Bố mất mẹ tái giá, bác gái đã lượm ve chai nuôi anh khôn lớn. Ngày kết hôn, cô dâu khiến bà trở thành người được ngưỡng mộ nhất.
Không phải ruột thịt, mà còn hơn cả ruột thịt
Đây là một câu chuyện có thật, bố anh sau khi bị chết đuối, mẹ anh đã bỏ rơi anh tái giá, họ hàng thân thích đều xem anh như bệnh truyền nhiễm, mọi người đều hắt hủi xua đuổi không ai chịu nhận nuôi anh, chỉ có bác gái, một mình ngậm đắng nuốt cay nuôi anh khôn lớn.
Về sau, mọi người trong làng đều ngưỡng mộ bác gái ấy, khen con trai bác giỏi giang, con dâu hiếu thảo. Mẹ hiền con thảo, thật đúng là khổ tận cam lai!
*****
Bố mất mẹ tái giá, người thân họ hàng đều hắt hủi tránh xa, xem tôi như bệnh truyền nhiễm
Nghe ông bà nội nói, khi tôi mới được 1 tuổi, bố tôi chèo thuyền ra giữa sông đánh cá không may bị chết đuối. Khi tôi được 3 tuổi thì mẹ tôi tái giá, từ đó về sau không bao giờ trở về thăm tôi lấy một lần.
Bác gái (vợ của người bác thứ hai) bởi không sinh đẻ được, kết hôn đã mấy năm mà vẫn không có con, liền bảo bác trai hãy nhận nuôi tôi.
Bác trai và bác gái đều vô cùng yêu thương tôi, đã cho cho tôi một tuổi thơ ấm áp. Nhưng mà, năm tôi được 9 tuổi, bác trai vì căn bệnh ung thư nên đã ra đi mãi mãi.
Bác gái đau đớn khóc đến tưởng như chết đi sống lại, ngày chôn cất bác trai, bác gái nắm chặt lấy tay tôi nói rằng: “Sau này, hai mẹ con chúng ta phải nương tựa nhau mà sống”.
Lúc đó, ông nội mở một cuộc họp gia đình, bác trai cả, chú ba và các chú đều đến cả, ông nội hỏi họ có ai đồng ý nhận nuôi tôi không.
Bác trai cả nói, bác ấy đã lớn tuổi rồi, không có khả năng để nuôi tôi nhiều năm như vậy.
Chú ba thì nói nhà chú còn phải gánh vác nhà đình, nhà chú đã có đến ba người con.
Chú tư nói, vợ chú ấy không đồng ý…
Họ đã tìm đủ mọi lý do để tránh xa cái thứ “ôn dịch” như tôi, muốn đẩy tôi xa được chừng nào hay chừng nấy.
Lúc này, bác gái đã đến, bác lớn tiếng nói rằng: “Tôi sẽ nuôi, các bác các chú không cần phải quản”.
Sau đó, bác ấy đi vào nắm chặt lấy tay tôi rồi đi vội ra ngoài, ông nội hít một hơi thuốc, nói: “Con vẫn còn rất trẻ, còn có cơ hội kiếm được một người đàn ông tốt, một mình nuôi con như vậy, tương lai sau này sẽ thế nào đây!”.
Bác ngẩn người một lúc, giọng tức giận hét lên một câu: “Vậy con không tái giá nữa, được chưa!”. Ngay tức khắc, cả nhà đều im lặng không nói nên lời.
Bác gái nhặt ve chai kiếm tiền cho tôi ăn học
Từ đó về sau, mẹ nuôi tôi nỗ lực hơn bất cứ ai, một thân một mình trồng mấy mẫu ruộng, còn nhặt ve chai để kiếm thêm khoản tiền sinh hoạt.
Tôi sẽ không bao giờ quên được, cuối tuần khi về đến nhà, tôi đều giúp mẹ làm việc, mỗi ngày tan trường tôi đều nấu cơm giặt giũ giúp mẹ.
Bác ấy lúc nào cũng bận rộn, nhưng chưa từng để cho tôi phải thiếu thốn cái ăn cái mặc, mẹ nuôi tôi luôn dành hết thảy những gì tốt nhất cho tôi.
