Các nhà khoa học cho biết, việc ấm nóng lên toàn cầu có thể khiến con người lùn đi.
Trong quá trình nghiên cứu về hóa thạch của ngựa, các nhà cổ sinh vật học đã phát hiện ra một mối liên hệ trực tiếp giữa kích cỡ của động vật có vú với nhiệt độ Trái đất. Cụ thể là, trong những thời điểm ấm nóng hơn thì động vật có vú lại phát triển cơ thể nhỏ bé hơn.
Theo tờ Daily Mail, các nhà nghiên cứu đến từ hai trường đại học ở Florida và Nebraska (Mỹ) đã sử dụng hóa thạch để tìm hiểu về sự tiến hóa của loài ngựa từ tổ tiên xa xưa nhất của chúng, xuất hiện cách đây khoảng 56 triệu năm. Tiến sĩ Jonathan Bloch, người phụ trách Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Florida cho biết, khi nhiệt độ tăng lên thì kích thước của các con ngựa giảm xuống, và ngược lại. Tổ tiên xa xưa nhất của loài ngựa từng được biết đến là Sifruhippus. Chúng xuất hiện trên hành tinh trong giai đoạn được gọi là tối đa nhiệt Paleocene-Eocene. Đây là thời kỳ ấm nóng kéo dài 175.000 năm, khi việc tăng các-bon mônôxít làm nhiệt độ tăng dần thêm 10 – 20 độ. Nghiên cứu hóa thạch thu thập ở lòng chảo Bighorn của bang Wyoming, các nhà cổ sinh vật học đã lần theo dấu vết tiến hóa của Sifrhippus từ một động vật nặng 5,4kg (kích thước cơ thể tương đương một con chó nhỏ ngày nay), co rút dần suốt 130.000 năm xuống còn kích thước của một con mèo nhà nhỏ, nặng chừng 3,9kg, rồi sau đó tăng lên tới khoảng 6,8kg trong 45.000 năm tiếp theo. Nhóm nghiên cứu nhận định, sự ấm nóng lên toàn cầu hiện nay có thể tạo ra cùng tác động đối với động vật có vú. Điều đó có nghĩa là, biến đổi khí hậu thậm chí có thể khiến con người trở nên thấp hơn. Những phát hiện trên đã dấy lên một câu hỏi về việc các động vật trên Trái đất có thể ứng phó với biến đổi khí hậu trong tương lai như thế nào. Thanh Bình
|
Theo VietnamNet