Những hố xoắn ốc kỳ lạ rải rác khắp các thung lũng khô cằn ở miền nam Peru từng khiến nhiều nhà khảo cổ bối rối, nhưng nay các nhà nghiên cứu tuyên bố rằng họ đã giải đáp được bí ẩn về công trình cổ đại này.
Sa mạc Nazca ở miền Nam Peru là nơi có nhiều hố xoắn ốc được đào sâu xuống dưới mặt đất, gọi là puquios. Những cấu trúc đặc biệt này không thể dùng phương pháp phân tích đồng vị các-bon để xác định niên đại. Người Nazca cũng không để lại bất kỳ bằng chứng nào về thời điểm và mục đích xây dựng chúng.
Nền văn minh Nazca, phát triển khoảng năm 100 trước Công nguyên đến năm 800, là những người đã tạo nên những hình vẽ khổng lồ trên mặt đất cũng được biết đến với cái tên Nazca Lines (đường Nazca).
Rosa Lasaponara thuộc Viện Phương pháp Phân tích Môi trường, Italy, cho biết các hố xoắn ốc đã giúp người Nazca sinh sống tại khu vực nổi tiếng bị hạn hán hoành hành.
Bà nói với BBC Future rằng, “rõ ràng là hệ thống puquio phát triển hơn những gì còn lại ngày nay. Nó khai thác nguồn nước vô tận trong suốt cả năm, góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp thâm canh tại một trong những nơi khô cằn nhất thế giới“.
Từ lâu các nhà khảo cổ đã nghi ngờ puquio là 1 phần của một hệ thống dẫn nước, nhưng không biết chúng hoạt động như thế nào.
Tiến sĩ Lasaponara cùng nhóm các nhà nghiên cứu đã sử dụng ảnh vệ tinh để vẽ sơ đồ phân bố puquios, đồng thời tìm hiểu mối liên hệ của chúng tới khu dân cư gần đó. Họ cũng kiểm tra độ ẩm đất hiện tại và sự thay đổi thảm thực vật trong khu vực. Kết quả cho thấy, các hố xoắn ốc nằm trong một mạng lưới đường hầm thủy lợi trên sa mạc Nazca, giúp người dân lấy nước ngầm.
Các nhà khoa học cho rằng, những hố xoắn ốc hoạt động bằng cách vận chuyển gió vào những kênh dẫn ngầm, tạo áp lực đẩy nước từ các bể chứa nước sâu dưới mặt đất đến nơi cần sử dụng. Việc xây dựng một công trình trên quy mô rộng lớn như hệ thống puquios đòi hỏi có sự hiểu biết toàn diện về địa chất khu vực, cũng như quá trình biến đổi của nguồn cung cấp nước hàng năm.
“Mặc dù môi trường khô cằn và khắc nghiệt nhưng khu vực này từng xuất hiện các nền văn minh quan trọng, như Paracas và Nazca“, bà Lasaponara cho hay. “Để có thể sản xuất nông nghiệp, Nazca đã phát triển các chiến lược thích hợp đối phó với các yếu tố môi trường cực đoan và sự khan hiếm nước, xây dựng hệ thống dẫn nước rất hiệu quả“.
“Hệ thống puquios là dự án thủy lợi tham vọng nhất trong khu vực Nasca, cho phép nguồn nước luôn sẵn có quanh năm để sử dụng, không chỉ đối với nông nghiệp mà còn phục vụ nhu cầu sinh hoạt gia đình“, theo Lasaponara.
Có một số bằng chứng cho thấy ngày nay các puquios vẫn còn hoạt động nhưng ở mức thấp.
Iris, theo Daily Mail