Tinh Hoa

Các nước đón Tết Đoan Ngọ có gì khác Việt Nam?

Bên cạnh Việt Nam, các quốc gia Châu Á khác cùng có phong tục đón Tết Đoan Ngọ là: Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên, Trung Quốc… Ở mỗi quốc gia lại có một sự tích riêng về ngày tết này và có cách đón tết Đoan Ngọ rất khác nhau.

Các nước đón Tết Đoan Ngọ có gì khác Việt Nam?.1

Tết Đoan Ngọ ở Việt Nam

Ở Việt Nam, Tết Đoan ngọ đượcViệt hóa và còn được gọi là Tết giết sâu bọ” vì trong giai đoạn chuyển mùa, chuyển tiết, dịch bệnh dễ phát sinh. Vào ngày này, dân gian có nhiều tục trừ trùng phòng bệnh.

Các nước đón Tết Đoan Ngọ có gì khác Việt Nam?.2
Rượu nếp, đặc biệt là rượu nếp cẩm, là món không thể thiếu trong dịp Tết Đoan Ngọ. (Ảnh: Pinterest)

Theo lệ, đúng ngọ (12h trưa), người dân ở các vùng thôn quê rủ nhau đi hái lá. Đây là thời khắc có dương khí tốt nhất, là giờ mặt trời tỏa ánh nắng tốt nhất trong năm. Lá cây cỏ hái được vào giờ này có tác dụng chữa bệnh rất tốt như các bệnh ngứa ngoài da, nhất là các bệnh về đường ruột hay khi cảm mạo, đem những lá thuốc này nấu nước xông giải cảm rất tốt.

Trước đây, vào ngày này, dân gian còn có tục nhuộm móng chân, móng tay, tục khảo cây lấy quả, tục treo ngải cứu để trừ tà… Những em bé chưa biết đi thì được lấy một ít vôi quyệt vào thóp, vào ngực và rốn để chúng không bị đau bụng, nhức đầu. Nhưng đến ngày nay, phần lớn các tục lệ này đã được bãi bỏ, chỉ còn giữ lại tục tắm nước lá và tục đi hái lá thuốc.

Tại Hà Nội và một số vùng của miền Bắc ngày này, rượu nếp, đặc biệt là rượu nếp cẩm, là món không thể thiếu. Người ta cho rằng, bộ phận tiêu hóa của con người thường có các loại ký sinh gây hại và chúng nằm sâu trong bụng nên không phải lúc nào cũng diệt được. Duy có ngày mồng 5/5 (âm lịch), các loại ký sinh này thường ngoi lên, con người có thể ăn thức ăn, hoa quả vị chua, chát và nhất là rượu nếp, có thể loại bỏ chúng.

Tết Đoan Ngọ ở Trung Quốc

Ở Trung Quốc, Tết Đoan Ngọ còn được gọi là tết Trùng Ngũ vì là hai con số 5 gặp nhau, ngày 5/5. Được biết, Tết Đoan Ngọ bắt nguồn từ hoạt động kỷ niệm Khuất Nguyên, nhà thơ yêu nước, người trung tiết nhưng bị gian thần hãm hại nên phải gieo mình tự vẫn trên con sông Mịch La cách đây hơn 2000 năm.

Ngày Tết Đoan Ngọ ở Trung Quốc thường được tổ chức khá long trọng và mang một ý nghĩa khác.

Ở đất nước này, ngày Tết Đoan Ngọ hàng năm là ngày nghỉ theo quy định của Nhà nước và nhiều nơi đã diễn ra nhiều hoạt động dân gian như đua thuyền rồng, mang theo túi thơm, ăn bánh chưng…

Hoạt động chèo thuyền diễn ra ở nhiều địa phương. (Ảnh sina)

Cứ đến ngày Tết Đoan Ngọ, mọi người thường quét dọn nhà cửa sạch sẽ, treo lá cây ngải cứu và lá cây thạch xương bồ có tác dụng xua đổi sâu bọ lên hai bên cánh cửa, vẩy rượu để giết vi khuẩn, phòng chống bệnh truyền nhiễm; những thiếu nữ khéo tay còn thêu và làm túi thơm, bỏ thảo mộc vào túi, rồi mang theo người.

Còn các em nhỏ thì dùng sợi màu đan túi lưới, rồi bỏ trứng gà, trứng vịt nấu chín trên vỏ có bôi một lớp màu vào túi lưới, vừa có thể mang theo người để làm đồ trang sức, vừa có thể dùng để làm trò chơi.

Tết Đoan Ngọ ở Hàn Quốc và Triều Tiên

Ngày tết Đoan Ngọ ở Hàn Quốc và Triều Tiên là 1 trong 3 dịp lễ truyền thống lớn nhất cùng tết Nguyên đán và tết Trung thu. Người dân trên bán đảo Triều Tiên cho rằng, con số 5 biểu là biểu tượng của sức mạnh, sự cường tráng. Đây cũng là ngày người dân hai nước cầu nguyện cho một mùa màng bội thu, không bị sâu bệnh phá hoại.

Hàn Quốc và Triều Tiên thường mặc hanbok và chơi các trò chơi dân gian. (Ảnh Holidaysia)

Tết Đoan ngọ được gọi là Dano, hay Surit-nal. Vào dịp này, người dân Hàn Quốc và Triều Tiên đều tổ chức nấu những món ăn truyền thống với mục đích giữ sức khỏe vào dịp đầu hè. Phụ nữ và trẻ em thường tắm gội, mặc trang phục truyền thống và chơi những trò chơi dân gian vào ngày lễ này.

Diễn ra các hoạt động gội đầu như nghi thức cầu mong sức khỏe. (Ảnh Holidaysia)

Tết Đoan Ngọ ở Nhật Bản

Tết Đoan Ngọ ở Nhật Bản còn được coi là ngày lễ dành cho các bé trai với tên gọi “Kodomo no hi” và là một ngày đại lễ của Nhật. Vào dịp này, người Nhật thường treo cờ cá chép, tượng trưng cho những bé trai khỏe mạnh thông minh với ý nghĩa “cá vượt vũ môn” và còn trang trí các bộ áo giáp Kabuto mang theo ước nguyện của những bậc cha mẹ mong muốn cho con mình sẽ thành đạt trong cuộc sống.

Người Nhật thường treo cờ cá chép, tượng trưng cho những bé trai khỏe mạnh thông minh với ý nghĩa “cá vượt vũ môn”. (Ảnh: Pinterest)

Cứ đến đầu tháng 5, Nhật Bản rợp trời cờ cá chép tung bay trong gió, mỗi nhà treo 3 hoặc 5 cờ, với 5 màu chủ đạo là: xanh lam, đỏ, đen, xanh lá, xanh tím. Những lá cờ Koi (cá chép) vải đầy màu sắc được treo trên mái nhà hoặc hành lang chung cư của các gia đình có con trai.

Vào ngày tết Đoan Ngọ, người Nhật làm bánh “mochi” (gạo nếp) gói trong lá lá sồi như bánh chưng bánh tét của Việt Nam, gọi là “kashiwa-mochi” và “chimaki” để cúng và ăn lễ Tết này.

Trong lễ này, người dân Nhật Bản hay làm các món ăn có hình cá chép, làm Chimaki, Kashiwa mochi… cho con để cầu chúc và mong muốn cho con mình được mạnh khỏe và phát triển tốt.

Theo Đời sống & Pháp luật