Bắc Kinh giờ đây lại tự hào phô trương ‘sự quản lý và chăm sóc nhân đạo‘ tại các trại tập trung ở Tân Cương, sau khi giận dữ phủ nhận sự tồn tại của chúng trong nhiều tháng.
Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc (CCTV) tuần trước đã phát một phóng sự về nội tình bên trong các trại tập trung gây tranh cãi ở Tân Cương.
Trong đoạn phim khoảng 15 phút, các nhà báo của CCTV quay cảnh họ đi thăm trại tập trung mà họ gọi là “Trung tâm Đào tạo và Dạy nghề” ở Thành phố Hòa Điền, Tân Cương. CCTV trích dẫn phát biểu của một quan chức thành phố nói rằng, tại Trung tâm Đào tạo và Dạy nghề, họ dạy các học viên tiếng Trung Quốc phổ thông, nhiều bộ luật khác nhau của Trung Quốc, và một số nghề nghiệp.
>>> Truyền thông Mỹ: Bằng chứng cho thấy ĐCSTQ thành lập trại tập trung ở Tân Cương
Theo tờ Guardian, phát biểu của vị quan chức thành phố Hòa Điền gần như giống nguyên văn với những gì mà truyền thông Trung Quốc trước đó giới thiệu về trại tập trung.
Phóng sự của CCTV cho thấy, các học viên được dạy học nghề trang điểm, làm bánh, may vá, chế biến gỗ và nhiều nghề khác. Nhà ăn tự phục vụ được trang trí bằng bóng bay và, và tất cả các phòng ngủ tập thể đều lắp điều hòa.
Một phụ nữ trẻ trả lời phỏng vấn rằng: “Nếu tôi không học ở đây, tôi thậm chí không muốn tưởng tượng mình sẽ ở đâu. Có lẽ tôi đã theo những kẻ cực đoan tôn giáo lao vào cuộc sống tội phạm. Chính phủ và đảng tìm thấy tôi kịp thời và đã cứu tôi“.
Trong vài tuần qua, chế độ Trung Quốc đã triển khai các biện pháp mạnh mẽ để đối phó với việc bị cộng đồng quốc tế chỉ trích về các chính sách ở Tân Cương, nơi có khoảng 12 triệu người Hồi giáo.
Các nhà nghiên cứu và các nhóm vận động nói rằng, chiến dịch của Trung Quốc dưới danh nghĩa loại bỏ tận gốc rễ chủ nghĩa cực đoan đang tràn lan các vụ lạm dụng nhân quyền, cụ thể là việc sử dụng các trại cải tạo, giám sát quần chúng và giam giữ người Duy Ngô Nhĩ, người Kazakh và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác.
Sau nhiều tháng phủ nhận sự tồn tại của các trại cải tạo, giới chức Trung Quốc dường như đang thử một chiến thuật mới: Bình thường hóa các trại tập trung như những nơi “đào tạo nghề miễn phí”, giống các trại hè hơn nhà tù – thực tế là nơi mọi người có thể bị giữ vô thời hạn mà không cần tuân theo thủ tục pháp lý.
ĐCSTQ gọi trại cải tạo là nơi ‘quản lý và chăm sóc nhân đạo’
Tờ Guardian dẫn lời ông Timothy Grose – chuyên gia về chính sách dân tộc của Trung Quốc tại Viện Công nghệ Rose Hulman cho biết: “Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang mất quyền kiểm soát quan trọng đối với câu chuyện tiêu cực này. Trong thời gian vài tuần gần đây, các quan chức cấp cao [Trung Quốc] đã thay đổi từ việc giận dữ phủ nhận sự tồn tại của một mạng lưới các trung tâm cải tạo, đồng thời cáo buộc ‘miền tây’ nước này đang trong tình trạng bất ổn … tới việc tự hào giới thiệu các trung tâm này là tấm gương về lòng vị tha của ĐCSTQ”.
Hôm 16/10, Tân Hoa Xã đã phát một cuộc phỏng vấn dài với ông Shohrat Zakir, Tỉnh trưởng Tân Cương. Ông Shohrat Zakir cho biết, ngoài lớp dạy nghề, trong các trại tập trung cũng có các sân bóng rổ, bóng chuyền và cũng tổ chức các cuộc thi nghệ thuật.
Ông Shohrat Zakir gọi đây là bằng chứng về “quản lý và chăm sóc nhân đạo” của trung tâm và tránh sử dụng từ “cải tạo”, thuật ngữ đề cập tới giáo dục thông qua lao động trong các trại lao cải – hệ thống bắt đầu vào những năm 1950 và chính quyền Trung Quốc tuyên bố xóa bỏ vào năm 2013, với lý do không tương thích với cam kết của Trung Quốc về việc quản lý đất nước bằng luật pháp.
Thời báo Hoàn cầu – Cơ quan của nhà nước Trung Quốc đã xuất bản nhiều bài xã luận tung hô các trung tâm dạy nghề. Một bài xã luận hôm 17/10 cho biết: “Từ khi các trung tâm dạy nghề được thành lập, tình hình ở Tân Cương đã chuyển biến tốt hơn. Những trung tâm này có thể hoạt động chưa hoàn hảo, nhưng nhằm ngăn chặn những vụ giết người bốc đồng và an ủi những người đã bị các hoạt động khủng bố bạo lực làm cho sợ hãi”.
Trên Twitter, Tổng biên tập tờ Hoàn Cầu Hồ Tích Tiến nói, ông không tin những học viên “tự nguyện đến đó”, nhưng “họ đã nhận được sự giúp đỡ chân thành của trung tâm đào tạo và dạy nghề để họ có thể trở lại cuộc sống bình thường”.
