Nhạc Phi là vị tướng lỗi lạc nhà Nam Tống. Đội quân của ông đã chiến đấu với quân Kim 126 trận và toàn thắng. Quân Kim về thực lực ban đầu được đánh giá là vượt trội so với quân Nam Tống, vậy Nhạc Phi đã sử dụng chiến thuật gì để có thể toàn thắng trước đội quân hùng mạnh của nhà Kim?
Trong truyện Thủy Hử có nói về binh Pháp sử dụng Câu Liêm Thương, Thi Nại Am mô tả Câu Liêm Thương như một thứ vũ khí lợi hại có thể dùng để phá trận pháp “Thiết giáp liên hoàn mã”.
Câu liêm thương có một lưỡi nhọn và một cái móc câu khá lớn, và có một điểm đặc biệt là cán làm bằng loại gỗ đàn hồi rất tốt. Đâm mạnh, xoay 90 độ rồi rút về thật nhanh là thao tác cơ bản của loại thương này. Nó có thể dùng để móc chân ngựa đối phương, móc vũ khí, phá khiên hay thậm chí có thể lấy đầu đối phương trong tích tắc. Tuy nhiên, trong lịch sử thứ vũ khí lợi hại này được ghi nhận lại chính là do Nhạc Phi sử dụng, dùng để đánh bại quân Kim. Có lẽ Thi Nại Am lấy cảm hứng từ đây mà đưa vào Thủy Hử, tạo nên cốt truyện vừa chân thực vừa sống động về cuộc chiền của các anh hùng Lương Sơn Bạc.
Nhạc Phi đánh bại quân Kim
Nhạc Phi là người có võ nghệ cao cường, sống luôn vì mọi người, tính tình chính trực, luôn quan tâm đến binh sỹ. Đội quân Nhạc Phi chiến đấu dũng mãnh, kỷ luật nghiêm minh, khiến cho quân Kim chỉ nghe đến đã hoang mang. Bách tính rất hoan nghênh đội quân này. Vào lúc quân đoàn của Nhạc gia hùng mạnh, lên đến 20 vạn người, đã kinh qua mười mấy năm chiến đấu, luôn luôn bảo trì lực lượng chiến đấu dồi dào, thật là hiếm thấy.
Quân của Nhạc Phi lúc đương thời là lực lượng chủ yếu chống lại quân Kim, liên tục thu hồi lại được đất đai bị mất. Năm 1140 diễn ra một chiến dịch trứ danh gọi là “Đại chiến Yển Thành”. Trận chiến này là trận đọ sức giữa đội quân do chủ soái Nhạc Phi dẫn đầu với quân Kim do Kim Ngột Thuật cầm đầu.
Binh khí của quân Kim là áo giáp sắt và quải tử ngựa (ngựa có khả năng quay đầu ngay lập tức), nhờ có quân đội tinh nhuệ cùng với khả năng tác chiến lợi hại nên quân Kim rất coi thường quân của Nhạc gia.
Quân áo giáp sắt là đội kỵ binh chủ lực, đầu đội mũ giáp sắt hình tháp, thân mặc áo giáp sắt, trên ngực ngựa cũng choàng giáp sắt, đây là đội quân xông trận chính. Đội quải tử ngựa là đội kỵ binh mỏng, phân bố đều ở hai bên. Khi tác chiến, đội áo giáp sắt đi tiên phong, tiến về phía trước mà càn quét, quải tử ngựa ở hai bên cánh tấn công phối hợp.
Nhạc Phi bày kế sách để đối đầu với thế trận này như sau: mỗi một đại khiên do hai binh sỹ phối hợp cầm, đại khiên được chế tạo rất đặc biệt, to gấp đôi so với khiên bình thường, mặt sau của đại khiên hai bên có hai tay nắm bên trên và dưới, hai binh sỹ mỗi người giữ một tay nắm, binh sỹ giữ tay nắm phía trên thì tay trái cầm một đại đao dùng để chặt đầu người, binh sỹ giữ tay nắm phía dưới thì tay phải cầm song đao lưỡi cong dùng để chặt chân ngựa. Nhờ đối sách này Nhạc Phi đã phá được đội hình áo giáp sắt của quân Kim.
Để tiêu diệt quân quải tử ngựa, binh sỹ được trang bị cây thương dài, đầu cây thương có cái móc, gọi là thương móc ngựa, làm ngã quải tử ngựa. Trong trận Yển Thành, đội quân của Nhạc Phi khi đó là đội quân tinh nhuệ nhất, do Nhạc Vân (con trai của Nhạc Phi) cùng với hai vị tướng là Chương Mãnh và Lý Tề chỉ huy. Quân Kim khi đó nghe đến quân của Nhạc gia là đã sợ thất kinh, bởi lực lượng chiến đấu của Nhạc gia quá hùng mạnh, không hề ham sống sợ chết.
Dân chúng vô cùng ủng hộ đội quân của Nhạc gia, thường mang đồ ăn tới để ăn mừng chiến công. Sau khi chiếm lĩnh được một thành trì, dân chúng ra xếp hàng hai bên đường để hoan nghênh.
Sau khi đại bại ở Yển Thành, Kim Ngột Thuật đã khóc nức nở mà thoái lui, quân Nhạc gia thừa thắng chiếm lĩnh được rất nhiều thành trì, mở rộng bờ cõi. Nhưng Cao Tông Triệu Cấu nghe lời Tần Cối xúi bẩy, sợ rằng nghênh đón hai vị vua Huy Tông và Khâm Tông trở về thì sẽ mất ngôi vị, cuối cùng liên tiếp gửi đi 12 đạo Kim Bài thúc giục Nhạc Phi hồi binh. Ngày hồi binh, tiếng khóc của người dân làm chấn động không gian, có một số người còn đi theo đội quân xuống phía Nam. Tần Cối vẫn không từ bỏ tâm địa gian trá, hãm hại Nhạc Phi, khép vào tội danh “không cần có” mà sát hại Nhạc Phi.
Đội quân Nhạc gia sau khi Nhạc Phi bị sát hại, đã vô cùng phẫn uất đau thương muốn giết Tần Cối để báo thù, nhưng vì giữ gìn thanh danh “tinh trung báo quốc” của chủ tướng, nên chỉ có thể ôm lấy uất ức đến bạc đầu.
Sau khi Nhạc Phi chết, quân Kim ở phương Bắc uống rượu ca hát, ăn mừng vì không còn đối thủ. Năm 1141, triều đình Nam Tống ký hòa ước và chấp nhận nhân nhượng toàn bộ miền bắc Trung Quốc cho nhà Kim, ngoài ra hàng năm còn phải tiến cống vàng bạc và vật phẩm cho nhà Kim để đổi lấy hòa bình.
Theo Chánh Kiến