Tinh Hoa

Siêu phẩm hội họa vẽ 8.000 nhân vật thời vua Càn Long có giá 1.400 tỷ

Bức tranh được xem như một “cuộn phim thầm lặng” dài gần 19m, vẽ khoảng 8.000 nhân vật, có giá lên tới 414 triệu nhân dân tệ (tương đương hơn 1.470 tỷ VNĐ).

Một phần bức tranh Bình định Tây Vực hiến phu lễ. (Ảnh qua wencang.com.cn)

Theo tổng kết về những tác phẩm thi họa Trung Quốc được đấu giá cao nhất năm 2021 của trang The Value, bức tranh Bình định Tây Vực hiến phu lễ của họa sĩ Từ Dương đứng thứ nhất và cũng là bức tranh cổ Trung Quốc đắt giá thứ 3 trong lịch sử đấu giá. Từ Dương là một họa sĩ cung đình thời nhà Thanh, sinh năm 1712.

Bức Bình định Tây Vực hiến phu lễ (lễ dâng tù binh) được bán đấu giá vào năm 2009, với giá hơn 130 triệu NDT, đến nay đã tăng hơn 3 lần giá trị. Theo trang Artron, từ lâu tác phẩm này đã vượt qua khái niệm tranh vẽ, được coi là “cuộn phim thầm lặng” và tư liệu lịch sử quý giá. 

https://tinhhoa.net/wp-content/uploads/2022/01/tranh-ve-8-000-nguoi-thoi-can-long-gia-65-trieu-usd-1642666857.mp4
Bức “Bình định Tây Vực hiến phu lễ”. Video: Bilibili

Bức tranh được thực hiện theo yêu cầu của Hoàng đế Càn Long để kỷ niệm chiến thắng sau khi quân Thanh tham chiến ở Tây Vực vào khoảng năm 1755-1759. Tác phẩm rộng 42cm và dài gần 19m, với khoảng 8.000 nhân vật, sử dụng bút pháp tả thực, miêu tả khung cảnh kinh thành sầm uất, nhộn nhịp. 

Khung cảnh toàn bộ bức tranh dài gần 19m, gồm 3 cảnh chính. (Ảnh qua trueart.com)

Mặc dù có số lượng nhân vật đồ sộ nhưng tác phẩm lại miêu tả tỉ mỉ đến từng chi tiết, màu sắc tươi tắn, là tác phẩm tiêu biểu cho dòng tranh tư liệu cung đình nhà Thanh thời Càn Long. Trang Sohu nhận xét tác giả bức tranh là một họa sĩ tài năng, có trí nhớ siêu phàm và khả năng quan sát tinh tường khi vẽ chính xác tuyến đường ở kinh thành trong điều kiện không có máy bay hay thiết bị bay không người lái.

Tác phẩm miêu tả 3 cảnh chính:

– Đoạn đầu từ Đại Khánh Môn đến Tây An Môn, nửa đầu là khu chợ ở Bắc Kinh, trước cửa đường cái tấp nập xe cộ qua lại, cửa hàng san sát như nêm, thể hiện cảnh kinh tế thịnh vượng, sôi động lúc bấy giờ.

Chi tiết khung cảnh ở khu chợ.

– Đoạn thứ 2 là cao trào của bức tranh. Trong đó miêu tả các phái đoàn ngoại giao từ hơn 70 quốc gia đã đến kinh thành để chúc mừng Hoàng đế Càn Long về chiến thắng trong trận đánh lớn này. Các sứ đoàn bao gồm cả những người đến từ phương Tây như Anh quốc, Pháp, Bỉ, Tây Ban Nha, Hà Lan, và một số nước Tây Á, Đông Á, Đông Nam Á. Dung mạo, trang phục của sứ đoàn các nước đều được miêu tả hết sức sinh động. Phân đoạn này phản ánh sự giao lưu văn hóa Đông Tây thời bấy giờ, đồng thời cũng nêu bật địa vị quốc tế của vương triều Càn Long thời đó.

Phái đoàn ngoại giao các nước.

– Đoạn thứ 3 miêu tả đội thị vệ danh dự của hoàng gia, chiếm một khoảng không rất dài, thể hiện sự uy nghiêm và sức mạnh của triều đại Càn Long.

Đội thị vệ hoàng gia.

Không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật vô song, hiếm có, bức tranh còn có giá trị lịch sử khi thể hiện mối quan hệ cũng như văn hóa, phong tục, trang phục, nghề nghiệp của hàng ngàn bá tánh đương thời.

Khung cảnh đội thị vệ và bá quan.

Được biết, Từ Dương quê ở Tô Châu, trước khi vào cung ông không phải họa sĩ chuyên nghiệp. Một lần vua Càn Long đi nam tuần ở Tô Châu, Từ Dương nhân cơ hội cung tiến tác phẩm của mình, được vua yêu thích, từ đó làm họa sĩ cho vua. Vừa đến kinh thành, Từ Dương đã được vua phong là “đệ nhất danh họa” và được trả lương bằng các họa sĩ nổi tiếng trong cung lúc bấy giờ.

Theo The Value