Con người chúng ta biết đủ thứ, nhưng khi nói đến bản thân mình, chúng ta vẫn còn rất nhiều chỗ mê. Bộ não là một ví dụ. Và làm thế nào chúng ta trở thành con người?
Con người tự hào là một loài thông minh, đã có thể lái phi thuyền đổ bộ lên cả mặt trăng và sao Hỏa, phát hiện sự sống ở tận hàng chục km dưới lòng đất hay trong các lỗ phun khí dưới biển sâu, giải mã được hơn 200 bộ gen… Các nhà thiên văn của chúng ta đã phát hiện nhiều hành tinh giống Trái đất. Chúng ta đã nghiên cứu được lý do tuyệt chủng của loài khủng long, và nay các nhà vật lý tại Máy gia tốc hạt lớn (LHC) đã sắp khám phá thêm những bí mật của cơ học lượng tử.
Chúng ta biết đủ thứ, nhưng khi nói đến bản thân mình, chúng ta vẫn còn rất nhiều chỗ mê. Bộ não là một ví dụ. Và làm thế nào chúng ta trở thành con người?
Nhà văn khoa học Carl Zimmer năm 2003 đã viết: “Những điều nhân loại chưa biết về sự tiến hóa của mình vượt rất xa những gì chúng ta biết”.
Khi bàn về tiến hóa, có 3 vấn đề cho đến nay vẫn là chỗ mê của khoa học:
- Khoảng trống trong bước chuyển tiếp từ loài vượn hình người ở châu Phi để trở thành con người hiện đại khoảng 46.000 năm trước.
- Về mặt sinh học, tại sao chúng ta và loài tinh tinh có tới 99% mã gen giống nhau, nhưng lại trông quá khác biệt?
- Đặc tính con người – Tất cả những hành vi phân biệt chúng ta với các loài động vật linh trưởng khác đến từ đâu?
Hãy bắt đầu với biến cố bí ẩn khiến chúng ta đột nhiên trở thành con người hiện đại. “Ít có chủ đề nào trong ngành cổ nhân loại học lại gây tranh cãi nhiều như vấn đề bản chất của nhân loại và nguyên nhân dẫn đến sự biến đổi đáng kể trong hành vi của loài người từ Trung kỳ Đồ đá cũ đến Hậu kỳ Đồ đá cũ ở Châu Âu”, Paul Mellars, Giáo sư ngành Khảo cổ học và Tiến hóa nhân loại của Đại học Cambridge phát biểu vào năm 2005. (Trung kỳ Đồ đá cũ là thời kỳ con người tồn tại dưới hình dạng vượn người hoặc người cổ, trong Hậu kỳ Đồ đá cũ, con người thông minh hơn, biết sử dụng công cụ, ngôn ngữ, nghệ thuật…).
Dù người vượn cổ đã có bộ não lớn như chúng ta cách đây 600.000 năm, nhưng họ không hề biết sáng tạo nghệ thuật, văn hóa, sử dụng ngôn ngữ hay bất cứ thứ gì khác cho thấy sự khác biệt giữa người và vượn (gọi tắt là kỹ năng con người’). Từ Trung kỳ Đồ đá cũ lên Hậu kỳ Đồ đá cũ được xem là bước nhảy vọt của nhân loại, là “cách mạng loài người” hay “bình minh của văn hóa nhân loại”… nhưng cho đến nay vẫn chưa ai giải thích thỏa đáng vì sao lại có bước nhảy vọt về hành vi giữa người Trung và Hậu kỳ Đồ đá cũ.
Một tác phẩm 77.000 năm tuổi bằng đất son tìm thấy trong một hang động khai quật ở Nam Phi. Đây được xem là tác phẩm nghệ thuật sớm nhất của loài người.
Một quan niệm phổ biến là cuộc “cách mạng” Hậu kỳ Đồ đá cũ đã bắt đầu ở châu Phi. Những phát hiện mới nhất cho thấy kỹ năng con người đã xuất hiện rải rác ở châu Phi từ cách nay 300.000 năm. Nhưng sự xuất hiện đó rất lẻ tẻ chứ không có tính “cách mạng”, tức trên quy mô lớn, ở toàn châu lục cũng như toàn cầu. Trong khi một số bộ lạc đơn độc biết làm đồ trang sức bằng vỏ hạt, những bộ lạc khác lại không. Trong khi đa số bộ lạc sử dụng các công cụ thô sơ, lại có rất ít bộ lạc dùng những công cụ tân tiến hơn nhiều. Và có một số ít người dùng đất son để trang trí, đa số lại không biết.
Tháng 11/2008, nhà địa chất học Zenobia Jacobs của Đại học Wollongong (Úc) viết trên tạp chí Science rằng 2 nền văn minh ban đầu của Hậu kỳ Đồ đá cũ phát triển mạnh mẽ chỉ vài nghìn năm trước khi biến mất. Nền văn minh đầu tiên (gọi là Still Bay) nổi lên khoảng 72.000 năm trước nhưng biến mất khoảng 1.000 năm sau đó. Nền văn minh thứ hai (Howieson’s Poort) nổi lên cách nay khoảng 65.000 năm nhưng chỉ tồn tại 5.000 năm.
Ông Jacobs lưu ý sau sự bùng nổ của văn minh Howieson’s Poort khoảng 60.000 năm trước, loài người lại quay về với những kỹ thuật thô sơ của thời đại đồ đá cũ trong suốt 30.000 năm.
Đồ trang sức bằng vỏ hạt phát hiện trong hang Blombos ở Nam Phi, nhưng người làm ra chúng lại biến mất cách nay 60.000 năm.
Thực tế là các nền văn minh Hậu kỳ Đồ đá cũ ở châu Phi không liên tục và chỉ tồn tại trong một giai đoạn ngắn. Điều này là một bất ngờ đối với nhiều nhà nhân chủng học, vì trước đó người ta cho rằng văn minh Hậu kỳ Đồ đá cũ có thể phát triển rất nhânh, là kết quả của sự gia tăng sản lượng săn bắn và hái lượm. Những dữ liệu thu thập được của thời Trung và Hậu kỳ Đồ đá cũ đưa ra những bằng chứng khá thuyết phục rằng thực sự có khác biệt đáng kể trong hiệu suất săn bắn giữa 2 thời kỳ.
Điều này có vẻ kỳ lạ bởi những kỹ năng của con người ở văn minh Hậu kỳ Đồ đá cũ bây giờ là không thể thiếu đối với cuộc sống hiện đại của chúng ta, và nhân loại không thể tưởng tượng làm sao có thể thành người nếu không có nó. Tuy nhiên, cần nhớ rằng con người cổ xưa đã tồn tại hơn 6 triệu năm (kể từ khi thoát thai từ loài linh trưởng) mà không có văn minh Hậu kỳ Đồ đá cũ.
Đó là chưa kể việc chuyển đổi sang Hậu kỳ Đồ đá cũ đã không dẫn đến gia tăng khả năng sống sót và tỷ lệ sinh sản của loài người. Trong khi thừa nhận các kỹ năng/hành vi trong Hậu kỳ Đồ đá cũ ở châu Phi có thể giúp cuộc sống con người thuận lợi hay chỉ đơn giản là thêm thú vị, vì những công cụ họ làm ra có tính thẩm mỹ cao hơn, nhưng những kỹ năng đó không đóng vai trò thiết yếu cho sự sống còn của loài người mà ai cũng phải học theo.
Trong cuốn “Sự chuyển đổi từ Trung kỳ đến Hậu kỳ Đồ đá cũ”, tác giả Ofer Bar – Yosef của Đại học Harvard giải thích, những lần xuất hiện riêng biệt của văn minh Hậu kỳ Đồ đá cũ ở Châu Phi “cuối cùng không có tác động đến xu hướng chung trong quá trình tiến hóa nhân loại”. Trong thực tế, sự xuất hiện lẻ tẻ của các kỹ năng Hậu kỳ Đồ đá cũ đã không lan rộng ra khắp Châu Phi vì chúng không mang tính sống còn ở đó.
Vì vậy, đâu là nơi thực sự bùng phát cuộc cách mạng Hậu kỳ Đồ đá cũ? Nhóm cổ đại nào chính là tổ tiên loài người như hiện nay? Các bằng chứng khảo cổ học cho chúng ta biết rằng tổ tiên loài người đến từ một khu vực ở phía tây lục địa Á-Âu, gọi là vùng cận đông Địa Trung Hải (Levant – xem bản đồ bên dưới), bao gồm các vùng lãnh thổ Israel, Lebanon, Syria, Palestine, bán đảo Sinai và Jordan ngày nay. Chính những người nhập cư châu Phi, hiện đang sống ở Levant, là các cư dân đã mang lại cuộc cách mạng Hậu kỳ Đồ đá cũ và sau đó lan ra khắp toàn cầu.
Quá trình này xảy ra vào khoảng 46.000-47.000 năm trước đây. Đó cũng là lúc một số kỹ năng của Hậu kỳ Đồ đá cũ đột nhiên xuất hiện trong một số dân thuộc Trung kỳ Đồ đá cũ sống ở Tachtit Boker, ngày nay là Israel.
Trong vài ngàn năm, nền văn hóa mới Hậu kỳ Đồ đá cũ đã lan tới châu Âu, châu Phi và châu Á. Điều này biến khu vực cận đông Địa Trung Hải trở thành tâm chấn địa lý của nhân loại, là điểm khởi đầu cho cuộc chinh phục hành tinh trái đất của nhân loại.
Tốc độ của cuộc cách mạng Hậu kỳ Đồ đá cũ ở Levant cũng rất nhanh chóng. Tuy nhiên, điều người ta khó hiểu là tại sao tổ tiên nhân loại có thể sống tới 6 triệu năm không có những kỹ năng của con người hiện đại, đặc biệt là không có tiếng nói mà bỗng nhiên họ lại học được tất cả những kỳ năng đó chỉ trong vòng cách nay 50.000-100.000 năm?
Thiên Hà, Anh Kiệt – Theo ancient-origins.net