“Cải cách và mở cửa” do ông Đặng Tiểu Bình phát động đến nay đã được 40 năm. Trong bối cảnh chính trị và kinh tế Trung Quốc nhạy cảm như năm 2018, có thể xem phản ứng của các giới đối với động thái của ĐCSTQ về cái gọi là cải cách và mở cửa là “mũi tên chỉ hướng” để quan sát tình hình hiện tại của Trung Quốc.
Giới chức ĐCSTQ cho hay, vào 13/11, ngoài ông Lý Khắc Cường đi thăm Singapore, toàn Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ đều xuất hiện tại Bảo tàng Quốc gia Bắc Kinh để thăm quan cái gọi là “Triển lãm Kỷ niệm 40 năm cải cách và mở cửa”.
Ông Tập Cận Bình cho biết trong bài phát biểu, cần phải “kiên định không lay chuyển” con đường cải cách toàn diện sâu sắc, mở rộng cửa quan hệ đối ngoại, thông qua triển lãm để cho mọi người nhận thức được con đường và kế hoạch chiến lược do chính quyền trung ương xây dựng là đúng đắn.
Uỷ viên Ban thường vụ phụ trách tuyên truyền Vương Hộ Ninh là người phát biểu tuyên bố khai mạc triển lãm, trong bài phát biểu ông Vương Hộ Ninh cho biết “Trung ương Đảng” với hạt nhân Tập Cận Bình đang thúc đẩy cải cách sâu sắc toàn diện…
Cả hai bài phát biểu của Tập Cận Bình và Vương Hộ Ninh dường như đều hàm chứa đầy ẩn ý.
>>> Đằng sau bộ phim ‘Đặng Tiểu Bình qua các chặng đường lịch sử’
“Cải cách và mở cửa” trở thành cuộc chiến quyền lực nội bộ
Trong tháng 10/2018, khi cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ vẫn đang căng thẳng, nội bộ ĐCSTQ lộ ra một số động thái chia rẽ sâu sắc xung quanh vấn đề “cải cách và mở cửa”.
Từ ngày 22 – 25/10, lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã hoàn thành chuyến thị sát Quảng Đông.
Ngày 23/10, Tập Cận Bình đã tham dự lễ thông cây cầu lớn Hồng Kông-Chu Hải-Macao, nhưng buổi lễ đã được chuyển từ bên ngoài ở đầu cầu vào trong một văn phòng của cao ốc biên phòng Chu Hải. Lúc đầu giới quan sát bên ngoài dự đoán rằng, tại buổi lễ ông Tập Cận Bình sẽ phát biểu về 40 năm cải cách và mở cửa, cũng sẽ bàn về hướng phát triển trong tương lai. Nhưng ông Tập chỉ phát biểu đơn giản một câu: “Tôi tuyên bố, cầu lớn Hồng Kông-Chu Hải-Macao chính thức khai thông” và vội vã kết thúc buổi lễ, khuôn mặt tỏ rõ vẻ căng thẳng.
Nhưng trước đó một ngày (ngày 22/10), khi ông Tập đến khảo sát Khu công nghiệp Khoa học Công nghệ Trung y và Công ty điện Gree tại đảo Hoành Cầm (Hengqin) ở Chu Hải tỉnh Quảng Đông đã nhấn mạnh: “Vấn đề chính yếu của ngành sản xuất là đổi mới sáng tạo, là phải làm chủ các công nghệ cốt lõi, phải tự lực cánh sinh mà phấn đấu, dựa vào tự chủ để ra sức đổi mới”. Về vấn đề “tự lực cánh sinh” này ông Tập Cận Bình cũng đã đề cập đến hồi cuối tháng 10/2018 khi tuần tra ba tỉnh vùng Đông Bắc. Việc ông Tập liên tục nhấn mạnh khẩu hiệu “tự lực cánh sinh” phổ biến trong thời đại Mao Trạch Đông trước đây làm nhiều người không khỏi liên tưởng đến hình ảnh Trung Quốc “bế quan tỏa cảng”.
