Chủ quán thấy đứa bé đáng yêu liền muốn cho nó một nắm kẹo, nhưng cậu bé vẫn lặng yên không lấy. Chủ quán thấy lạ bèn tự mình bốc ra một nắm thì nó lập tức lấy ngay. Thì ra nó đã có suy tính kỹ càng…
1. Cậu bé thông minh
Có một cậu bé, một ngày mẹ cậu bé dẫn cậu đến một cửa hàng tạp hóa để mua đồ, người chủ quán thấy cậu bé đáng yêu, liền mở hộp kẹo ra rồi bảo cậu lấy kẹo ăn, nhưng cậu bé lại lặng im không bốc.
Sau vài lần mời không được, người chủ quán tự bốc một vốc kẹo to bỏ vào túi của cậu bé. Về đến nhà, mẹ cậu thấy tò mò hỏi cậu bé tại sao lại không tự bốc kẹo?
Cậu bé trả lời: “Bởi vì tay của con nhỏ hơn tay của người chủ quán, vì thế ông ấy bốc sẽ được nhiều hơn con!”
Đây là một cậu bé thông minh, cậu ta biết thế mạnh của người khác, cũng ý thức được giới hạn của bản thân. Học cách dựa vào người khác khi cần thiết là lựa chọn khiêm tốn, cũng là lựa chọn thông minh.
2. Người mù thắp đèn lồng
Có một người mù đến nhà người thân chơi, khi trời tối, anh này muốn về nhà, người thân của anh ta liền mang ra một chiếc đèn lồng, thắp lên rồi bảo: “Ngoài trời tối đen, anh hãy cầm cái đèn lồng này đi cho sáng nhé!”.
Người mù nghe vậy tức giận không chịu nổi nói: “Rõ ràng ai cũng biết rằng tôi bị mù, còn đưa đèn lồng cho tôi soi đường, chẳng phải muốn cười nhạo tôi sao?”
Người thân của anh này nói: “Anh đã hiểu lầm rồi, vì anh đi trên đường, rất nhiều người cũng đi trên đường, anh cầm đèn lồng, người khác có thể nhìn thấy anh, vì thế sẽ không thể đụng vào anh được”.
Người mù suy nghĩ một lát rồi nói: “Ừ, đúng nhỉ, cảm ơn em nhé!”.
Câu chuyện khuyên bảo chúng ta rằng, không nên chỉ đứng tại góc độ bản thân để kết luận vấn đề, cần đặt mình vào mọi hoàn cảnh để cân nhắc, suy nghĩ thật kỹ lưỡng. Suy xét vấn đề một cách hệ thống bạn sẽ phát hiện rằng, tất cả những hành vi của bạn sẽ sản sỉnh ra những tác động qua lại với người khác.
3. Quả trứng gà của Columbus
Sau khi Columbus phát hiện ra châu Mỹ, rất nhiều người cho rằng chẳng qua là ông tình cờ nhìn thấy, người khác lại cho rằng do ông ấy gặp may. Vì vậy trong một yến tiệc long trọng, có một vị quý tộc hỏi vặn Columbus: “Thưa ngài, chúng ta ai cũng biết rằng châu Mỹ vốn đã ở chỗ đó, ông chẳng qua chỉ là đi đến đó trước mà thôi, nếu đổi lại là chúng tôi thì cũng vẫn sẽ phát hiện ra châu Mỹ”.
Đứng trước lời chỉ trích, Columbus không bối rối, ông nhanh trí cầm lấy một quả trứng gà ở trên bàn, nói với mọi người rằng: “Thưa quý ông quý bà, trong các vị ai có thể đặt quả quả trứng đứng ở trên bàn? Xin hỏi ai có thể làm được?”
Mọi người ai cũng nóng lòng muốn thử, nhưng cuối cùng hết người này đến người khác thất bại. Columbus mỉm cười, cầm quả trứng gà lên, đập nhẹ đầu quả trứng gà vào mặt bàn, liền để được quả trứng gà đứng ở trên bàn. Sau đó Columbus nói: “Đúng vậy, chỉ đơn giản như vậy, phát hiện ra châu Mỹ xác thực là không khó, cũng giống như đặt quả trứng này đứng trên bàn vậy. Nhưng điều quan trọng là trước lúc tôi làm được, trong số các vị lại không có ai làm được”.
