Tinh Hoa

Caroline Shawk Brooks – Người phụ nữ tạo nên trào lưu nghệ thuật bơ

Dù xuất thân là một phụ nữ nông thôn nhưng bằng niềm yêu thích nghệ thuật Caroline Shawk Brooks đã trở thành nhà điêu khắc bơ đầu tiên ở Mỹ. Ngoài ra, cô còn là người sáng tạo ra khuôn thạch cao trơn bóng tiện lợi cho các nhà điêu khắc ngày nay.

Caroline Shawk Brooks bên cạnh một trong những tác phẩm điêu khắc bằng bơ của cô tại Hội trường Amory năm 1877. (Ảnh: Public Domain Review)

Việc sử dụng bơ làm chất liệu điêu khắc đã trở thành truyền thống gắn liền với thời kỳ Phục Hưng và Baroque, có lẽ bắt nguồn từ “nghệ thuật đại tiệc”. Trong bối cảnh làm nên dòng nghệ thuật tạo hình với đường, đó là cách mang giải trí lên bàn ăn và có ý nghĩa trong những dịp đặc biệt. Những tài liệu tham khảo sớm nhất là vào năm 1536, nói về các sáng tạo của Bartolomeo Scappi – vị đầu bếp của Đức Giáo Hoàng Pius V, trong số đó có tác phẩm con voi và hoạt cảnh Hercules chiến đấu với sư tử.

Những nét hiện đại đầu tiên như nghệ thuật công cộng (public art) bắt đầu từ những năm 1870 ở Mỹ, được khởi tạo bởi Caroline Shawk Brooks, một phụ nữ nông thôn ở Helena, Arkansas. Cô thể hiện tài năng nghệ thuật của mình từ khi còn là một đứa trẻ, ham thích hội họa và vẽ tranh. Tác phẩm điêu khắc đầu tiên của cô, Dante’s head (chiếc đầu của nhà thơ Dante), được làm bằng đất sét lấy từ một con suối. Ở tuổi 12, cô giành được huy chương cho tác phẩm hoa thanh liễu của mình.

Brooks chụp chung với bức phù điêu Columbus bằng bơ tại Triển lãm Mỹ năm 1893. (Ảnh: Public Domain Review)

Brooks trở thành nhà điêu khắc người Mỹ đầu tiên được biết đến với các tác phẩm bằng bơ, và được ghi dấu với danh hiệu “Người phụ nữ Bơ”. Năm 1867, cô tạo ra tác phẩm điêu khắc bơ đầu tiên, khi trang trại mất mùa trong vụ bông, cô tìm kiếm một nguồn thu nhập bổ sung. Để thay thế cho các dụng cụ điêu khắc truyền thống, cô đã sử dụng “ván trét bơ thông dụng, que gỗ tuyết tùng, chổi rơm và bút chì lông lạc đà“.

Nhiều khách hàng đánh giá cao tác phẩm điêu khắc bơ đầy khéo léo ấy, và bắt đầu hình thành thị trường tốt cho cô phát triển công việc. Cô tiếp tục sáng tạo ra nhiều tác phẩm bơ hơn trong khoảng một năm rưỡi, sau đó nghỉ ngơi vài năm. Brooks trở lại làm nghệ thuật bơ vào năm 1873, cô tạo một bức chân dung phù điêu và sau đó hiến tặng cho một phiên hội chợ tại nhà thờ.

Trong việc sáng tác, vận chuyển, và trưng bày các tác phẩm điêu khắc bơ, Brooks gặp phải một thử thách duy nhất. Cô đã khắc phục bất lợi lớn của bơ để biến nó thành vật liệu điêu khắc tốt, đơn giản bằng cách sử dụng nước đá. Để giữ gìn các tác phẩm điêu khắc bơ tinh tế của mình, cô tạo ra chúng trong những chiếc chảo sữa kim loại phẳng, được đặt trong một cái chảo lớn hơn chứa đầy nước đá.

Tác phẩm Nàng Iolanthe nằm ngủ. Một kiệt tác mới cho xu hướng nghệ thuật công cộng, châm ngòi thị hiếu về điêu khắc bằng bơ vào năm 1876. (Ảnh: Public Domain Review)

Năm 1873, cô thực hiện một tác phẩm điêu khắc về nàng công chúa mù Iolanthe của nhà thơ kiêm nhà viết kịch Đan Mạch – Henrik Hertz trong vở kịch thơ “Con gái của vua René“. Tác phẩm Dreaming Iolanthe (Nàng Iolanthe ngủ mơ), bắt đầu được biết đến từ khi được trưng bày tại triển lãm Cincinnati vào năm 1874 trong 2 tuần và thu hút hơn 2.000 người quan tâm đến chiêm ngưỡng nàng công chúa đang ngủ.

4 năm sau, vào năm 1878, Brooks mở một xưởng điêu khắc tại Washington, DC và bắt đầu thực hiện tác phẩm Nàng Iolanthe ngủ mơ với phiên bản kích cỡ người thật, và tất nhiên là bằng bơ. Nó được vận chuyển đến trưng bày tại triển lãm Universelle tại Paris. cô cảm thấy thật thú vị vì các quan chức hải quan đã liệt kê tác phẩm điêu khắc của cô không phải là một tác phẩm nghệ thuật, mà là “Khối bơ nặng 110 pound” (tương đương với 50kg).

Một mẫu hình bơ với kich thước người thật – Nàng Iolanthe nằm ngủ, 1878. (Ảnh: Public Domain Review)

Sau khi nguyên bản tác phẩm Nàng Iolanthe nằm ngủ được bảo quản trong nửa năm, Brooks muốn tìm ra một phương pháp khác không phải giữ trong kho lạnh. Thế là cô đã pha trộn thạch cao và đổ nó lên tác phẩm của mình mà không hề biết trước kết quả sẽ như thế nào. Thạch cao nhanh chóng bao phủ nàng Iolanthe và khô lại, cô khoét một lỗ ở đáy chảo sữa đang chứa tác phẩm của mình.

Sau đó Brooks đặt chảo trên một vại nước sôi, bơ tan ra và chảy xuống khỏi cái lỗ. Cô bỏ đi phần ở dưới đáy nồi và để lại khuôn thạch cao đã được tra mỡ. Rồi cô cho thạch cao vào bên trong và sau vài khó khăn khi loại bỏ lớp ngoài, Brooks đã có được một nguyên bản thạch cao thành công.

Một mẫu hình bơ với kích tước người thật – Nàng Iolanthe tỉnh giấc, 1878. (Ảnh: Public Domain Review)

Caroline Shawk Brooks nhận được bằng sáng chế vào năm 1877 cho sáng tạo khuôn thạch cao trơn bóng này. Tuy nhiên, cô không sử dụng khuôn thạch cao để tái tạo lại tác phẩm của mình, thay vào đó cô thích tạc một tác phẩm mới cho mỗi cuộc triển lãm.

Tân Dân, theo Vintage News