Tinh Hoa

Biến khó khăn thành hài hước – Những câu chuyện xưa thú vị

Cùng một sự việc, cùng một tình huống, nhưng đối với bậc trí giả sẽ có cách nhìn nhận thoáng đãng, biến khó khăn thành đơn giản, biến nguy nan thành hài hước. Hãy cùng đọc những câu chuyện thú vị dưới đây.

(Ảnh minh họa qua DKN)

Chuyện 1: Ngũ Tử Tư gặp nạn

Ngũ Tử Tư, hay Ngũ Viên, là con một viên quan đại thần nước Sở trong thời Xuân Thu. Khi cha ông bị người vu khống hãm hại, ông đã cố gắng thoát sang nước Ngô. Sau đó, ông đã để lại một câu chuyện huyền thoại về một đời phò tá giúp vua Ngô.

Khi ông chạy từ Sở sang Ngô, một viên quan biên phòng bắt ông và muốn đưa ông về kinh để nhận thưởng lớn. Ngũ Viên rất lo lắng. Ông biết rằng nếu ông không thể vượt qua được khó khăn này, ông sẽ phải chết.

Ngũ Viên thở dài và than thở, “Ông có thể không biết điều này. Nhà vua nước Sở truy lùng tôi bởi vì ông ta nghĩ rằng tôi có rất nhiều báu vật. Bây giờ, nếu ông đưa tôi về, tôi biết là tôi sẽ không sống được. Tôi sẽ nói với vua Sở rằng ông có tất cả kho báu của tôi. Tôi chắc là ông ta sẽ ban thưởng cho ông một cách hào phóng”. Viên quan suy nghĩ một lúc rồi thả Ngũ Viên đi.

Trong một thời điểm quan trọng, phải đối mặt giữa sự sống và cái chết mà không sợ, Ngũ Viên đã chứng tỏ trí sáng suốt của mình. Ông không sử dụng vũ lực, không cầu xin lòng thương xót và không hối lộ viên quan chức này. Ông chỉ biến lòng tham lam tiền thưởng của viên quan chức thành nỗi lo sợ bị tố cáo hành vi bất lương. Ông đã giải quyết khó khăn của mình bằng cách chuyển một tình huống nghiêm trọng thành ra một tình huống hài hước.

Chuyện 2: Lấy được một con lừa

Trong thời kỳ Tam Quốc, Gia Cát Khác và cha của ông là Gia Cát Cẩn đều làm quan thượng thư tại hoàng cung. Gia Cát Khác là một học giả trẻ nổi tiếng và trở thành một quan thượng thư khi tuổi mới hai mươi. Gia Cát Cẩn có một khuôn mặt rất dài và gầy như một con lừa, nhiều quan lại trong cung thường lấy đó mà trêu chọc ông.

Một lần, vua Ngô làm một bữa tiệc lớn thiết đãi tất cả các quan thượng thư trong triều. Đột nhiên, ông sai người mang tới một con lừa nhỏ đáng yêu. Trên mặt của con lừa có một mảnh giấy ghi “Gia Cát Cẩn”. Mọi người phá ra cười. Gia Cát Khác hỏi nhà vua liệu ông có thể mượn cây bút để bổ sung thêm vài chữ nữa được không. Nhà vua đồng ý.

Gia Cát Khác ngay lập tức thêm 2 chữ “chi lư”, nghĩa là “con lừa của Gia Cát Cẩn”. Nhà vua và quần thần đều rất vui vẻ. Cuối cùng Gia Cát Cẩn đã mang về nhà con lừa nhỏ đáng yêu. Trò đùa ác của vua để giải trí cho tất cả các quan thượng thư đã trở thành vui vẻ đầy hòa khí nhờ trí thông minh sáng suốt của Gia Cát Khác.

Chuyện 3: Chuột sợ gì nhất?

Một lần, một viên quan vẽ một con hổ và treo nó lên tường. Một người đầy tớ đến và nhìn. Mặc dù bức tranh không giống như một con hổ, nhưng đầy tớ này giỏi nịnh hót nên bèn nói với viên quan rằng con hổ trông thật là dữ tợn. Viên quan vui lắm, bèn thưởng cho anh ta.

Đầy tớ thứ hai trung thực nói rằng nó trông như một con mèo. Anh này liền bị quở trách.

Đầy tớ thứ ba nói, “Ông chủ ơi, tôi sợ trả lời lắm”.

“Cậu sợ gì?”.

“Dạ, sợ ông chủ”.

“Tôi thì sợ gì?​​”

“Sợ một con sói lớn, thưa ông chủ”.

“Một con sói lớn thì sợ gì?”

“Thưa ông chủ, sợ một con voi lớn”.

“Một con voi lớn thì sợ gì?”

“Sợ một con chuột thưa ông chủ”.

“Một con chuột thì sợ gì?”

“Cái con ở trong tranh, thưa ông chủ!”.

