Tinh Hoa

Bộ ảnh 100 năm trước giúp cải cách luật lao động trẻ em ở Mỹ

Các nhiếp ảnh gia đã chụp được loạt ảnh về những lao động trẻ em trong các hầm mỏ ở Mỹ 100 năm trước khiến người xem không khỏi xót xa. Và chính những bức ảnh này đã giúp cải cách luật lao động trẻ em ở Mỹ.

Một cậu bé đang xúc đá trong một hầm mỏ tại bang Tây Virginia, Hoa Kỳ. (Tác giả:Lewis Hine)

Một trong những hành vi được xem là không thể chấp nhận nhất là bóc lột sức lao động trẻ em. Ngày nay, một số người nghĩ rằng việc bắt trẻ em làm việc chỉ có trong tiểu thuyết. Tuy nhiên, một số người khẳng định bóc lột lao động trẻ em vẫn là một thực tế phổ biến ngày nay.

Mặc dù lao động trẻ em thường được coi là một mặt của cuộc cách mạng công nghiệp, nhưng nó đã xuất hiện sớm hơn. Trẻ em trong các gia đình nghèo khó luôn phải làm việc ngay khi có thể đóng góp vào tài chính của gia đình. Tuy nhiên, trong thời kỳ tiền công nghiệp, không có nhiều lựa chọn việc làm cho trẻ em. Và khi công nghiệp hóa bùng nổ, điều đó đã thay đổi.

Những khu mỏ và nhà máy mới mọc lên cần rất nhiều người lao động có thể làm những công việc đơn giản, và các ông chủ nhà máy đã sớm nhận ra trẻ em là sự lựa chọn hoàn hảo cho những việc này. Chúng dễ bảo, không hay phàn nàn, đồng thời họ có thể dễ dàng kiểm soát và trả một mức lương ít ỏi. Điều này đã đặt ra những thách thức mới cho xã hội. Một số nghiên cứu cho thấy trẻ em thường phải bắt đầu làm việc từ khi mới 8 tuổi.

(Tác giả:Lewis Hine)

Đến năm 1900, các bang ở Mỹ có thể được phân biệt bằng việc cho phép lao động trẻ em hay thi hành một số tiêu chuẩn nhất định. Ở miền Bắc, sự phản đối loại hình lao động này tăng cao, làm cho nhiều công ty phải di dời xuống miền Nam.

Trẻ em Mỹ chủ yếu làm việc trong các nhà máy nông nghiệp, dệt vải và thủy tinh. Ngoài ra còn cả trong các khu hầm mỏ, hay làm các công việc việc như quét ống khói, quét rác,… Họ thường phải leo lên những chiếc máy nguy hiểm để lau chùi, dọn dẹp bụi bặm, rác rưởi.

Dĩ nhiên, tất cả những công việc này đều nguy hiểm đối với trẻ em, hơn nữa, chúng còn bị ép làm nhiều giờ mà hiếm khi được trả lương xứng đáng. Đối mặt với môi trường làm việc khắc nghiệt như vậy, những công nhân trẻ em này nhiều khi phải chịu vô số thương tích.

Một lái xe nhỏ tuổi làm việc ở Brown, West Virginia. Cậu bé này từng làm lái xe chở động vật trong một năm và làm việc từ 7h – 17h30 mỗi ngày. (Tác giả:Lewis Hine)

Đến đầu thế kỷ 20, một số người tiến bộ ở Mỹ đã cùng nhau thành lập Uỷ ban Lao động Trẻ em Quốc gia (NCLC) nhằm chấm dứt việc bóc lột lao động trẻ em. Trong những năm sau đó, chính phủ liên bang đã cơ cấu và thành lập Vụ Trẻ em trong văn phòng Bộ Lao động. NCLC đã đưa ra một số chiến lược nghiên cứu với sự giúp đỡ của một số nhiếp ảnh gia, mục tiêu của họ là điều tra và thu thập tài liệu về lao động trẻ em trong các ngành công nghiệp khác nhau.

Một trong những nhiếp ảnh gia đó là nhà xã hội học Lewis Hine, người đã nghỉ công việc giáo viên và tham gia NCLC. Ông đã ghi lại các trường hợp lao động trẻ em trên khắp nước Mỹ, đặc biệt là về điều kiện làm việc khắc nghiệt và những khó khăn mà những đứa trẻ này phải đối mặt. Ông Hine tin chắc rằng hình ảnh là một phương tiện mạnh mẽ có thể mang lại nhận thức và sự thay đổi cho thế giới.

Ông đã đến thăm rất nhiều nơi trên khắp đất nước, vào các nhà máy, khu mỏ và công xưởng, nơi ông lấy tài liệu về những nhân công trẻ em có khi mới chỉ 4 tuổi. Hine hầu như không được các ông chủ ở đó hoan nghênh, vì vậy ông đã phải triển khai nhiều chiến lược khéo léo khác nhau để có thể phỏng vấn và chụp hình những đứa trẻ.

Những cậu bé ở ở Tây Virginia năm 1911. (Tác giả:Lewis Hine)

Đó là công việc của Hine cũng như các nhiếp ảnh gia khác tham gia vào hoạt động của NCLC. Và kết quả của những việc này là Bộ luật Tiêu chuẩn Lao động đã được thông qua vào năm 1916. Đạo luật này đưa ra các tiêu chuẩn cho lao động trẻ em, như thời gian làm việc 8 giờ một ngày, không sử dụng lao động chưa thành niên dưới 16 tuổi làm việc vào ban đêm, và độ tuổi tối thiểu cho lao động trẻ em là 14 tuổi.

Công việc của Hine đã được Joe Manning, một người làm công tác xã hội về hưu công bố ra công chúng vào năm 2004. Vì quyết định tìm hiểu sâu hơn về cuộc sống của những đứa trẻ đó, ông đã xem lại những bức ảnh của Hine và đăng chúng lên trang web MorningsOnMapleStreet.

Công nhân hầm mỏ ở Tây Virginia. (Tác giả:Lewis Hine)
Cậu bé Shorpy Higginbotham làm việc tại mỏ dầu ở Tây Virginia. (Tác giả:Lewis Hine)

Công nhân trong một khu mỏ ở bang Tây Virginia. (Tác giả:Lewis Hine)

Hồng Liên biên dịch