Bản thân tôi cũng không chịu thua kém, thi đỗ trung học, cao đẳng, đại học.
Hôm tôi thi đậu đại học, bác ấy khóc một mình trong phòng, ôm lấy di ảnh của bác trai, nói: “Con trai của chúng ta thật sự rất xuất sắc, anh có nhìn thấy không?”.
Trong khoảng thời gian học đại học, bác gái hàng tháng đều gửi phí sinh hoạt cho tôi đều đặn, có những lúc còn gửi thêm cho tôi vài triệu đồng.
Có lần nghỉ hè trở về quê nhà, tôi phát hiện trong nhà không có thứ gì ăn, về sau tôi mới biết bác ấy vì để dành tiền, chỉ ăn đồ hộp và rau trồng trong sân vườn của mình trong suốt một thời gian dài, rất ít khi đi ra chợ mua đồ ăn.
Bác gái mỗi lúc một gầy đi, da cũng càng lúc càng đen sạm, vì tôi mà bác ấy đã từ bỏ cuộc đời tốt đẹp của mình.
Ngày hôn lễ, bác gái đã trở thành người được toàn hội trường ngưỡng mộ nhất
Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi đã đi làm và quen biết Lệ Phương. Cô ấy cũng xuất thân từ quê nghèo, rất siêng năng, cũng rất hiếu thuận với cha mẹ.
Khi nghe tôi kể lại câu chuyện của cuộc đời mình, cô nói sau này nhất định sẽ hiếu thuận với mẹ tôi. Tôi cũng nói, tôi cũng sẽ hiếu thuận với bố mẹ cô ấy.
Hai chúng tôi cùng nhau gây dựng sự nghiệp trong 5 năm, đã có nhà có xe, năm trước tôi đã cầu hôn với cô ấy. Chúng tôi không tổ chức lễ cưới trong nhà hàng, mà tổ chức đám cưới ở nông thôn.
Vợ tôi nói: “Hãy để cho mọi người trong làng được nhìn thấy niềm tự hào của mẹ, bà ấy cả đời này đã hy sinh cho anh quá nhiều, cũng rất cực khổ rồi!”.
Ngày kết hôn, vợ tôi đã tặng một chiếc lắc tay bằng vàng cho mẹ nuôi tôi, mọi người trong làng đều không khỏi ngưỡng mộ.
Lúc vợ đeo cái lắc tay cho mẹ nuôi tôi, nói: “Mẹ, mẹ lại có thêm một cô con gái nữa, sau này con sẽ hiếu thuận với mẹ, yêu thương mẹ, xem mẹ giống như là mẹ ruột của con vậy”.
Một câu nói đơn giản như vậy, bác gái xúc động cười đến nước mắt tuôn trào ra
Về sau, người trong làng nhìn thấy mẹ nuôi tôi đều nói: “Số bà tốt thật, con trai thành đạt, cô con dâu lại rất hiếu thuận”. Mẹ luôn cười không ngậm được miệng.
Gần đây, tôi muốn đón mẹ lên thành phố sống chung với hai vợ chồng tôi. Những mẹ nói, mẹ không nỡ bỏ lại những đàn gà đàn vịt nơi quê nhà, không nỡ bỏ lại vườn rau, không nỡ bỏ lại hết thảy mọi thứ trong ngôi nhà này…
Cái làng quê chứa đầy hồi ức này, bởi vì có mẹ nuôi tôi mà trở nên đặc biệt, nhiều lúc khiến lòng tôi không khỏi chua xót.
“Mẹ, ở nhà mẹ hãy ráng giữ gìn sức khỏe, chăm sóc tốt cho bản thân, con sẽ thường xuyên trở về thăm me. Mẹ hãy yên tâm, cả đời này con sẽ luôn là hy vọng và nơi nương tựa của mẹ…”
Hạnh phúc không nằm ở chỗ có được, mà ở chỗ biết cảm ân.
Hãy luôn trân quý những người đã hy sinh và yêu thương chúng ta.
Cầu chúc cho họ mãi mãi mạnh khỏe, hạnh phúc …
Tiểu Thiện, dịch từ Cmoney