Vào ngày 24/10, ông Tập cũng khảo sát Khu kinh tế Tiền Hải ở Thâm Quyến. Vào buổi sáng thăm Thâm Quyến, khi thăm quan “Triển lãm kỷ niệm 40 năm cải cách và mở cửa Quảng Đông” ông Tập đã phát biểu: “Chính ở đây để chúng ta tuyên bố với thế giới rằng cải cách và mở cửa của Trung Quốc không dừng lại”.
Đài RFI dẫn nhận định của một nhà quan sát cho rằng, ngày nay Trung Quốc đang phải đối mặt với hoàn cảnh tương tự thời 1992 khi ông Đặng Tiểu Bình thị sát phía Nam: Lòng người bất an, suy nghĩ xã hội thay đổi, xu thế quốc hữu hóa lên cao, Trung Quốc vào thời điểm đặc biệt của cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ, đây có thể là thời cơ xúc tiến cải cách thực sự. Tuy nhiên, lãnh đạo ĐCSTQ xưa nay chưa từng có ai nói không cải cách, khi nào phát biểu cũng nhất mạnh phải cải cách, chỉ nói theo quán tính mà thôi.
Có quan điểm cho rằng, chuyến công du phía Nam lần này của ông Tập Cận Bình gây chú ý, thực ra phản ánh bầu không khí xã hội Trung Quốc đang quan tâm về cải cách trong bối cảnh chiến tranh thương mại Trung – Mỹ.
Nhật báo Kinh tế Hồng Kông (HKET) cho biết, mục đích chuyến khảo sát phía Nam này của nhà cầm quyền Bắc Kinh không phải để thúc đẩy “cải cách và mở cửa”, chuyến đi bao hàm ý nghĩa mạnh mẽ ngăn chặn suy giảm kinh tế nhanh chóng, duy trì sự ổn định xã hội Trung Quốc trong bối cảnh nhạy cảm của tình hình trong nước và quốc tế hiện nay đối với bảo vệ chế độ ĐCSTQ.
Điều đáng quan tâm là thời gian này bùng nổ nghi ngờ về cuộc chiến bí mật giữa hai gia tộc họ Tập và họ Đặng. Ví dụ, trong chuyến thị sát phía Nam này, ông Tập có động thái được cho là hiếm thấy khi không nhắc đến cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, được xem là dấu hiệu bất đồng nội bộ của ĐCSTQ.
Trong nửa cuối tháng 10/2018, khi ông Tập thăm Quảng Đông, trên mạng Internet bùng nổ chia sẻ bài phát biểu ngày 16/9 của Chủ tịch danh dự Hội người khuyết tật Trung Quốc Đặng Phác Phương, con trai cả của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, trong đó ngoài ca ngợi Lý luận Đặng Tiểu Bình về cải cách và mở cửa còn nhắc nhở những người nắm quyền hiện nay phải “thực sự cầu thị”, “hãy giữ đầu óc tỉnh táo, biết lượng sức mình”.
Ngày 30/10, tờ SCMP đã đăng toàn bài phát biểu của Đặng Phác Phương. SCMP diễn giải rằng đây là một tuyên bố tiêu cực của Đặng Phác Phương về chính sách hiện tại của Bắc Kinh.
Cùng ngày 30/10, Nhân dân Nhật báo Trung Quốc công bố bài viết của một nhà bình luận giải thích về phát biểu của Tập Cận Bình trong thời gian thị sát phía Nam, cho rằng ông Tập Cận Bình thể hiện quan điểm “cải cách” đối với ngay cả bản thân chính sách “cải cách và mở cửa”. Tác giả giải thích rằng, “cải cách và mở cửa” là phải không ngừng gạn lọc loại bỏ các khiếm khuyết đang tồn tại, để thích ứng với nhu cầu “thời đại mới”, không nên “cứng nhắc trì trệ”.
Trong lịch sử ĐCSTQ, “đường lối đấu tranh” thường đi kèm với cuộc đấu tranh quyền lực một mất một còn. “Cuộc tranh luận công khai” này giữa ông Tập Cận Bình và ông Đặng Phác Phương có hình bóng của cuộc đấu đá tàn bạo trong nội bộ ĐCSTQ xưa nay.