ĐCSTQ nhận ra không thể phủ nhận mọi thứ
Chiến dịch tuyên truyền công khai về các trại cải tạo ở Tân Cương được giới chức Trung Quốc đưa ra vào thời điểm trước thềm một cuộc họp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào đầu tháng 11/2018, đây được dự báo là nơi mà chính phủ các nước sẽ đặt câu hỏi về các chính sách đàn áp của Trung Quốc. Tân Cương dự kiến sẽ là một chủ đề thảo luận chính, đặc biệt sau khi Ủy ban của Liên Hiệp Quốc về loại bỏ phân biệt chủng tộc (CERD) vào tháng 8/2018 đã trích dẫn các báo cáo đáng tin cậy ước tính: Có khoảng 1 triệu người Hồi giáo thiểu số đã bị chính quyền giam giữ trong các trại tập trung.
Frances Eve – nhà nghiên cứu về nhân quyền Trung Quốc nói với Guardian: “Trung Quốc đã bị sốc tại phiên đánh giá của CERD hồi tháng 8 với cách mà ủy ban đã dấy lên về tình hình ở Tân Cương mạnh mẽ. Chế độ [Trung Quốc] nhận thấy rằng, họ không thể phủ nhận mọi thứ trước sự duyệt xét của Liên Hiệp Quốc vào tháng 11 tới và hiện đang triển khai một chiến dịch tuyên truyền để biện minh cho việc giam giữ tùy tiện hàng loạt người Hồi giáo”.
Các nhà phân tích nói rằng, chiến dịch tuyên truyền của ĐCSTQ có thể đã tiết lộ những manh mối quan trọng về định hướng chính sách của Trung Quốc ở Tân Cương.
Ông Adrian Zenz, một nhà nghiên cứu chuyên tập trung vào Tân Cương nhận định rằng, việc giới chức Trung Quốc tuyên bố các trại tập trung là trung tâm dạy nghề không chỉ khiến cộng đồng thế giới dễ chấp nhận hơn, mà còn thích hợp cho cả người dân ở Tân Cương.
“Nếu họ tăng cường đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, nó có thể là một dấu hiệu cho thấy họ đang chuyển hướng để tái hòa nhập một số những người bị giam giữ này và cuối cùng thả họ”, ông Adrian Zenz nói. Trong cuộc trả lời phỏng vấn Tân Hoa Xã hôm 16/10, Tỉnh trưởng Tân Cương Zakir nói rằng, một số học viên có thể được thả vào cuối năm 2018.
Ông James Leibold, một học giả về chính sách dân tộc Trung Quốc tại Đại học La Trobe ở Melbourne, Úc cho biết: “Có những dấu hiệu sâu sắc hơn cho thấy ĐCSTQ đang tìm cách hợp pháp hóa, chuẩn hóa và cuối cùng bình thường hóa quá trình giáo dục này. Tôi cho rằng mục tiêu cuối cùng là tạo ra một hệ thống giáo dục yêu nước, dạy nghề cho người thiểu số Hồi giáo trưởng thành tại Tân Cương”.
Nói cách khác, thông điệp nội bộ của chế độ Trung Quốc về Tân Cương vẫn nhất quán. Trong phạm vi nội bộ Trung Quốc, giới chức vẫn mô tả người Duy Ngô Nhĩ và những cư dân khác là các nhóm sắc tộc đã bị “nhiễm cực đoan tôn giáo”, và nơi cải tạo là cách để loại bỏ sự cực đoan này.
Chương trình của CCTV về trung tâm đào tạo Hòa Điền, bằng tiếng Trung Quốc phổ thông và nhằm vào người xem Trung Quốc không quen thuộc với hệ thống trại tập trung, nhấn mạnh về lợi ích của các trại tập trung cũng là một cách để ĐCSTQ tuyên truyền về các trung tâm dạy nghề tại Tân Cương cho người dân trong nước.
Shelley Zhang, biên tập viên của chương trình “Trung Quốc Không Kiểm Duyệt” đã phân tích về chương trình của CCTV và nói rằng: “Nó giống như một sự truyền bá tư tưởng. Trước tiên, người tuyên truyền có thông điệp muốn truyền tải, sau đó đưa câu chuyện đó vào đầu não của mọi người và truyền hình là một phương tiện tuyệt vời cho việc này”.
Tuy nhiên, ngay cả khi vị trí quay camera đã được CCTV lựa chọn cẩn thận cũng không thể che giấu được việc trung tâm đã được sắp đặt lại để lên hình. Bằng việc sử dụng hình ảnh vệ tinh, nhà nghiên cứu Shelley Zhang đã tìm thấy những gì mà ông tin là giống trại cải tạo. Cảnh quay của CCTV được thực hiện trong một tòa nhà không có hàng rào dây thép gai bao quanh. Tòa nhà này có các trạm kiểm soát an ninh và tháp canh.
Trong một cảnh trong đoạn phim nêu trên của CCTV, một nhóm người cùng mặc bộ đồ áo liền quần ngồi trong lớp học đang học cách ứng xử trong xã hội như thế nào. Trước camera và micro thu âm, họ đọc dường như đọc thuộc lòng: “Vào mọi lúc tôi đều phải văn minh, trung thực, tôn trọng người lớn tuổi… tuân thủ luật pháp, ăn mặc gọn gàng, yêu công việc… siêng năng và tiết kiệm. Tôi là công dân tuân thủ luật pháp và các quy định“.
>>> Trung Quốc sửa đổi luật để hợp pháp hóa “trại cải tạo” ở Tân Cương
Theo Trithucvn