Nghệ thuật trên đời đòi hỏi sự chuyên chú, đặt tâm vào công việc của mình, như vậy mới có thể tạo ra những tác phẩm hoàn mỹ nhất, tựa như được chư thần bang trợ.
Nước Lỗ vào thời Xuân Thu, có một thợ mộc chuyên điêu khắc gỗ, tên là Khánh. Anh ta dùng gỗ chế tác thành giá treo chuông và đỡ trống, sản phẩm tạo ra vô cùng tinh xảo, ai nấy trông thấy đều ngạc nhiên thốt lên: “Quỷ phủ thần công!”, ý rằng tay nghề của anh tựa như có quỷ thần hiệp trợ.
Quốc quân nước Lỗ khi đó cũng trông thấy, không kìm nén được mà cất lời hỏi: “Rốt cuộc, ngươi dùng phép thuật gì mà làm được như thế?”.
Khánh trả lời rằng: “Tôi là người bình thường như bao người, nào đâu có phép thuật gì! Khi tôi chế tạo giá chuông trống này, lúc nào cũng tập trung tinh thần, không mang tạp niệm, không mong tưởng nhờ vào tác phẩm này mà mưu cầu công danh, ban thưởng, phong quan, thêm bổng lộc; chẳng màng đến hết thảy danh lợi, toàn bộ tinh thần đều chăm chú vào việc cân nhắc làm sao để có thể tạo ra được sản phẩm tốt.
Tôi vào rừng lên núi, cẩn thận quan sát đặc tính cây cối, đầu tiên là làm sao tìm cho được gỗ có chất liệu phù hợp, đồng thời trong tâm cũng đã hình dung được hình tượng chiếc giá trống muốn tạo thành, tiếp sau đó là thực hiện, tránh mọi thành kiến chủ quan cũng như tạo tác có dáng vẻ kệch cỡm. Phải chăng vì điều này mà mọi người cho rằng việc chế tác của tôi có sự hiệp trợ của quỷ thần?”.
Lời giải đáp của Khánh nói đúng ra chính là chân lý nghệ thuật: Làm sáng tác nghệ thuật, đòi hỏi sự chuyên chú, tập trung tinh thần, không được đầu cơ trục lợi.
“Tư chi, tư chi, quỷ thần thông chi”, ý rằng buông bỏ vọng niệm, quỷ thần hiệp trợ, trí tuệ được khai thông, đây là hiện tượng không phải không có. Thiên thượng ắt có sự hiệp trợ đối với người trung thành làm nghệ thuật, mọi thứ đều chỉ có thể ngộ chứ không thể cầu.
Hàn Mai biên dịch