Tinh Hoa

Câu chuyện bát tào phớ: Lòng tốt sẽ vẽ nên những kiệt tác trên đời

Lòng tốt xưa nay vẫn luôn là điều có sức mạnh lan tỏa nhất, cũng là cách “đầu tư” thông minh nhất. Hãy cùng đọc câu chuyện dưới đây và cảm nhận…

Câu chuyện về bát tào phớ truyền cảm hứng cho rất nhiều người. (Ảnh: Vietnam tourism)

Chuyện ở cửa hàng tào phớ

Sáng sớm ngày hôm đó, một nhóm học sinh vừa ngồi xuống ghế ăn tào phớ thì một bà mẹ bị khuyết tật ở chân dẫn cậu con trai vào cửa hàng. Người mẹ nói với chủ quán Trương, sắc thái biểu cảm khá vội vã: “Ông chủ, mau cho tôi một bát tào phớ, một cái bánh bao”.

Ông Trương nhanh chóng đưa tào phớ và bánh bao ra, người mẹ giục con trai: “Mau ăn đi, hôm nay là thứ hai, có lễ chào cờ, không được vào muộn đâu đấy”.

Cậu bé rất biết nghe lời, ăn rất nhanh. Vừa ăn xong, người mẹ dắt tay cậu bé đi ra ngoài. Vợ của ông Trương vội đuổi theo: “Này, chị ơi, chị vẫn chưa…”

Thấy vậy, anh Trương vội chạy ra bịt miệng vợ lại. Khi hai mẹ con cậu bé đi xa rồi, anh mới bỏ tay xuống. Chị vợ trợn mắt lên nhìn chồng: “Anh quen người phụ nữ đó à?”

Ông Trương lắc đầu: “Không quen”.

“Đã không quen biết gì, tại sao lại không đuổi theo đòi tiền người ta”, chị vợ chất vấn chồng.

“Người ta có việc gấp nên mới vậy. Với lại mua bán cũng không nên so đó tính toán quá!”

Mấy người khách đang ăn tào phớ nghe thấy vậy liền nói thêm vào: “Nhìn họ vội như vậy, chắc chắn là quên không trả tiền thôi chứ không phải cố ý”.

Một cô gái trẻ đang thanh toán thấy vậy liền nói: “Cứ tính cả tiền của hai mẹ con họ cho tôi”.

Thế nhưng chủ quán lắc đầu từ chối: “Không cần, không cần”.

Đột nhiên, chị vợ anh khóc toáng lên, vừa khóc vừa nói: “Mọi người chắc đang nghĩ tôi nhỏ mọn, chỉ có một cái bánh bao với một bát tào phớ mà so đo tính toán phải không? Thực ra cuộc sống của nhà chúng tôi chẳng dễ dàng gì. 

Chúng tôi có một đứa con gái mắc bệnh tim bẩm sinh, bác sĩ nói chữa càng sớm càng tốt, nếu như để lâu, bệnh sẽ càng khó chữa! Chúng tôi đầu tắt mặt tối kiếm tiền để có thể chữa bệnh cho con sớm ngày nào hay ngày ấy!”

Đúng lúc đó, người mẹ khi nãy quay lại hỏi chủ quán: “Vừa nãy thằng bé nhà tôi hỏi tôi tại sao ăn xong lại không trả tiền. Trí nhớ của tôi kém quá, tôi đã trả tiền cho anh chưa nhỉ?”

Ông Trương cười đáp: “Đúng là cô chưa trả thật”.

Người mẹ cảm thấy khó hiểu, liền hỏi: “Sao khi đó anh không đòi tôi?”

Chủ quán đáp: “Vì chị là một bà mẹ tàn tật, trong mắt nhiều người, cuộc sống của chị hẳn rất khó khăn, con chị ít nhiều không tránh được cảm giác tự ti.

Sáng ra chắc là có việc bận nên chị quên trả tiền. Tôi mà đuổi theo đòi, có lẽ chị sẽ cảm thấy ngại! Có thể chị không cảm nhận được nhưng con chị sẽ cảm nhận được và cháu sẽ không vui”.

