Tinh Hoa

Cán bộ, công chức vẫn đổ về lễ hội?

TT – Khoảng 2.900 thư mời tham dự lễ hội Yên Tử và lễ hội đền Trần 2015 được gửi đến cán bộ, công chức…

Xe biển xanh không có phù hiệu đại biểu “vô tư” trẩy hội Yên Tử trong ngày khai hội – Ảnh: Đức Tiến

Xe biển xanh không có phù hiệu đại biểu “vô tư” trẩy hội Yên Tử trong ngày khai hội – Ảnh: Đức Tiến

Đây là một con số đáng suy nghĩ trong bối cảnh Thủ tướng đã có công điện lưu ý ngay trước Tết Nguyên đán về việc cán bộ, công chức không đi lễ hội trong giờ hành chính.

Lễ hội đền Trần diễn ra từ ngày 1 đến 6-3, tức từ 11 đến 16 tháng giêng. Thời gian khai ấn diễn ra đêm 14 tháng giêng và thời gian phát ấn bắt đầu từ 6g sáng rằm tháng giêng đến 20 âm lịch.

Riêng lễ hội Yên Tử đã khai hội từ ngày 28-2 với sự có mặt của nhiều xe công về dự hội…

Cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu thực hiệncông điện này; không sử dụng thời gian làm việc, phương tiện xe công đi lễ hội, trừ trường hợp được phân công thực thi nhiệm vụ

Trích công điện của Thủ tướng Chính phủ (tháng 2-2015) yêu cầu tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội

Lễ hội đền Trần 2015: mời khoảng 1.000 đại biểu

Xung quanh danh sách khách mời tham dự lễ hội đền Trần năm nay, sáng 2-3, bà Cao Thị Tính – phó chủ tịch UBND TP. Nam Định, trưởng ban tổ chức lễ hội đền Trần 2015 – khẳng định:

“Ban tổ chức không mời đồng chí nào bên trung ương về, còn đồng chí nào về thì ban tổ chức sẽ đón tiếp. Không năm nào ban tổ chức chúng tôi gửi danh sách khách mời về đâu cả.

Tuy không biết có khoảng bao nhiêu khách mời sẽ về dự lễ hội đền Trần, nhưng ban tổ chức vẫn có phương án để đón tiếp các đại biểu chu đáo”.

Tuy nhiên buổi sáng cùng ngày, trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Minh, chủ tịch UBND phường Lộc Vượng, TP Nam Định (địa phương trực tiếp tham gia tổ chức lễ hội đền Trần), lại cho biết theo danh sách khách mời của Ban chỉ đạo lễ hội TP Nam Định thì có khoảng 1000 đại biểu được mời.

“Trong đó, một phần giấy mời được gửi đến các bộ, ban ngành trung ương, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước; một phần giấy mời được gửi đến lãnh đạo các tỉnh lân cận như Thái Bình, Hưng Yên…; một phần giấy mời khác được gửi đến các đại biểu là lãnh đạo các đơn vị trong tỉnh Nam Định” – ông Trần Văn Minh nói.

Ông còn nói rõ hơn ban tổ chức đã phân công: các đại biểu trung ương về sẽ do UBND tỉnh, TP đón tiếp, còn đại biểu từ các địa phương lân cận, tỉnh bạn sẽ do địa phương tiếp đón.

Ông nói thêm mấy ngày qua đã có khá nhiều đại biểu công chức nhà nước đến dâng hương tại đền Trần.

Ngoài ra theo ông Minh, về số lượng ấn được phát ra trong năm nay, ban tổ chức đã chuẩn bị số ấn tối đa, đáp ứng cơ bản đầy đủ cho du khách thập phương.

Khi được hỏi về công điện của Thủ tướng Chính phủ, ông Minh trả lời: “Vấn đề Thủ tướng nêu, ở góc độ địa phương chúng tôi cũng không nắm được sâu đâu, vì danh sách này là do tỉnh mời. Bên địa phương phường chỉ phát giấy mời!”.

Lễ hội Yên Tử: xe đưa đại biểu về dự đông ngoài dự kiến

Trong ngày khai hội Yên Tử (28-2), hàng loạt xe biển xanh của các tỉnh thành đã đổ về di tích Yên Tử.

Bãi đỗ xe mà ban tổ chức bố trí cho các đại biểu chật cứng, xe biển xanh nối đuôi xếp hàng dài ra khu vực ngoài, nhiều xe biển xanh không có phù hiệu đại biểu cũng đỗ rải rác khắp các bãi xe đậu ở khu vực đường vào lễ hội.

Bà Lê Anh Thúy – phó văn phòng HĐND – UBND TP Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh), người phụ trách giấy mời đại biểu dự lễ hội Yên Tử – cho biết ban tổ chức lễ hội đã phát ra hơn 1.900 giấy mời đến lãnh đạo các bộ, ban ngành, lãnh đạo một số tỉnh thành…

Ban tổ chức cũng đã chuẩn bị gần 500 phù hiệu là bảng giấy màu đỏ ghi “xe đại biểu hội xuân Yên Tử 2015” để phát cho các ôtô chở đại biểu về dự lễ hội.

Số lượng phù hiệu không đủ để phát cho các xe vì số lượng xe đưa đại biểu về dự lễ hội đông ngoài dự kiến.

