Mới đây, một nhà sưu tập cổ vật đã công khai bức tượng thú có cánh 9 đầu được làm bằng đồng thau vào thời Chiến Quốc kỳ lạ chưa từng thấy, có thể mô phỏng theo một thần thú trong truyền thuyết đã bị mất.
Bức tượng này là một vật trang trí dài 25,5cm, cao 18,5cm, thân vừa dày vừa nặng, rỗng ruột, dưới phần bụng được phủ một mảnh phong kín. Toàn thân thếp vàng bạc tỉ mỉ, trang trí bằng các loại hoa văn tinh mỹ khác nhau như hoa văn móc câu, quăn xoắn, lông vũ và hoa văn lân phiến (vảy cá)…
Tượng thú có cánh 9 đầu có thần thái sinh động, hình thể cường tráng, đầu không có sừng, há miệng thè lưỡi, tứ chi đan xen đạp đất, chân sau mọc lông bờm, có 4 móng vuốt. Hình dáng giống con hổ đang ve vẫy đuôi dài với phần chóp cuốn lên trên, trên đuôi trang trí hoa văn hình khuyên dẹt và lông vũ dát vàng, bạc đan xen. Hai bên thân đúc đôi cánh, trang trí bằng hoa văn lông vũ thếp vàng kỹ càng.
Điều khiến người xem phải trầm trồ tán dương là 8 cái đầu nhỏ xung quanh cái đầu chính. Mỗi cái đầu nhỏ đều há miệng trừng mắt, còn những chiếc cổ của chúng bó lại với cái cổ chính được tô điểm bằng những hoa văn thếp vàng bạc hình lân phiến. Như vậy, có thể nói thiết kế 9 cái đầu, gồm 1 lớn 8 nhỏ hướng về 4 phía không có góc chết, của bức tượng là vô cùng sáng tạo.
Ngoài việc có 9 đầu, các đặc điểm còn lại của bức tượng đều tương tự với những tượng thú dùng để trừ tà thường thấy như Tỳ Hưu, đều có hình tượng mãnh hổ có 2 cánh. Còn phong cách Tỳ Hưu 9 đầu riêng biệt như thế này không thấy được tìm thấy trong các tài liệu lịch sử, nhưng lại có những ghi chép về chim 9 đầu.
Chim 9 đầu là thần điểu cửu phượng được người nước Sở thời kỳ Chiến Quốc thờ phụng. Nó được nhắc đến trong tài liệu cổ xưa nhất là Sơn Hải Kinh (Bách khoa toàn thư của người Trung Quốc cổ đại) và Sở Từ.
Chim 9 đầu từ sau thời nhà Hán do dần dần suy bại mà từ thần biến thành yêu quái chuyên thu hồn khí của con người, từ đó trong nhân gian mới có câu: “Trên có chim 9 đầu, dưới có lão Hồ Bắc“.
Hồ Bắc ngày xưa nằm thuộc lãnh thổ của nước Sở, từ trước đến nay luôn tràn ngập màu sắc thần bí. Nơi đây thường xuyên xuất hiện những câu chuyện nhìn thấy dã nhân, dị điểu hay dã thú kỳ quái khó phân biệt được thật giả, khiến người nghe kinh sợ.
Chẳng hạn, những năm gần đây cũng có tin phát hiện chim 9 đầu ở châu tự trị Ân Thi, Hồ Bắc và huyện Thạch Môn, Hồ Nam, có nhân chứng nhưng đáng tiếc là không có bằng chứng xác thực.
Người dân nước Sở thời chiến quốc có sức tưởng tượng phong phú, phong cảnh địa phương lãng mạn và phong tục tập quán dân tộc đặc thù. Sở Từ đại biểu cho văn hóa và đồ sơn mài, những vật dụng bằng đồng thau đất Sở… cac tác phẩm nghệ thuật công nghệ đều mang phong thái khác biệt, có phần khác hẳn với đặc trưng văn hóa Trung Nguyên truyền thống.
Từ công nghệ đặc thù và những phân tích thiết kế hình dáng, hoa văn, bức tượng thú có cánh 9 đầu bằng đồng thau có thể là vật được tạo ra ở nước Sở. Tức là việc chế tác bức tượng thần thú này có thể dựa vào một truyền thuyết hay truyền thống nào đó, có đồ vật tất có câu chuyện hay truyền thuyết. Tuy nhiên, tác giả đã tra khắp tài liệu lịch sử cũng không tìm thấy thông tin liên quan đến thần thú 9 đầu.
Thời kỳ Chiến Quốc, chiến loạn thường xuyên xảy ra, nước Sở cuối cùng bị nước Tần tiêu diệt. Lúc bấy giờ Tần Thủy Hoàng đã đốt sách, chôn sống người tài, khiến những tác phẩm, tư liệu lịch sử của các nước chư hầu khác tổn thất rất nhiều, nên có khả năng truyền thuyết, câu chuyện về thần thú 9 đầu đã bị thất truyền.
Ngày nay, tượng thần thú 9 đầu trên, tập hợp những công nghệ đúc đồng thau tinh xảo và kỹ xảo thếp vàng bạc tinh mỹ, đại biểu cho trình độ chế tác đồ đồng thau cao nhất thời kỳ Chiến Quốc. Đây không chỉ là tác phẩm hiếm thấy của tổ tiên Trung Hoa, kết tinh trí tuệ lãng mạn thoát tục của văn hóa Sở, mà còn là bảo vật quốc gia. Nó là vật phẩm quý giá về nghệ thuật hiếm thấy vốn mang sẵn sức quyến rũ đặc biệt và chứa đựng nội hàm thần bí.
Mai Mai, theo Kan New York