Vạn sự vạn vật trên đời đều có quỹ đạo vận hành riêng. Số mệnh con người cũng là có quỹ đạo, chính là “sinh – lão – bệnh – tử”. Hết thảy điều này giống như đã được định trước, đều có an bài chi tiết từ thiên thượng…
Từ cách nhìn nhận này, quay đầu lại xem các đời đế vương trong lịch sử mới thấy rằng, phải chăng thời gian tại vị dài ngắn của các đời hoàng đế cũng đã được an bài một cách chi tiết từ trước?
Phương pháp bói toán kỳ lạ
Vào những năm đầu triều đại nhà Đường, có một bức tượng Thần bằng vàng, nghe nói là vào thời gian giữa Bắc Chu và Tùy triều, có một vị kỳ nhân am hiểu pháp thuật đã đúc nên bức tượng vàng này. Vào thời Võ Tắc Thiên, bức tượng được bố trí tại một bảo điện trong hoàng cung, được bảo vệ nghiêm mật.
Khi Hoàng đế Đường Huyền Tông tại vị, nghe nói bức tượng vàng này rất thần kỳ, liền cố ý đến tòa bảo điện, sai người mở cửa điện để chiêm ngưỡng tôn dung bức tượng. Đường Huyền Tông hỏi cận thần Cao Lực Sĩ: “Bức tượng vàng này có gì thần kỳ sao?”
Cao Lực Sĩ nói: “Bức tượng này là do một vị cao nhân của tiền triều đúc ra, có thể tiên đoán được thời gian tại vị dài ngắn của hoàng đế. Phương pháp chính là, vị hoàng đế đứng trước tượng vàng nghiêm khắc la rầy. Nếu thời gian tại vị của hoàng đế đó rất dài, tượng vàng sẽ dao động thời gian rất lâu, nếu tại vị thời gian ngắn, bức tượng chỉ dao động một chút là ngừng”.
Tượng vàng không mở miệng mà có thể bói toán
Đường Huyền Tông đi đến trước tượng vàng rồi nghiêm mặt la rầy, bức tượng giống như sợ hãi, dao động thật lâu, rồi đổ nhào xuống đất. Hoàng đế Huyền Tông sai người nâng tượng vàng dậy, cười nói: “Quả thực danh bất hư truyền, xem ra ta có thể làm Thiên tử thời gian rất lâu đấy”. Cao Lực Sĩ lập tức bái lạy chúc mừng Huyền Tông.
Lúc ấy, con thứ ba của Huyền Tông là Lý Hanh, cũng gọi là Đông cung Thái tử. Con trai trưởng của Lý Hanh là Lý Dự tuổi còn rất nhỏ. Đường Huyền Tông liền cho gọi bọn họ tới xem thử về sau có thể kế thừa thiên mệnh được hay không.
Ông trước hết nói Thái tử đến trước tượng vàng la rầy, bức tượng chỉ dao động rất nhẹ. Sau đó gọi đứa cháu hô to một tiếng, kết quả tượng thần dao động thời gian rất lâu. Đường Huyền Tông nói: “Xem ra cháu của ta ngày sau sẽ giống ta”.
Đường Huyền Tông tại vị 50 năm; Lý Hanh sau khi kế vị lấy hiệu Đường Túc Tông, tại vị được 6 năm; Lý Dự kế vị lấy hiệu Đường Đại Tông, tại vị 19 năm. Thời gian tại vị của ba vị Hoàng đế này hoàn toàn phù hợp với kết quả tiên đoán của bức tượng.
Thông thường, mọi người không thể có hành vi la rầy trước tượng Thần, đó là hành vi bất kính. Sự la rầy ở đây, chỉ là dưới tình huống đặc thù để sử dụng phương pháp bói toán mà thôi. Kỳ thực, theo lịch sử ghi chép lại, cả ba vị Hoàng đế này đều rất kính Thần Phật, tín ngưỡng Phật môn.
Hoàng đế 3 triều kính ngưỡng Thần Phật
Đường Huyền Tông từng thiện đãi 3 vị cao tăng Thiện Vô Úy, Kim Cương Trí và Không Không đại sư. Đường Túc Tông từng ở hoàng cung thiết lập đạo tràng, mời các cao tăng tới thuyết giảng. Đường Túc Tông cũng từng hạ lệnh tuyển chọn nhân tài ưu tú các nơi để xuất gia làm tăng, học tập kinh luật. Do vậy đã có đến hàng vạn người tiến vào Phật môn. Đường Túc Tông còn hạ chiếu, phàm là chùa chiền nơi danh sơn thắng địa, cần do tăng nhân đức cao vọng trọng trụ trì, nhằm bảo trì sự thanh tịnh của Phật môn.
Đường Đại Tông hạ chiếu đúc tượng Phật bằng vàng, an trí tại những nơi thánh địa, cũng tự mình dẫn quan lại đi lễ bái chiêm ngưỡng. Đồng thời, ông còn hạ chiếu phiên dịch kinh Phật, rồi cũng tự mình đi đầu làm gương. Tham thiền lễ Phật vào thời đại Đường trở thành một sự kiện rất vang danh hiển hách.
Vậy mới thấy, có rất nhiều sự tình huyền bí mà chúng ta không cách nào hiểu được. Bức tượng không chỉ có thể tiên đoán được ai có thể làm hoàng đế, còn dự đoán được thời gian tại vị dài ngắn khác nhau. Bức tượng này vốn không hề mở miệng, làm sao lại có thể biết được điều ấy? Huống hồ khi đó, Đường Túc Tông và Đường Đại Tông còn chưa kế vị? Có lẽ đây chính là do ở trong huyền mật tự đã có an bài…
Tuệ Tâm