Sau mỗi mùa Tết, vấn đề tăng cân lại trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người.
Nhiều người quan niệm, mỗi năm chỉ có một dịp Tết để ăn chơi, thư giãn thế nên: “Tết mà phải kiêng khem thì còn gì thú vị”, “mâm cao cỗ đầy lại phải có chất ‘cay’ của rượu bia đưa đẩy mới thêm phần vui vẻ”. Việc chơi khuya, sinh hoạt xáo trộn, bỏ bê vận động đều “không thành vấn đề” vì “Tết có mấy ngày chứ nhiêu”.
Và khi qua Tết, thức ăn dự trữ vẫn còn nhiều thì các chị em nội trợ lại ăn cố, ăn gắng mặc dù các chuyên gia dinh dưỡng đã khuyên “cảnh giác” với bánh chưng, bánh tét, bánh mứt ngọt, thịt quay, thịt mỡ kho…
Chính vì những lý do đó mà sau mỗi mùa Tết, vấn đề cân nặng trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người.
Thay đổi phong tục tập quán về mâm cơm ngày Tết
Đây là việc làm thật khó khăn đối với những gia đình sống nhiều thế hệ, nhưng nếu bạn quyết tâm cũng vẫn có thể làm được. Thay những đĩa giò mỡ bằng khoanh giò lụa, thay bát canh măng nấu chân giò bằng bát canh măng chua nấu cá; hoặc chỉ nấu với một ít sườn thăn; hoặc thay bằng bát canh thập cẩm gồm: nấm tươi, tôm nõn và vài viên mọc; hoặc bát canh bí xanh nấu tôm nõn; thay đĩa nem rán bằng đĩa nem cuốn…
Ngoài việc thay thế các món ăn bạn cũng nên giảm bớt các món ăn trong mâm cỗ, không nhất thiết cứ phải “5 bát, 7 đĩa” như trước kia mà chỉ cần 3 – 4 món. Mâm cỗ cúng ông bà tổ tiên cốt là tấm lòng thành của con cháu nhớ đến tổ tiên, chứ đâu cần đến mâm cao cỗ đầy. Chúng ta đừng lo mâm cơm “đạm bạc” mà chỉ lo tấm lòng “đạm bạc”.
“Tỉnh táo” lựa chọn thực phẩm
Thông thường ngày Tết chúng ta thường chú trọng mua nhiều thịt, cá, gà, ngan, giò chả… mà thường ít mua rau, thì bây giờ hãy làm ngược lại, mua rau quả nhiều hơn, giảm ăn thịt, tăng ăn tôm, cua, cá…
Một số loại rau quả có tác dụng giảm béo, tốt cho sức khỏe nên tích trữ trong ngày Tết như: rau cần, rau cải xoăn, cải bó xôi, cải bắp, bí xanh, củ cải, dưa chuột. Bạn cũng đừng quên muối một vại dưa cải và một vại hành. Bưởi, cam, quýt, lê, thanh long, táo, dưa hấu… là các loại quả không làm tăng cân; nên hạn chế xoài, nhãn, na, nho ngọt.
Nên chuẩn bị một số loại đặc sản như: cua đồng, ốc, ngao, tôm, mực tươi để làm cơm đãi bạn bè, người thân. Thật là thú vị và ngon miệng nếu trong những ngày Tết được ăn các món dân dã như: bún riêu cua, bún ốc, bún đậu phụ, canh ngao chua, hay món lẩu hải sản thật nhiều rau tươi để đãi khách.
Hạn chế mua bánh, mứt, kẹo, rượu, bia. Thay vào đó là các loại trái cây tươi, chè xanh để tiếp khách, bạn bè.
Uống ít rượu, bia: Điều này không chỉ hạn chế sự tăng cân của bạn mà còn giúp đầu óc minh mẫn và khỏe khoắn hơn để thưởng thức hết không khí vui vẻ của ngày Tết.
Khi ăn giao lưu là chính
Thức ăn ngon trong ngày Tết luôn lôi cuốn bạn nhưng thay vì chăm chăm ăn uống, hãy dành thời gian giao lưu, chia sẻ với mọi người. Bữa tiệc sẽ hết “tẻ” còn bạn thì chẳng thể ăn nhiều vì còn đang bận rộn “trêu chọc” mọi người. Nên rời bàn ăn khi còn cảm giác chưa no.
Vẫn giữ bữa ăn, giờ ăn giống ngày thường
Nên bỏ tư tưởng tích trữ trong ngày Tết. Những năm gần đây thường chỉ ngày mồng 1 Tết là không có chợ, từ mồng 2 Tết chợ lại họp bình thường, vì vậy bạn không nên tích trữ quá nhiều thức ăn, để lâu ngày bị hỏng lãng phí, ăn vào thì rối loạn tiêu hóa hoặc phải ăn cố dẫn đến tăng cân.
Không nên nhịn ăn sáng để đi chúc Tết hoặc đi chơi, vì nhịn ăn sáng bạn sẽ ăn nhiều hơn về bữa trưa và tối, không nên ăn quá 3 bữa/ngày.
Uống đủ nước
Trong những ngày Tết, vào tháng giêng thời tiết cũng hay thay đổi thất thường, phần lớn là lạnh hanh khô, nên cần uống một lượng nước vừa đủ hàng ngày để bổ sung nước cho cơ thể, nên uống từ 1,5 – 2 lít/ngày. Uống nhiều nước cũng giúp bạn giảm ăn.
Nên uống nước lọc, các loại nước quả hoặc chế biến thành nước sinh tố ít đường như nước ép dưa chuột, bí xanh, cà rốt, củ đậu… để cung cấp vitamin và khoáng chất cho cơ thể mà lại không bị tăng cân. Hạn chế tối đa rượu bia và các loại nước uống có ga.
Theo ThS.BS. Lê Thị Hải/ SK&ĐS