Có những người tuy rằng có lòng kính ngưỡng Thần Phật, nhưng lại trong vô minh mà truy cầu những điều thế tục, mang theo dục vọng của người phàm, kết quả cầu Phật không thành lại có thể chiêu mời ma quỷ và các loại phiền phức. Nếu thật là vậy, thì đó cũng là khổ nạn do chính họ tạo ra, sao có thể quay lại trách Thần Phật được?
“Truyền kỳ mạn lục” của Nguyễn Dữ là một tác phẩm trứ danh trong văn học Việt Nam, có thể so sánh với kiệt tác “Liêu trai chí dị” trong văn học Trung Quốc. Tác phẩm này ghi chép lại những câu chuyện kỳ lạ nhưng chân thực xuất hiện trên lãnh thổ nước ta vào thời cổ đại, liên quan đến quỷ Thần và quy luật Thiện ác hữu báo, từ đó mà khởi tác dụng răn đe kẻ ác, giúp người đời quay về đường ngay nẻo chính.
Trong tác phẩm này có ghi chép lại một câu chuyện về ma quỷ mạo danh Thần Phật để hưởng dụng đồ cúng tế và làm hại thế nhân. Đây không chỉ là bài học của con người thời đó, mà còn là một lời cảnh tỉnh dành cho hậu thế ngày nay.
Chuyện về ngôi chùa hoang ở huyện Đông Trào
Thời nhà Trần, Phật giáo nước ta phát triển đạt đến đỉnh cao, khắp nơi đều có người tín Phật, chùa chiền xuất hiện trên khắp cả nước. Trong một đoạn thời gian, số lượng tăng ni trong nước thậm chí nhiều bằng một nửa dân thường, ngay cả nhiều vị vua Trần tới cuối đời cũng xuất gia đầu Phật, từ bỏ hoàng vị mà khoác áo cà sa.
Tuy nhiên, như một quy luật của vũ trụ, mọi thứ đều cần trải qua quá trình “Thành Trụ Hoại Diệt”. Phật giáo đã từng có thời huy hoàng như thế trong lịch sử dân tộc ta, nhưng đến cuối đời Trần, cũng tức là đã bước sang giai đoạn “Diệt” của nhà Trần, mọi thứ đều trở nên biến đổi theo chiều hướng xấu.
Người dân vẫn còn kính Phật, các nơi chùa miếu tâm linh vẫn còn người qua kẻ lại nô nức, nhưng lòng người đã không còn cao thượng như xưa, người ta vào chùa không phải là để tu hành, cũng không phải để sám hối tội lỗi, mà là đến để cầu xin công danh tiền tài, cầu xin được tiêu tai giải nạn,…
Vào đời vua Giản Định, ở huyện Đông Trào người ta rất tin Phật, hễ có việc gì đều đến chùa cầu xin, có bệnh cũng vào chùa bái Phật mong được chữa khỏi. Dường như cũng có một số người cầu xin đã được đáp ứng, nên dân chúng lại càng vì thế mà tin tưởng hơn.
Một năm nọ gặp lúc chiến tranh, binh lửa khắp nơi, chùa miếu bị hủy hoại khá nhiều. Sau khi quân giặc rút đi, người dân mới dám quay về địa phương. Lúc ấy một vị quan được cử đến cai quản huyện, tên là Văn Tư Lập.
Thời bấy giờ đột nhiên xuất hiện việc lạ lùng, là hàng đêm không hiểu vì sao mà gia súc, gia cầm, cá tôm và các loại ngũ cốc lương thực của các nhà dân, nói chung phàm là những gì có thể ăn được thì đều bị trộm mất. Mọi người kiện lên Văn Tư Lập, nhưng ông điều tra cũng không được tung tích, đành căn dặn mọi nhà nên cử người canh chừng bọn trộm cho cẩn thận. Nhưng dù dân làng đã thức suốt đêm để canh giữ, thì heo bò gà vịt vẫn cứ lần lượt biến mất không dấu vết gì.
Văn Tư Lập cũng không biết làm sao, nhưng nghĩ dù gì cũng chỉ mất những thứ vặt vãnh trong nhà, không phải là điều quá quan trọng, nên đành tạm gác lại đó. Nào ngờ tài sản ở các nhà dân mất mát càng ngày càng nhiều, không chỉ vậy, có khi các thiếu nữ trong nhà còn nghe thấy âm thanh kẻ trộm bỡn cợt mình.
Bấy giờ Văn Tư Lập mới nói: “Ta đã nghi oan cho bọn trộm cắp rồi, gây họa khác thường thế này ắt là yêu nghiệt tác quái. Việc này chắc phải mời pháp sư về trấn yểm thì mới xong.”