Đáng chú ý là ban đầu trang web của Hội Người khuyết tật đã công bố toàn văn bài phát biểu này của Đặng Phác Phương. Nhưng kể từ đầu tháng Mười thì trang web này như bị chặn rất khó vào. Có lý giải rằng nguyên nhân vì bị nhà cầm quyền phong tỏa.
>>Phát biểu của Đặng Phác Phương bị ngăn chặn vì ám chỉ Tập Cận Bình
Trên đài RFA, cựu giảng viên Đại học Thanh Hoa Ngô Cường (Wu Qiang) cho biết, về kế hoạch Sâu hóa cải cách và mở cửa thì hiện có rất nhiều tranh luận trong nội bộ ĐCSTQ, có chỉ trích kế hoạch Sâu hóa cải cách và mở cửa của ông Tập Cận Bình thực tế là phủ nhận quan điểm cải cách và mở cửa của ông Đặng Tiểu Bình, cũng nhấn mạnh hướng theo các chuẩn mực quốc tế. Cuộc đấu tranh hiện tại trong đảng dường như vẫn chưa rõ ràng.
Ngày 29/10, đài BBC của Anh đưa tin, gần đây tiến sĩ William Overholt khi tham dự hội thảo tại Đại học Trung văn Hồng Kông đã chia sẻ với phóng viên BBC rằng, một quan chức cấp cao Trung Quốc thăm Đại học Harvard đã cho ông biết, Bắc Kinh hiện đã rơi vào cuộc chiến tranh giành quyền lực một mất một còn.
Phương Tây không còn hào hứng với khẩu hiệu của Trung Quốc
>>> Hội chợ Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc chỉ là vở kịch?
Ngoài xung đột nội bộ ĐCSTQ về vấn đề cải cách và mở cửa, dưới màn đen của chiến tranh thương mại, gần đây lãnh đạo ĐCSTQ đã cố gắng để tìm kiếm ủng hộ của quốc tế đối với “cải cách và mở cửa” của Bắc Kinh, nhưng dường như đã không nhận được phản hồi tích cực.
Ngày 6/11, tại Diễn đàn Đổi mới Kinh tế Trung Quốc – Mỹ được tổ chức tại Singapore, Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn phát biểu tại diễn đàn, nhắc lại cam kết của Trung Quốc “kiên quyết mở cửa lớn hơn đối với thế giới”.
Tuy nhiên, sau đó giám đốc dự án nghiên cứu Trung Quốc Scott Kennedy của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ tiết lộ trên Twitter rằng, sau khi ông Vương Kỳ Sơn phát biểu, người sáng lập Tập đoàn Âu Á (Eurasia Group) là Ian Bremmer đã gợi ý những người tham gia, nếu ai tán đồng với bài phát biểu của Vương Kỳ Sơn là thể hiện tâm nguyện Trung Quốc đã sẵn sàng tự do hoá hơn nữa, và sẽ có chính sách thỏa hiệp hãy giơ tay lên.
Kết quả cho thấy hầu như không ai giơ tay lên.
Không chỉ vậy, trong thời gian đó tại Thượng Hải diễn ra Triển lãm Quốc tế hàng nhập khẩu Trung Quốc, lễ khai mạc vào buổi sáng ngày 5/11 chỉ có tổng thống hay thủ tướng của hơn 10 quốc gia tham sự, và các nhà lãnh đạo tham dự này chủ yếu đến từ quốc gia đang nợ Trung Quốc rất nhiều tiền. Thậm chí còn có nhiều cư dân mạng gọi đó là “đại hội cái bang”. Chiều ngược lại, các nguyên thủ của đối tác thương mại chính của Bắc Kinh như Anh, Đức, Hàn Quốc và Nhật Bản đều không tham gia hội chợ triển lãm này.
Đài VOA công bố bài viết chỉ ra rằng, sau khi Trung Quốc hò hét “cải cách và mở cửa” nhiều thập kỷ, giờ đây lại một lần nữa cam kết “mở cửa thị trường” và chia sẻ những thành quả của phát triển kinh tế với thế giới, khẩu hiệu này hiện đã không thể gây ấn tượng được với phương Tây.
Theo Trithucvn