Chuyện 4: Cuộc hôn nhân của công chúa Văn Thành

Vua Thổ Phồn và công chúa Văn Thành

Thời vua Thổ Phồn của Tây Tạng (617-650 sau công nguyên) còn trẻ, có tài năng và học vấn. Ông đã chinh phục nhiều nhóm dân tộc lân cận và thiết lập một mối quan hệ tốt với hoàng đế của triều đại nhà Đường. Năm 640, ông gửi Tể tướng của mình mang những lễ vật quý giá tới hoàng đế nhà Đường và muốn hỏi cưới công chúa Văn Thành.

Đường Thái Tông chấp thuận cuộc hôn nhân này. Từ khi mối quan hệ bang giao bắt đầu, vua Tây Tạng đã xin cưới công chúa 4 lần. Cuối cùng thì ước nguyện thành hôn của ông cũng được ưng thuận.

Tuy nhiên, theo truyền thuyết dân gian, câu chuyện có thú vị và lãng mạn hơn đôi chút. Công chúa Văn Thành không chỉ xinh đẹp mà còn rất thông minh.Theo truyền thuyết, công chúa đã gửi một thông điệp tới tất cả những người cầu hôn cô. Cô nói với họ rằng cô sẽ chỉ kết hôn với một người có thể hỏi một câu hỏi mà cô không thể trả lời. Nhiều người đến cầu hôn và hỏi cô đủ kiểu câu hỏi, nhưng công chúa Văn Thành đã trả lời được tất cả.

Khi Thổ Phồn đến gặp công chúa, chàng nói: “Thưa công chúa, ta nên hỏi câu hỏi thế nào đây để nàng sẽ trở thành phu nhân của ta?”.

Trên đời có hàng triệu câu hỏi, nhưng nhà vua Tây Tạng không hỏi về chiêm tinh học cũng như về lịch sử và văn hóa. Ông thật thông minh khi đã đưa ra một câu hỏi độc đáo như vậy. Câu hỏi ấy nhã nhặn và lịch sự, nhưng nó làm cho đối phương không nói nên lời. Công chúa Văn Thành không có lựa chọn nào khác cả và kết hôn với quốc vương Thổ Phồn.

Chuyện 5: Bóng tối là gì?


Cuộc đối thoại giữa một đại sư lỗi lạc từ một ngôi đền thờ Phật cổ xưa và một người vô thần.

Đại sư: Thí chủ, trên thế giới này, thí chủ không tin vào điều gì nhất?

Người vô thần: Tôi tin những gì nhìn thấy là đáng tin và những gì không nhìn thấy là không đáng tin.

Đại sư: Ồ, thưa thí chủ, thí chủ quả là một người rất thật thà. Nhưng, thí chủ thấy đấy, có một cung điện to lớn, trông thật lộng lẫy với vàng bạc và những thảm cỏ xanh, nguy nga tráng lệ trước mắt thí chủ 100m. Nhưng khi màn đêm buông xuống, bóng tối bao trùm tất cả, thí chủ có nghĩ là cung điện ấy không tồn tại không?

Người vô thần: Dĩ nhiên nó vẫn tồn tại chứ, nhưng chỉ có điều nó đã bị bóng đêm che lấp.

Đại sư: Vậy thì bóng tối là gì?

Người vô thần: À….

Đại sư: Vào ban đêm, thí chủ tin vào bóng tối? Và ban ngày, thí chủ lại tin vào ánh sáng sao?

Người vô thần: À….

Đại sư: Thưa thí chủ, trên thực tế, thí chủ chỉ nhìn thấy những thứ mà thí chủ có thể thấy. Cung điện rộng lớn ở kia sẽ mãi chẳng chuyển dời, chỉ có tâm lý và trí tuệ của thí chủ bị bao trùm bởi bóng đêm, cho nên đại điện đó đã biến mất trong tâm của thí chủ.

Người vô thần (chắp 2 tay trước ngực biểu lộ sự tôn kính): Xin đại sư vĩ đại hãy giải thích rõ hơn cho tôi?

Đại sư: Tất cả mọi điều làm rối loạn trái tim thí chủ cũng giống như bóng đêm mơ hồ vô biên này, chỉ có hình thức của chúng là khác nhau thôi. Vạn thứ tạo tác trong thế giới này cũng nhiều như số hạt cát sông Hằng, cho dù thí chủ có nhìn thấy chúng hay không, có cảm nhận thấy hay không, thì chúng vẫn ở đó.

Nếu thí chủ ngồi dưới một cái giếng mà nhìn lên trời thì sẽ rất khó hiểu được vũ trụ bao la này. Nói cách khác, không thể đánh giá qua việc nhìn thấy hay không nhìn thấy được. Và khi con người nhìn thế giới qua tròng mắt này thì cũng giống như ngồi trong giếng mà nhìn lên bầu trời vậy. Con mắt người chỉ có thể nhìn thấy những điều nhỏ bé vô cùng hữu hạn, và còn những thứ to lớn hơn không nhìn thấy nhưng vĩnh viễn tồn tại nơi đó.

 Tổng hợp