Mọi người đặt hết thìa, bát trên tay xuống bàn, vỗ tay rào rào khi nghe ông Trương nói vậy. Người mẹ kia mắt đỏ hoe, cảm kích nói: “Anh thật là một ông chủ rất cừ, tôi thay mặt con trai tôi cảm ơn anh”.

Sống trên đời cần có một tấm lòng. (Ảnh: Pinterest)

Tiếp diễn những chuyện không ngờ 

Buổi sáng ngày hôm sau, ông Trương vừa mở cửa hàng, một cảnh tượng phía sau cánh cửa đã khiến ông giật nảy mình: Bên ngoài, rất nhiều người đang đợi.

Không hiểu chuyện gì đang xảy ra, ông căng thẳng hỏi: “Xin hỏi mọi người đứng ở đây làm gì vậy?”

Đám đông đáp: “Chúng tôi đến ăn tào phớ thôi”.

Ông Trương bất giác cảm thấy khó hiểu. Bao nhiêu năm kinh doanh tào phớ, chưa bao giờ ông thấy nhiều khách chờ đến vậy. Điều khiến ông không ngờ được là người đến ăn càng lúc càng đông, đến mức trong nhà chật cứng người, đám đông vẫn tình nguyện đứng ngoài chờ.

Buổi sáng ngày hôm sau nữa, ông Trương lại được phen bất ngờ không kém khi vừa mở cửa hàng đã thấy người đứng ngoài chờ đông hơn cả hôm trước.

Ông băn khoăn không hiểu thực sự chuyện gì đang diễn ra. Khi đó, một vị khách lớn tuổi từ trong đám đông bước ra, vỗ vai chủ quán và nói: 

“Anh cảm thấy lạ lắm phải không? Nói cho anh biết, người mẹ kia là phóng viên. Cô ấy đã viết lại câu chuyện của anh và đăng trên mạng xã hội Weibo đấy. Rất nhiều người đã nhận được thông tin này, mọi người đều nể anh nên đến đây ăn tào phớ nhà anh”.

Ông Trương xúc động, mắt đỏ hoe. Chị vợ cũng xúc động không kém, khóc toáng lên, vừa khóc vừa nói: “Thật không biết cảm ơn vị phóng viên đó như thế nào!”

Từ trong đám đông, người mẹ đó bước ra, cảm động đáp lời: “Không cần cảm ơn tôi, nên cảm ơn tấm lòng vị tha, tử tế của anh chị, tình yêu, trái tim đồng cảm và sự thấu hiểu, biết nghĩ cho người khác của anh chị xứng đáng nhận được sự đền đáp!”

***

Có một bài hát rất hay rằng: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”. Lòng tốt như ngọn cỏ, dẫu bạn chỉ bắt đầu nó bằng 10 đô la hay 1 mớ rau đã dập nát, nhưng nó sẽ lan toả và bạn sẽ bất ngờ khi thấy cả một thảm cỏ xanh ngát của tình yêu thương, sự đồng cảm, chia sẻ mà chúng ta có thể dành cho nhau.

Và thế giới này sẽ trở thành thiên đường mà không cần bạn phải là vĩ nhân. Đôi khi bạn sẽ thấy những gì mình cho đi quá nhỏ nhoi, đến độ bạn thấy dù có làm nó hay không thì cũng không có gì đáng kể. Đó là lý do nhà Phật căn dặn rằng: “Đừng thấy việc thiện nhỏ mà không làm”.

Bởi vì ngay cả một cái cây cổ thụ cũng bắt đầu chỉ bằng một mầm xanh bé nhỏ. Chỉ cần bạn gieo nó, như bắt đầu một câu chuyện nhỏ, nó có thể đi xa tới mức khi nhìn lại bạn sẽ không ngờ rằng nó chính là kiệt tác của cuộc sống.

Tuệ Tâm (s/t)