Xuất phát điểm của sáng tạo chính là từ thái độ hoan nghênh đối với những tư tưởng mới, góc độ mới, áp dụng những cái đổi mới, nó cũng biểu hiện ở việc nhìn nhận vấn đề theo một khía cạnh mới. Sáng tạo đơn giản như vậy, mấu chốt là ở chỗ bạn có dám nghĩ hay không, có chịu làm hay không.
3. Con ếch trong nồi nước
Có người làm thí nghiệm, bỏ con ếch vào nồi nước nóng. Con ếch kia gặp phải sự thay đổi quá đột ngột, liền lập tức nhảy ta ngoài, phản ứng rất nhanh.
Nhưng khi bỏ con ếch vào trong nước lạnh, rồi từ từ đun nóng lên, phát hiện thấy rằng, lúc mới đầu con ếch thấy thoải mái dễ chịu, ở trong nước bơi qua bơi lại. Khi nhiệt độ lên tới 70-80 độ, nó cảm thấy bị đe dọa, muốn nhảy ra ngoài, nhưng nhảy không được. Bởi vì chân của nó không thể làm như nó mong muốn, cuối cùng bị chết vì nóng.
Thứ nhất, hoàn cảnh thay đổi có thể quyết định thành công hay thất bại của chúng ta. Có lúc nhận thức không ra được sự thay đổi của hoàn cảnh, chúng ta phải luôn luôn chú ý, luôn cảnh tỉnh và đón nhận sự thay đổi, mới không là quá trễ.
Thứ hai, hoàn cảnh thoải mái dễ chịu chính là những thời khắc nguy hiểm nhất. Cách sống mà mình cho là quen thuộc nhất, có khi lại là cách sống nguy hiểm nhất. Không ngừng sáng tạo, phá vỡ mô hình cũ, tin tưởng vào những điều mới lạ, những điều có thể làm thay đổi cuộc sống.
Thứ ba, nếu muốn cảm nhận được những thay đổi nhỏ mang tính xu thế, thì phải “dừng lại”, suy xét từ những góc độ khác nhau, học tập là con đường tốt nhất để có thể phát hiện ra sự thay đổi.
4. Số phận của người công nhân xây tường
Ba người công nhân đang xây một bức tường, có người đến hỏi: “Các bạn đang làm gì thế?”.
Người công nhân thứ nhất tức giận nói: “Không nhìn thấy à, đang xây tường”. Người thứ hai ngẩng đầu cười nói: “Chúng tôi đang xây tòa nhà cao ốc”.
Người thứ ba vừa làm vừa ngân nga hát, anh ta tươi cười nói: “Chúng tôi đang xây dựng một thành phố mới”.
Mười năm sau, người thứ nhất xây tường ở một công trường khác; người thứ hai ngồi trong một văn phòng chuyên vẽ bản vẽ xây dựng, anh ta đã trở thành một kỹ sư; người thứ ba chính là ông chủ của hai người này.
Những công việc bình thường nằm trong tay của bạn, kỳ thực chính là khởi đầu cho một sự nghiệp lớn, có thể ý thức được điều này hay không, cũng chính là có thể làm nên sự nghiệp lớn hay không.
5. Nghệ thuật lắng nghe
Vị chủ tịch của một công ty lớn hỏi một cậu bé: “Sau này lớn lên con muốn làm gì?”
Cậu bé trả lời một cách rất hồn nhiên: “Con muốn trở thành phi công lái máy bay!”
Chủ tịch tiếp tục hỏi: “Nếu có một ngày, máy bay của con bay đến Thái Bình Dương, mà tất cả động cơ bị tắt, con sẽ làm gì?”
Người bạn nhỏ suy nghĩ một lát rồi trả lời: “Trước tiên con sẽ thông báo cho mọi người thắt dây an toàn, sau đó con sẽ nhảy dù ra ngoài”.
Câu trả lời của cậu bé khiến mọi người ngồi xung quanh cười đến vỡ cả bụng. Vị chủ tịch vẫn tiếp tục chăm chú nhìn cậu bé, để xem cậu bé có phải là người thông minh hay không, bất chợt ông nhìn thấy hai dòng nước mắt rưng rưng trên má của cậu bé. Ngay sau đó, vị chủ tịch liền hỏi cậu bé: “Tại sao con lại làm như vậy?”.
Cậu bé trả lời rất thành thật: “Con phải đi lấy nhiên liệu, rồi con sẽ quay trở lại!”.
Không nên chỉ nghe một nửa, cũng không nên lấy cách nghĩ của mình để luận giải lời người khác nói. Cần phải học cách lắng nghe, chăm chú lắng nghe, khiêm tốn lắng nghe.
Lê Hiếu, dịch từ Secretchina