Khi một đứa trẻ phạm sai lầm, thông thường người lớn sẽ cảm thấy rất tức giận. Do đó, thay vì giúp trẻ nhận ra sai lầm, chúng ta thường trút mọi bực bội lên đứa trẻ, vô tình điều ấy khiến chúng bị tổn thương. Câu chuyện dưới đây hy vọng có thể giúp các ông bố bà mẹ lấy lại được bình tĩnh mỗi khi xử lý tình huống này.
Cha dắt con trai đến chơi nhà một người bạn của cha.
Cậu bé nhanh chóng bị hấp dẫn bởi một mô hình máy bay đồ chơi trong phòng của một anh lớn hơn ở nhà chú.
Cậu được phép chơi với nó, chơi được một hồi thì lại cảm thấy đặc biệt thích thú, thật sự rất muốn được sở hữu luôn món đồ chơi ấy. Thế là cậu ta thừa dịp mọi người không chú ý liền trộm lấy và lén cất đi mang về nhà….
Nếu rơi vào vị trí người cha trong trường hợp này, là một bậc phụ huynh các bạn sẽ xử lý thế nào?
Điều thú vị là ông bố trong câu chuyện đã xử lý theo cách ít ai ngờ
….Trên đường về nhà cùng với cha, cậu bé cảm thấy trong lòng vô cùng áy náy và khó chịu, thật sự không chịu nổi nữa nên đã “thật thà” tự thú với cha rằng mình đã ăn cắp một cái máy bay nhỏ của nhà người ta.
Người cha một thoáng im lặng, rồi mới cất lời nói.
Cho đến giờ, cậu bé vẫn nhớ như in sự im lặng ngắn ngủi của cha mình lúc đó. Cậu cùng đứng với cha bên đường, cảm thấy vô cùng sợ hãi.
Sau khoảng im lặng khó chịu đó, người cha nói với cậu bé bằng một thái độ ôn hòa:
“Chúng ta hãy cùng nhau quay lại đem trả chiếc máy bay này cho chú nhé, sau này cha sẽ mua cho con một chiếc“.
Thế là cậu bé đành lẽo đẽo theo cha quay trở lại trả chiếc máy bay, trong tâm vừa tiếc rẻ vừa xấu hổ không chịu nổi, sợ muốn khóc lên.
Nhưng người cha khi ấy rất bình tĩnh giải thích với người ta:
“Thật ngại quá, con tôi không cẩn thận mang đi món đồ chơi nhỏ này về, giờ xin trả lại cho anh“.
Sự tình thế là trôi qua. Cậu bé không phải đối mặt với bất cứ sự trách cứ nào. Người cha sau đó cũng không đem việc này kể cho ai nghe.
Có thể nhiều người không lý giải được cách làm của người cha? Hoặc cũng có người sẽ thắc mắc sao ông ấy có thể làm như thế được? Nếu là bạn có thể bạn đã giận sôi gan lên, lôi con đi, đánh mắng nó trước mặt người chú hoặc ít nhất cũng phải giáo huấn cho con một bài học.
Thực chất, người cha trong việc dạy dỗ con đã cân nhắc rất kỹ càng.
Từ đầu đến cuối, ông đều không dùng đến từ “trộm” để diễn tả hành vi trẻ, bởi vì quan niệm đúng sai của trẻ là thông qua đánh giá của cha mẹ, đồng thời quan sát phản ứng của cha mẹ mà hình thành. Thế nên, ông đã không tùy tiện dán cho trẻ một cái nhãn hiệu tiêu cực.
Ông cũng không khoa trương sai lầm của trẻ, đây chính điều ông làm để bảo hộ trẻ.
Trước tiên, không trách cứ, không đánh chửi, không thuyết giáo quá nhiều.
Tiếp theo, giữ một cảm xúc ổn định, bình tĩnh và nghiêm túc nghĩ ra cách giải quyết thích hợp nhất. Khi biết trẻ “lấy trộm” đồ của người khác, người cha không hề tức giận, mà kiềm chế cảm xúc, không la mắng, cũng không tức thời tận tình khuyên bảo, hay thao thao bất tuyệt giảng đạo lý, mà ông cho mình một khoảng thời gian để suy nghĩ, sau đó dùng đến phương thức thích hợp, ôn hòa nhất, hiệu quả mà lại đơn giản nhất xử lý vấn đề.
Kết quả là, ông dùng hành động trực tiếp làm mẫu và hướng dẫn đúng đắn cho trẻ. Thực ra, đứa trẻ biết cầm đồ của người khác là không đúng. Cái kiểu cúi đầu tức giận và bướng bỉnh của những đứa bé trai, còn là kiểu “nội tâm áy náy” theo như lời bạn tôi nói đều có thể thấy được.
Vì thế, kỳ thực đứa trẻ không phải cần một đạo lý lớn là ai đúng ai sai, mà là chúng cần từ trong sai lầm có thể học được cách làm đúng đắn.
Biểu hiện của người cha còn giúp cậu bé hiểu được sự khoan dung, biết chịu trách nhiệm. Người cha cũng chỉ đơn giản nói hai câu:
Một là “cùng nhau quay trở lại“, đây là từ sai lầm mà học được cách sửa chữa đúng đắn;
Hai là “nếu con muốn cha sẽ mua cho con“, chính là nói cho cậu bé hiểu con đường đúng đắn để có được đồ vật mình muốn.
Cuối cùng, chúng ta còn cần phải nhớ một điểm là: “Chuyện quá khứ, tức là quá khứ”. Không lật lại truy cứu, không tùy ý kể lại để bảo vệ tự tôn của trẻ, cho trẻ sự tôn trọng hết mức. Đứa trẻ dù còn nhỏ, nhưng chúng có tự tôn và trong tâm biết xấu hổ
Người khi chứng kiến sai lầm của trẻ nếu có thể đứng từ góc độ của trẻ, nghĩ ra được rằng trẻ cũng nhất định không muốn có nhiều người biết về hành vi không tốt của chúng, dù là người trong nhà. Vì thế, không nên kể cho người khác nghe chuyện này, chính là sự che chở tốt nhất cho sự tự tôn của trẻ.
Sự giáo dục từ gia đình hay trường lớp cũng vậy, các vị cha mẹ xin hãy nhớ:
Dù cho bạn phát hiện ở trẻ những vấn đề đạo đức rất nghiêm trọng thì cũng phải khống chế cảm xúc, không tùy tiện dán nhãn cho trẻ. Hãy nghĩ lại phương thức nuôi dạy trẻ một chút, tỉnh táo cẩn thận mà nghĩ ra biện pháp đúng đắn để hướng dẫn, uốn nắn hành vi không phù hợp của trẻ. Nếu không làm được như thế, về lâu dài trẻ sẽ chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực.
Hy vọng đôi lời chia sẽ có thể giúp các bạn sáng suốt hơn trong việc đào tạo thế hệ tương lai
Mai Mai – Theo cmoney.tw