sẽ không có người tin đâu, lần sau nếu như ông còn nhiều chuyện nữa, chúng tôi sẽ không khách sáo với ông nữa đâu đấy! Những gì mà ông nhìn thấy đêm nay không được nói với người khác, nếu không cẩn thận chúng tôi giết ông diệt khẩu!”.
Người hàng xóm sức cô thế cô, cuối cùng chỉ có thể đứng nhìn lũ cướp nghênh ngang bỏ đi.
Ngày hôm sau, ông chủ nhà bị mất trộm tỉnh dậy, nhìn thấy trong nhà bị lục tung cả lên, lại nghe người vợ bị dối gạt ăn nói lung tung, trong chốc lát liền hận người hàng xóm thấu xương, ngay tức khắc nổi cơn tam bành chạy sang nhà hàng xóm quát tháo ầm ĩ cả lên.
Nhưng cuối cùng trong nhà hàng xóm lại không phát hiện ra bất cứ vật gì trong nhà mình, bởi vậy cũng không thể khẳng định người hàng xóm chính là kẻ trộm. Tuy là như vậy, nhưng gia đình bị mất trộm ấy vẫn ôm hận trong lòng đối với người hàng xóm.
Về sau, thân nhân gần đó của người hàng xóm đã biết được chuyện này, liền nói với ông ta: “Ông cớ chi phải làm như vậy? Bị trộm là của nhà người ta, liên quan gì đến ông đâu, ông còn động chạm đến toán cướp, coi chừng rước lấy họa sát thân ấy chứ!
Ông xem, bây giờ người bị mất trộm đó không những không cảm ơn ông, còn oán hận ông nữa. Có câu ‘người khôn giữ mình’, nếu chuyện đã không dính dáng đến mình thì không cần phải rước lấy rắc rối, đế tránh khỏi bị nói xấu và tổn thương”.
Người hàng xóm nghe xong, ngẫm nghĩ một hồi lâu, mới nói rằng:
“Tôi đương nhiên biết rằng nhà người ta bị trộm, bản thân tôi vốn không mất mát gì cả, tôi cũng đoán trước rằng tôi nói thật như vậy sẽ bị bọn cướp trả thù. Nhưng nếu đã có duyên trở thành hàng xóm của nhau, thì cần phải quan tâm và giúp đỡ lẫn nhau mới phải. Các bậc Thánh hiền dạy chúng ta ‘thấy việc nghĩa hăng hái mà làm’, chính nghĩa cần phải đi ngăn chặn cái ác.
Nếu như chúng ta nhìn thấy nguy hiểm liền mặc kệ không nói chi cả, vì để tự bảo vệ mình là mặc kệ điều ác, kiểu tự tư tự lợi đó có khác gì với lũ cướp kia đâu?
Câu nói ‘người khôn giữ mình’ không phải là bảo chúng ta thấy lợi quên nghĩa đâu! Hơn nữa, nhà bị mất trộm tuy không phải là nhà tôi, nhưng nếu như lần này tôi không nói lên sự thật, thì bọn cướp sẽ càng không kiêng nể chi cả, lần sau có thể sẽ trộm đến nhà tôi không chừng, nếu như mỗi người hàng xóm nhìn thấy trộm cướp đều sợ hãi mà không lên tiếng nữa, thì cuối cùng mọi người đều sẽ bị bọn cướp đến nhà lấy trộm hết.
Điều này cũng giống như chúng ta nhìn thấy nhà hàng xóm bị cháy, nếu như ích kỷ nghĩ rằng dù sao nhà mình cũng không mất mát gì nên liền không đi dập lửa, như thế khó lòng đảm bảo rằng lửa sẽ không cháy lan sang nhà mình. Bởi vậy, im lặng và ích kỷ không chỉ làm hại người khác, cuối cùng có một ngày cũng sẽ làm hại chính bản thân mình”.
Theo Zhengjian