Tinh Hoa

Câu chuyện ‘cười ra nước mắt’ của CEO Vatgia.com

Sự bất đồng và những siết chặt trong quản lý dịch vụ phần mềm, công nghệ thông tin đã khiến vị này đặt câu hỏi: Có hay không nên cấp giấy phép cho kinh doanh dịch vụ phần mềm nữa?

Trong buổi giao lưu tại Văn phòng Chính phủ giữa Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và cộng đồng khởi nghiệp (startup) Việt Nam chiều 12/8 có nhiều câu chuyện vui, chuyện buồn và cũng có những giọt nước mắt. Tại đây, giấc mơ về một “hệ sinh thái công nghệ thông tin” khiến cả nhà quản lý lẫn cộng đồng khởi nghiệp trăn trở.

Bởi bên cạnh những ưu đãi là hàng loạt rào cản về thuế, chính sách, khiến nhiều công ty công nghệ non trẻ của Việt Nam đứng trên bờ vực đóng cửa, hay chấp nhận luật chơi mà ở đó có những câu chuyện “cười ra nước mắt”.

Chia sẻ câu chuyện của mình, CEO Vatgia.com Nguyễn Ngọc Diệp cho biết, công ty từng có dự án về cổng thông tin điện tử tổng hợp, và một trang chuyên chia sẻ tài liệu cho khoảng một triệu người Việt Nam sử dụng. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, hai trang web này liên tục bị phạt, hoặc buộc phải trả giấy phép.

Sau đó, tên miền được đổi đuôi, toàn bộ dữ liệu, thông tin được ra nước ngoài, máy chủ đặt tại Singapore và tiếp tục hoạt động. Khi đó, một tháng, mỗi website này hoạt động rất tốt, mang lại doanh thu tới vài trăm triệu, nhưng không còn ai phạt nữa.

“Đó là một tình cảnh rất khổ, khi ở Việt Nam cứ làm và kiếm được tiền thì bị phạt. Với những bất cập này, tôi nghĩ chúng ta nên bỏ giấy phép vì không thể quản lý được”, CEO này kiến nghị.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ với doanh nghiệp về những vướng mắc trong giấy phép kinh doanh và giấy phép đầu tư. Ảnh: T.A.

Trong khi đó, với chuyện xin giấy phép cho nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào những dự án của các công ty kinh doanh dịch vụ phần mềm, cả CEO Vatgia và CEO VCC Corp đều “kêu trời” về những khó khăn trong thủ tục. Mỗi dự án có vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, các đơn vị này phải chờ giấy phép đầu tư tới cả năm, khiến doanh nghiệp và nhà đầu tư đối mặt với nhiều rủi ro kinh doanh.

Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông trực tuyến Micronet, người được mệnh danh là “nữ hoàng tên miền” Lê Thúy Hạnh đã bật khóc ngay trong hội trường, khi chia sẻ những khó khăn mà công ty phải đối mặt. Không có thị trường tên miền Việt Nam, chưa có sàn tên miền… khiến nữ doanh nhân này phải chịu áp lực ghê gớm, khi chi phí mỗi tháng để duy trì lượng tên miền sở hữu lên tới hàng tỷ đồng, mà không có số thu bù đắp tương ứng.

Chia sẻ với khó khăn của cộng đồng khởi nghiệp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, còn nhiều vướng mắc trong việc quản lý hoạt động của ngành công nghệ thông tin nói chung và các dịch vụ phần mềm nói riêng. “Riêng câu chuyện về thuế đã khiến rất nhiều người Việt phải mở công ty ở nước ngoài, dù đang ăn cơm ở Việt Nam, ngồi ở Việt Nam”.

“Tôi rất ngưỡng mộ các bạn, những người trẻ nhưng đã dám làm. Chúng ta cần nối mạng với nhau chặt chẽ hơn, vì đất nước Việt Nam cần phải giàu lên mà không cần tài nguyên, không cần bán đất hay kiểu chơi chứng khoán may rủi…”, Phó thủ tướng gửi gắm.

Ông cũng khẳng định, Chính phủ và các cơ quan quản lý như Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Thông tin truyền thông, Bộ Tài chính… sẽ làm hết sức để tạo hành lang thông thoáng, và có những ưu đãi cho cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam, nhất là những doanh nghiệp nhỏ, đang còn khó khăn về vốn. Phó thủ tướng cũng nhắc nhở những doanh nghiệp đầu ngành công nghệ thông tin như VNPT, FPT, Viettel… chia sẻ dự án cho các doanh nghiệp nhỏ hơn, tạo ra một “hệ sinh thái công nghệ thông tin” để cùng phát triển, thay vì thôn tính lẫn nhau.

T.A

Theo Zing