“Gần 500 phù hiệu phát hết từ chiều tối 27-2, sáng hôm sau nhiều xe về sớm nhưng không có phù hiệu. Nhiều xe đại biểu cũng phải đỗ ở khu vực ngoài vì bãi đỗ xe hết chỗ” – bà Thúy nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Đức Yêm – trưởng ban quản lý khu di tích rừng quốc gia Yên Tử, phó trưởng ban tổ chức lễ hội Yên Tử 2015 – cho biết trong ngày khai hội, ban tổ chức mời đại biểu trung ương, lãnh đạo các bộ, ban ngành, lãnh đạo các tỉnh thành, huyện thị có mối quan hệ thân thiết đến dự.

Tuy nhiên phía ban tổ chức không yêu cầu đại biểu đi xe biển xanh hay xe biển trắng mà phương tiện là do họ tự bố trí.

Khi nghe nhắc về công điện của Thủ tướng, ông Yêm giải thích: “Chúng tôi không làm ngược lại công điện của Thủ tướng. Lễ hội năm nay tổ chức vào thứ bảy là ngày nghỉ nên các đại biểu dễ bố trí công việc. Lễ hội do mình tổ chức, mình mời nên phải trân trọng họ”.

Theo ông Yêm: “Đại biểu đến chúng tôi phát phù hiệu cho xe, thẻ cho đại biểu là chuyện bình thường. Các đại biểu đi ôtô gì thì chúng tôi không kiểm soát hết được, không thể thống kê bao nhiêu biển xanh, biển trắng được vì đại biểu đi phương tiện nào là việc của họ”.

Ông Yêm cho biết thêm từ các năm trước, lễ hội không tổ chức vào ngày nghỉ nhưng ban tổ chức vẫn mời đại biểu của các địa phương khác có mối quan hệ thân tình về dự.

“Đây là lễ hội lớn, quy mô quốc gia chứ không phải của riêng TP Uông Bí nên khi tổ chức thì phải mời đại biểu, còn đi được hay không là việc của họ, không hề bị ép buộc phải đến” – ông Yêm nói.

Ai cũng mong có đông đại biểu về dự hội

Trả lời câu hỏi về trách nhiệm của các ban tổ chức lễ hội địa phương khi phát ra số lượng lớn giấy mời đến các cơ quan nhà nước, bà Trịnh Thị Thủy – cục trưởng Cục văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL), đơn vị tham mưu để Thủ tướng Chính phủ ra công điện – giải thích:

“Ban tổ chức các lễ hội phát giấy mời được coi như hình thức để báo cáo công tác tổ chức ở các địa phương và ai cũng mong muốn có đông lượng khách về tham dự lễ hội được tổ chức tại địa phương mình.

Tuy nhiên, nếu rơi vào những thời điểm không phải ngày, giờ làm việc và phương tiện sử dụng không phải là xe công thì các công chức hoàn toàn có thể tham dự lễ hội với tư cách một công dân bình thường như bao công dân khác.

Điều này không ai cấm vì đó là quyền tự do tín ngưỡng của mỗi người. Nhưng nếu đi với tư cách đại diện cho cơ quan nhà nước mà chưa được sự cho phép của thủ trưởng các đơn vị là trái với công điện của Thủ tướng.

Các đơn vị phát hiện cá nhân sai phạm sẽ xử lý về mặt quản lý hành chính nhà nước. Thủ trưởng các đơn vị sẽ là người đứng ra xử lý vi phạm”.

Giải thích rõ hơn điều này, ông Vương Duy Bảo – phó cục trưởng Cục văn hóa cơ sở – cho biết:

“Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải có trách nhiệm thực hiện công điện của Thủ tướng. Việc phát bao nhiêu giấy mời, mời những ai, những đơn vị nào sẽ do chủ tịch UBND tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm.

Việc cán bộ, công chức vi phạm khi sử dụng thời gian sẽ do thủ trưởng các đơn vị quản lý và xử lý”.

Về khía cạnh nghiên cứu văn hóa, GS.TS Kiều Thu Hoạch (Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian) cho rằng: “Các quan chức có thể tự do đến dự lễ hội với tư cách là một công dân, nhưng nên hạn chế đến dự hoặc khai mạc lễ hội với tư cách là các công chức nhà nước, vì dễ gây hiểu lầm trong dư luận”.

V.V.TUÂN

Cái gì không còn phù hợp thì nên xem lại

Tại cuộc họp báo của Văn phòng Chính phủ chiều 2-3, nói về tình trạng văn hóa lễ hội, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh dù trước tết Thủ tướng đã có công điện nhắc.

Ban Bí thư cũng có chỉ thị, nhưng hiện nay bên cạnh những lễ hội duy trì được truyền thống văn hóa tốt đẹp thì còn những hành vi phản cảm.

Thủ tướng đã giao Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức những cuộc tọa đàm, xác định những giá trị văn hóa đích thực cần lưu truyền, phát huy; cái gì không còn phù hợp, không còn cần thiết thì nên xem lại.

“Thủ tướng cũng đề nghị báo chí nên đi sâu, nhìn nhận, phát huy nhân rộng cái tốt, còn cái không đẹp, phản cảm thì lên án. Tuy nhiên phải nhìn nhiều góc độ, phản ánh hết sức thận trọng cái lạc hậu, mê tín, mang tính chất tiêu cực” – ông Nên nói.

V.V.THÀNH

V.V.TUÂN – THÂN HOÀNG

Theo Tuổi Trẻ