Thời Xuân Thu, nước Sở chuẩn bị tấn công nước Tống, nhưng sau khi Sở vương nghe xong câu chuyện giữa Tướng quốc Tử Hãn nước Tống với người đóng giày, đã thay đổi suy nghĩ, từ bỏ ý định xuất binh.
Tử Hãn ở nghìn dặm xa xôi, không tốn một binh một tốt, làm thế nào để ngăn chặn cuộc chiến tranh sắp xảy ra?
Tử Hãn, là đại thần chấp chính của nước Tống thời Xuân Thu, họ Tử, danh Hỷ, tự Tử Hãn, giữ chức Tư không. Vì Tống Vũ Công tên là Tư Không, để tránh phạm húy, nên nước Tống đổi tên chức quan “Tư không” thành “Tư thành”. Do đó Tử Hãn thường được gọi là “Tư thành Tử Hãn”.
Sứ giả nước Sở là Sĩ Quân Trì đến nước Tống, Tử Hãn bày tiệc thiết đãi. Sứ giả nước Sở thấy phía nam nhà của Tư Hãn, từng bức tường quanh co uốn khúc của hàng xóm láng giềng đâm ngang dọc sang, rõ ràng là muốn lấn chiếm đất của Tướng quốc, nhưng lại không hề bị dỡ bỏ; nước thải nhà hàng xóm ở phía tây, chảy qua sân nhà Tử Hãn, nhưng Tử Hãn cũng không trách móc.
Sĩ Quân Trì không hiểu nguyên do, nên hỏi Tử Hãn. Tư thành Tử Hãn nói: “Hàng xóm ở phía nam là thợ giày, chuyên đóng giày để mưu sinh. Ta từng yêu cầu họ chuyển nhà, họ nói: ‘Nhà thảo dân mưu sinh bằng việc đóng giày đã ba đời rồi. Nếu giờ thảo dân chuyển nhà, những người muốn mua giày ở nước Tống không biết thảo dân sống ở đâu, thì thảo dân hết đường làm ăn. Hi vọng Tướng quốc thương xót thảo dân, không để thảo dân mất việc’. Vì duyên cớ này, ta không bảo họ chuyển nhà nữa. Nhà hàng xóm phía tây địa thế cao, nhà ta địa thế thấp, nước thải dẫn qua sân nhà ta cũng là chuyện thường tình, nên ta không cấm”.
Mặc dù hàng xóm xung quanh gây ra phiền phức không nhỏ cho Tử Hãn, nhưng Tử Hãn không ỷ mình là Tướng quốc, quyền hành trong tay mà xua đuổi hàng xóm, đoạn tuyệt nguồn mưu sinh của họ; cũng không ép hàng xóm đào một đường rãnh khác, thay đổi đường dẫn của nước thải, để giữ cho sân nhà mình khô ráo, sạch sẽ.
Tất cả chuyện này tận mắt Sĩ Quân Trì nhìn thấy, và ghi nhớ trong lòng. Sau khi Sĩ Quân Trì quay về nước Sở, được biết Sở vương đang chuẩn bị xuất binh tấn công nước Tống, nên đem mọi chuyện mắt thấy tai nghe ở nước Tống bẩm báo cho Sở vương, đồng thời can ngăn Sở Vương không thể tấn công nước Tống.
Ở nước Tống, Sĩ Quân Trì thấy Tống vương hiền đức và anh minh, tướng quốc Tử Hãn cũng rất khoan dung nhân từ. Ông nói: “Vua hiền đức anh minh, sẽ được lòng dân; tướng quốc khoan dung nhân từ, sẽ được lòng người có tài”. Vì thế ông tin chắc rằng Sở vương tấn công nước Tống, không chỉ tốn công vô ích mà còn bị người trong thiên hạ cười chê. Cuối cùng Sở vương từ bỏ nước Tống, chuyển sang tấn công nước Trịnh.
Ví trí của nước Tống, phía nam có nước Sở, phía bắc có nước Tấn, phía đông có nước Tề, ba nước Tấn – Sở – Tề đều sở hữu 10 ngàn binh mã, là những nước lớn lúc bấy giờ, nước Tống lại bị kìm kẹp giữa ba nước đó. Khi Tử Hãn đảm nhiệm chức Tể tướng, sự hiền đức của ông danh tiếng xa gần, nên các nước khác không dám coi khinh nước Tống, vì thế biên giới nước Tống khá yên bình.
