Chung Ẩn, một họa sĩ xưa, có tài năng vẽ tranh mang phong cách riêng biệt, vẩy mực múa bút thường rất khác người, có thể khiến người ta một khi xem xong là nhớ mãi.
Một lần nọ, Chung Ẩn có đến làm khách ở nhà một người chuyên sưu tập tranh, ông nhìn thấy trong tủ tranh một vài bức tranh vẽ chim ưng của các họa sĩ thời trước, có bức vẽ chim ưng mắt tròn xoe, vút từ trên trời cao bổ nhào xuống; có bức vẽ chim ưng đang đuổi bắt con mồi, Chung Ẩn vô cùng thích thú.
Thấy vậy, người sưu tập tranh nói: “Nếu như ông vẽ được một bức chim ưng khác, không theo rập khuôn, lại có thể đẹp không thua gì người xưa, thì tôi sẽ tặng hết những bức tranh cổ này cho ông”.
Chung Ẩn bằng lòng, vì muốn được tranh, liền đóng cửa suy nghĩ kỹ càng, cuối cùng nghĩ ra một biện pháp rất hay, ông vẽ chim ưng, đậu trên 1 cành cây khô, dáng vẻ nhàn nhã, chăm chú vào con chim cút trên bãi cỏ. Sự tấn công của loài được mệnh danh là chúa tể bầu trời, tất nhiên phải ẩn giấu biểu hiện của nó, khiến người ta suy ra được đòn “sương quyền lão túc, định vô hư hạ dã” của nó.
Sau khi vẽ xong, người sưu tập tranh vừa xem qua đã thất kinh, thế nhưng lại không muốn tặng không tranh của mình cho Chung Ẩn, bèn nói: “Chim ưng ông vẽ không đẹp”.
Chung Ẩn nghe xong, không giải thích gì, tay không ra về. Trước khi đi, ông nói một câu với người sưu tầm tranh: “Chuyện này, hãy quên đi nhé!”.
Người sưu tầm tranh này, từ lúc nhìn thấy tranh của Chung Ẩn, trong đầu luôn cảm thấy có một con chim ưng đang đợi, thần sắc chăm chú nhìn, dáng dấp thừa cơ hội tấn công, rõ ràng như trước mắt.
Nửa tháng trôi qua, ông làm cách nào cũng không thể xua đuổi được hình ảnh này. Ông bắt đầu nhận ra, tranh của Chung Ẩn khiến người ta đã nhìn sẽ khó quên, không chỉ sánh ngang hàng tranh cổ, thậm chí còn vượt trội hơn hẳn. Nghệ thuật như vậy quả thực vô cùng thâm hậu. Ông nghĩ, lời mình đã hứa cũng nên thực hiện, nếu không, lương tâm bản thân sẽ khó mà bỏ qua cho được!
Thế nên, ông ta liền sai người mang những bức tranh cổ đến tặng cho Chung Ẩn, còn đề tặng một bài thơ:
Tiên sinh vẽ chim ưng thong dong nhàn nhã
Dáng vẻ oanh dũng vẫn hiển hiện muôn vàn
Đập vào mắt người nửa tháng không thể quên
Quả nhiên tay nghề sánh ngang bậc tiền bối.
Tranh của Chung Ẩn, khiến người sưu tầm tranh một khi đã nhìn là khó quên, đây là vì trong tranh ông vẽ, lấy tĩnh chỉ động, biểu hiện được khoảnh khắc trầm lặng trước khi xuất kích của chim ưng.
Ông gắng sức miêu tả được thần thái trong chớp mắt trước khi cao trào đến, kích thích người ta sau khi xem, bản thân sẽ tưởng tượng đến sự việc sắp sửa phát sinh. Đây có thể nói là xu hướng phát triển biểu hiện sự vật, sản sinh ra một vẻ đẹp lưu động, mà không tĩnh chỉ lại.
Lessing nói: “Lực mê hoặc là cái đẹp ở trong lưu động”. Miller nói: “Một người đứng tựa vào cuốc hay xẻng, so với một người đang cầm cuốc cuốc đất, biểu hiện cho sự lao động mà nói, là kinh điển hơn. Anh ta biểu thị ra anh ta vừa mới lao động xong, hơn nữa còn mệt mỏi, điều này nói rằng, anh ta đang nghỉ ngơi, hơn nữa còn sắp phải làm việc tiếp”.
Phân tích tỉ mỉ một chút: Họa sĩ miêu tả động tác đang cuốc đất, chỉ có thể khiến người ta nhìn được việc anh này đang cuốc đất, một hình thái biểu hiện một ý mà thôi, hàm ẩn là đơn nhất. Thế nhưng, miêu tả động tác dựa cuốc nghỉ ngơi, lập tức khiến người ta nhìn ra 3 điều: 1. Anh ta đã làm việc; 2. Anh ta đang rất mệt, hiện tại đang nghỉ ngơi; 3. Đợi 1 lúc, anh ấy sắp tiếp tục làm việc. Một hình thái biểu hiện nhiều ý, hàm ẩn vô cùng phong phú.
Từ đó, chúng ta có thể lý giải sâu sắc sự diệu dụng trong bức tranh chim ưng của Chung Ẩn vẽ, chính là ông đã làm được “Nhất thái đa ý”, có thể cho người ta lưu lại nhiều dư vị phong phú, và tha hồ tưởng tượng.
Một nhà bình luận hí kịch nước Mỹ nói: “Đoạn cao trào dĩ nhiên phải viết tốt, nhưng nội dung diễn ra trước khi cao trào đến, đặc biệt càng quan trọng”.
Một nhà viết hí kịch khác cũng nói: “Chỉ nghe tiếng dội lại từ sàn gác, không thấy người dưới lầu”, cách này miêu tả mỹ nhân tốt nhất, ẩn chứa ý muốn được nhìn thấy, không thấy, càng khiến người ta tưởng tượng ra một tuyệt sắc giai nhân, một khi người xuống lầu rồi, nhìn thấy người rồi, lại không mỹ lệ bằng người trong tưởng tượng.
Chim ưng của Chung Ẩn, có thể nói là đã đạt được “tam muội” (tập trung, tĩnh lặng không tán loạn) trong nghệ thuật. Thế nên, dù ông ấy “xin” người sưu tập tranh hãy “quên đi”, nhưng người này lại cứ “không quên được”.
Mai Mai, dịch từ Kannewyork