Nhưng các pháp sư đạo sĩ được mời về, dù là dùng bùa hay niệm chú cũng không hiệu quả. Văn Tư Lập gọi thôn dân đến, nói rằng: “Chúng ta trước nay thờ Thần bái Phật đều đủ lễ không dám khinh suất chút nào, chỉ là thời gian vừa qua bị chiến tranh nên để chùa miếu hư hại quá nhiều, chắc là Thần Phật vì thiếu sót này nên bỏ mặc chúng ta, ma quỷ mới dám lộng hành như vậy. Các ngươi mau chóng tu sửa lại các chùa, cúng kiến đàng hoàng, thì ắt sẽ ổn thôi.”
Dân làng bèn cùng nhau sửa sang chùa miếu, làm các việc lễ bái, hương khói nghi ngút, khấn vái vang trời, mong được Thần Phật ra uy trừng phạt yêu nghiệt. Nhưng đêm đến, sự hoành hành của ma quỷ càng tệ hại hơn chứ không bớt đi chút nào. Văn Tư Lập không biết làm sao, bèn đến tìm Vương tiên sinh ở huyện Kim Thành là người giỏi gieo quẻ để bói xem cát hung thế nào.
Vương tiên sinh gieo quẻ rồi nói: “Muốn trừ dứt nạn này, ngày mai ông ra cửa phía Nam đợi, hễ thấy một người mặc áo vải, đeo cung cưỡi ngựa, thì chính là quý nhân có thể trừ yêu. Hãy cố hết sức thỉnh người đó giúp đỡ, dù người đó có từ chối cũng đừng nghe.”
Hôm sau Văn Tư Lập cùng rất nhiều già trẻ trong làng đến nơi Vương tiên sinh nói để chờ đợi, nhưng từ sáng đến chiều vẫn không thấy ai trông giống như lời miêu tả. Chập choạng tối, mọi người chán nản định quay về thì bỗng thấy một người thợ săn mình mặc áo vải, lưng khoác cung tên, cưỡi ngựa lớn, từ trong núi đi ra. Dân làng cả mừng chạy đến phục lạy, nài nỉ xin người thợ săn giúp trừ yêu nghiệt.
Người thợ săn hỏi đầu đuôi, rồi vừa ngạc nhiên vừa tức cười nói: “Tôi xưa nay chỉ biết nghề săn bắn, nào có học vẽ bùa niệm chú gì mà bắt được yêu ma trong cõi vô hình? Lời thầy bói nói sao có thể tùy tiện mà tin?”
Nhưng Văn Tư Lập cho rằng anh ta khiêm tốn giấu tài, hẳn là một đại pháp sư cao tay, nên nhất định mời về làng cho bằng được, tiếp đãi như thượng khách, cung kính như Thần minh. Người thợ săn không sao từ chối được, đành phải miễn cưỡng chiều theo dân làng. Nhưng đêm đó chờ mọi người ngủ cả, anh ta bèn nghĩ: “Mình nào có biết việc bắt yêu trừ ma? Họ lại xem trọng mình như vậy, sau này mọi chuyện đổ vỡ thì ắt không biết giấu mặt vào đâu. Bây giờ không trốn còn đợi lúc nào?”
Anh ta bèn nhân đêm tối mà rón rén ra ngoài, định trốn đi cho yên chuyện. Khi ra đến phía Tây cầu ván, trong bóng tối lờ mờ, người thợ săn chợt nhìn thấy mấy bóng đen cao lớn từ dưới đồng hớn hở đi lên, anh ta ngạc nhiên bèn ẩn nấp một bên, xem họ làm gì. Chỉ thấy mấy người đó đi lại một cái ao lớn, thò tay xuống lấy cá tôm trong ao lên ăn, nhai nuốt ngấu nghiến không cần nấu nướng gì cả.
Một kẻ vừa ăn vừa đắc ý nói: “Cá béo thế này ăn mới hứng thú! Đám dân làng kia suốt ngày toàn dâng cho chúng ta hương hoa nhạt nhẽo với ít gạo lẻ, mà dám bắt chúng ta phải bảo hộ cho chúng, nào có chuyện như vậy được? Cứ hưởng đồ chay mà không biết mùi thịt cá thì sống uổng một đời.”
Sau khi ăn cá tôm chán rồi, một kẻ khác lại đề nghị ra vườn nhổ mía mà ăn, mấy tên kia đồng loạt tán thành. Người thợ săn đoán biết những kẻ này không phải con người, hẳn là yêu ma quấy phá bấy lâu, bèn rút cung bắn ra, trúng được cả hai tên. Những kẻ ấy kinh hoàng, kêu ấm ớ rồi bỏ chạy.
Người thợ săn lớn tiếng hô hoán, dân làng đều thức dậy thắp đuốc truy đuổi, lần theo vết máu để lại mà đi về phía Tây, mãi rồi cũng tới một ngôi chùa hoang, trong chùa có hai pho tượng, trên tượng còn cắm cả cung tên! Dân làng kinh hãi lè lưỡi lắc đầu, cho là sự lạ chưa từng thấy trong đời.
Mọi người đều hiểu rằng chính mấy pho tượng này gây rối, bèn cùng nhau xô ngã, lúc tượng đổ vỡ còn nghe tiếng trách cứ rằng: “Cứ tưởng được ăn no bụng, nào ngờ lại chịu cái nạn vỡ mất thân thể. Nhưng lão thủy thần kia mới là chủ mưu mà tới giờ vẫn được nhởn nhơ, còn chúng ta làm theo lời hắn thì phải mang họa, thật không cam tâm!”
Dân làng nghe vậy bèn kéo nhau đến miếu thủy thần, thấy bức tượng nét mặt biến đổi thành xám như chàm đổ, trên miệng tượng còn dính vảy cá do lúc nãy ăn chưa lau sạch, ai nhìn cũng kinh hãi! Mọi người xúm lại đập vỡ tượng thủy thần.
Hôm sau Văn Tư Lập và dân làng mang rất nhiều đồ quý giá tặng cho người thợ săn để trả ơn, người ấy cáo từ ra về. Từ đó trong làng không còn nạn mất cắp súc vật và lương thực nữa, mọi thứ đều trở lại bình yên.
“Địa thượng Phật” do con người bái lạy mà ra?
Trong giới tu luyện xưa nay có lưu truyền một thuyết về “địa thượng Phật”, đối chiếu với câu chuyện xảy ra vào cuối thời Trần bên trên thì cũng không khó lý giải. Theo thuyết này, khi lòng người trở nên biến đổi, không còn dốc sức tu hành hướng thiện nữa, mà chỉ biết đến chùa miếu van vái cầu xin điều này khác, thì Thần Phật chân chính đều không quản.
Lúc đó, các loại yêu ma quỷ quái có thể mạo danh Thần Phật để hưởng dụng đồ cúng của con người. Để con người tin tưởng, ban đầu chúng cũng giả vờ giúp người ta thỏa mãn một số nguyện vọng, nhưng đổi lại chúng sẽ lấy đi phúc phận của con người để phục vụ cho nhu cầu của chúng. Tuy chúng ngụ trên tượng Thần Phật nhưng không phải Thần Phật thật sự, trái lại tâm địa của chúng rất xấu, người ta gọi là “địa thượng Phật”.
Thời Trần vào lúc hưng thịnh, nhân tâm hướng thiện, đạo đức con người cao thượng, mới được Thần Phật bảo hộ mà xây dựng nền văn minh huy hoàng trong lịch sử. Tuy nhiên đến cuối thời Trần, mọi thứ đi dần về mạt Pháp, lòng người biến đổi không tốt, chùa miếu cũng chẳng phải nơi thanh tịnh, thậm chí đã biến thành chốn cho ma quỷ lộng hành. Nhưng đó cũng là vì lòng người sa ngã mới thành ra như vậy, có lẽ không sai khi nói rằng ma kia chính do con người tạo ra.
Ngày nay so với tình huống vào cuối thời Trần có lẽ còn có phần tệ hơn, người ta chẳng những đến chùa miếu để cầu xin điều ích kỷ cho bản thân, mà còn xuất hiện những người vô Thần chuyên đi báng bổ Thần Phật, những người muốn cải biến Phật giáo và đưa kinh sách của tôn giáo khác hoặc lý luận của các tổ chức chính trị vào chùa cho tăng nhân học tập, thậm chí có những người mang các thể loại nhạc hiện đại, hip hop, và các vũ điệu kích thích ma tính vào trong chùa để biểu diễn,… những điều này càng làm cho chốn tâm linh thanh tịnh mất đi ý nghĩa của mình.
Lấy chuyện cổ mà suy, Thần Phật liệu có thể quản những ngôi chùa như thế? Có thể bảo hộ con người chăng? Nếu Thần Phật không quản, thì những sinh mệnh nào đang ở đó hưởng dụng và nhận lễ bái của con người? Thật đáng lo thay!
Thế Di