Sức mạnh đạo đức của Tư thành Tử Hãn vô hình đã chế ngự sự tiến công của quân địch. Tử Hãn từng có thiện ý nhắc nhở Hướng Tuất, đừng quá tham lam để tránh họa vào thân, câu chuyện đã trở thành một giai thoại, nhận được lời ngợi khen của quân tử đương thời.
Tử Hãn nhắc nhở Hướng Tuất
Vì lúc đó hai nước Tấn, Sở tranh hùng, binh lính liên tục xuất chinh, nên các nước như Tống, Trịnh cũng chịu ảnh hưởng. Năm 579 trước Công Nguyên, các đại phu nước Tống thống nhất đề xướng nghị hòa, nhưng ba năm sau nước Sở hủy ước, nghị hòa không thành công.
Năm 547 trước Công Nguyên, Tả sư nước Tống là Hướng Tuất đã làm cầu nối giữa các trọng thần hai nước Tấn, Sở nhằm nghị hòa chấm dứt binh đao. Hướng Tuất chạy đi chạy lại giữa hai nước Tấn, Sở hòa giải mối quan hệ giữa hai bên, chủ trì hội nghị chấm dứt binh đao, cuối cùng hai nước Tấn, Sở ngừng chiến tranh.
Hướng Tuất ỷ thế mình có công bôn ba, nên xin Tống Bình Công ban thưởng cho phong bài miễn tội chết. Tống Bình Công ban cho ông ta 60 tấm phong bài. Hướng Tuất rất vui mừng, đồng thời cầm thẻ tre của vua (công văn phê chuẩn) mang cho Tử Hãn xem.
Tử Hãn cho rằng, những nước nhỏ chư hầu, kinh sợ binh lực của hai nước Tấn, Sở không dám tùy tiện xấc láo, châm ngòi tai họa, vì thế đất nước mới có thể tiếp tục tồn tại. Thiên địa sản sinh ra Ngũ tài là kim, mộc, thủy, hỏa, thổ, do nhân dân tùy ý sử dụng, loại nào cũng không được thiên vị, ai có thể dễ dàng xóa bỏ binh bị? (Trong Ngũ hành, binh thuộc kim).
Hơn nữa quân đội tồn tại là để thảo phạt bất nghĩa, uy hiếp cái sai và tuyên dương văn hóa đạo đức. Thánh nhân nhờ võ lực của binh bị mà phất lên, người làm loạn cũng vì đó mà bại trận, sự tồn vong của đất nước đều liên quan đến binh bị. Nếu như hoàn toàn vứt bỏ binh bị, thì không phải là một chuyện tốt với quốc gia.
Tử Hãn cho rằng Hướng Tuất muốn những quốc gia này vứt bỏ việc dùng binh, thì cũng chỉ là một cách lừa dối. Dùng thuật đánh lừa để che mắt chư hầu, không bị phạt nặng đã là may lắm rồi, vậy mà còn xin ban thưởng, quả thực là lòng tham vô đáy. Thế là Tử Hãn cầm dao ra, chém nát thẻ tre, vứt trên mặt đất.
Sau khi Hướng Tuất nghe xong, mới được mở mang tầm mắt, liền khước từ phong bài. Gia tộc Hướng thị muốn đánh Tử Hãn, Hướng Tuất nói với mọi người trong gia tộc: “Ta có họa diệt vong, nhưng chính ông ấy đã để ta sống, không có ân đức nào lớn hơn ân đức này! Sao có thể đánh ông ấy chứ?”
Giới quý tộc lúc bấy giờ khen ngợi rằng: “Người bảo vệ chính nghĩa ở đất nước ta, đó chẳng phải là nói đến Tử Hãn sao! ‘Kẻ nào thay ta lo lắng, ta đều tiếp thu’, đó ắt hẳn là Hướng Tuất!”.
Tuệ Tâm (Theo NTDTV)
Xem thêm: