Tinh Hoa

Bí ẩn “Cổng Mặt trời” – Công trình tiền sử thách thức khoa học hiện đại

Cổng Mặt Trời nằm trong quần thể di chỉ đá Puma Punku thuộc di tích Tiwanaku – một thành phố cổ xưa và bí ẩn. Các nhà khoa học cho rằng nơi đây từng là trung tâm của một đế quốc rộng lớn, kinh ngạc là chiếc cổng này có trọng lượng khoảng 10 tấn, được tạo ra từ một phiến đá duy nhất, và theo một số học giả, nó có niên đại từ hơn 15.000 năm về trước.

Cổng Mặt trời ở khu di tích cổ Tiahuanaco cho đến nay vẫn là bí ẩn lớn với giới khảo cổ học. (Ảnh: Twitter)

Nằm trong vùng lân cận của hồ Titicaca, một trong những hồ nước huyền bí nhất Trái đất, Cổng Mặt trời được xây dựng từ hàng ngàn năm trước bởi một nền văn minh cổ đại, cư ngụ tại khu di tích Tiahuanaco ở Bolivia, một quốc gia Nam Mỹ ngày nay.

Kể từ khi các nhà thám hiểm châu Âu tình cờ phát hiện cấu trúc kỳ lạ này, nó đã thu hút rất nhiều sự chú ý của các nhà khảo cổ học, nhà sử học và khách du lịch.

Trong giới chuyên gia, Cổng Mặt trời được biết đến như một trong những minh chứng tốt nhất cho mức độ hoàn hảo mà nền văn minh làm ra nó đạt được, cả về nghệ thuật cũng như trình độ công nghệ.

Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng “cánh cổng” này được tạo nên từ một phiến đá Andesit duy nhất nặng chừng 10 tấn, cao khoảng 3m và rộng 4m.

Trong quá khứ, Cổng Mặt trời là một phần của tòa nhà lớn, có thể nằm trên đỉnh Kim tự tháp Akapana hoặc tại đền Kalasasaya, nơi cũng có một vài công trình được làm bằng vật liệu tương tự.

Phần phía trên cổng được trang trí bằng những nét chạm khắc rất tinh xảo. Ở giữa cổng là bức tượng thần Viracocha, bao xung quanh là 48 hình vuông tượng trưng cho 48 nhân vật có cánh. Trong số 48 ô vuông này, một số nhân vật có khuôn mặt con người, số còn lại có đầu kền kền khoang cổ Nam Mỹ hoặc mèo. Cả 48 nhân vật đều quay đầu hướng về phía tượng thần Viracocha.

Chân dung thần Viracocha phía trên Cổng Mặt trời. (Ảnh: Picssr)

 

Viracocha là vị thần sáng tạo vĩ đại trong nền văn minh tiền Inca và Inca ở vùng núi Andes thuộc Nam Mỹ. Theo truyền thuyết, thần Viracocha sinh ra từ hồ Titicaca trong thời kỳ tranh tối tranh sáng. Sau đó, ngài đã tạo ra Mặt trời, Mặt trăng và các ngôi sao.

Vị thần cổ đại này được cho là đã tạo ra con người từ đá, nhưng loài người đầu tiên ngài tạo ra là những người khổng lồ không có não. Điều này khiến ngài không hài lòng, vì vậy ngài đã tiêu hủy họ bằng một trận lũ và tạo ra loài người mới từ những hòn đá nhỏ hơn.

Phía trên góc phải của Cổng Mặt trời có một vết nứt chia tảng đá thành 2 phần. Người ta cho rằng đường nứt này là do bị sét đánh, nhưng không có vết cháy nào trên tảng đá hoặc bên trong nó.

Nếu chúng ta nhìn lại một số truyền thuyết đề cập đến người khổng lồ, sẽ thấy cánh cổng đã nứt làm đôi khi nó bị ném xuống đất. Đây là một trong những di tích quan trọng nhất của Tiahuanaco và vẫn là bí ẩn đối với các nhà khảo cổ học.

Cổng Mặt trời được các nhà thám hiểm châu Âu phát hiện vào giữa thế kỷ 19. (Ảnh: RiseEarth)

Khu di tích Tiahauanco từng là trung tâm của nền văn minh Tiahuanaco cổ đại, một nền văn hóa tiền Inca cực kỳ phát triển dựa trên nền kinh tế nông nghiệp, kiến ​​trúc và chăn nuôi.

Nền văn minh ấy bao trùm các vùng đất của cao nguyên Collao, nằm giữa Tây Nam Peru, miền Tây Bolivia, phía Bắc Argentina và phía Bắc Chile. Từ những nơi này, nền văn minh đó đã được truyền lại và công nghệ cũng như tín ngưỡng của họ đã có ảnh hưởng lớn đến nhiều nền văn hóa cùng thời khác.

Thành phố Tiahuanaco rất đặc trưng bởi phong cách kiến ​​trúc phức tạp lạ thường của nó, được trang trí với vô số hình chạm nổi, cho đến nay vẫn bao phủ trong bí ẩn.

Khu phức hợp của thành phố gồm một số công trình kiến ​​trúc quan trọng như Akapana, Akapana East, Pumapunku, Kalasasaya, Kheri Kala, Khu bảo tồn Putuni và Đền Semi-Subterranean, Puerta del Sol (Cổng Mặt trời) và Puma Punku, chúng đều có vô số công trình khó hiểu thách thức các nhà khảo cổ học chủ lưu.

Mặt sau của Cổng Mặt trời năm 1903. (Ảnh: Whole Secrets)

 

Dựa trên một số kỹ thuật cổ, các nhà nghiên cứu như Arthur Posnansky ước tính Tiahuanaco có niên đại từ năm 15000 TCN.

Posnansky cho rằng, sau trận lũ lớn vào khoảng năm 11000 TCN, những người sống sót đã phát triển các kỹ thuật nông nghiệp tiên tiến mà chỉ đang được nghiên cứu bởi một số chuyên gia nhất định ngày nay.

Đặc biệt, nền văn hoá cổ xưa này đã thành công trong việc ứng dụng các phương thức lai giống và kỹ thuật vào nông nghiệp giúp họ thu được sản lượng vượt bậc mà con người ngày nay vẫn không thể hiểu rõ.

Trong cuốn sách nổi tiếng “Tiahuanaco, cái nôi của người Mỹ”, Posnansky đề xuất hai giả thuyết cho thấy Tiahuanaco là thành phố cổ nhất trên hành tinh chúng ta.

Với niên đại xa xưa, một số học giả còn cho rằng Tiahuanaco là cha đẻ của tất cả các nền văn minh Nam Mỹ, trong khi những người khác coi nó như thủ đô của một đế quốc cổ đại lớn mạnh trải rộng khắp vùng Trung tâm Andes.

 Hồng Liên biên dịch