Vào năm 2008, một khám phá đáng chú ý đã được thực hiện trong một mỏ than ở thành phố Donetsk, Ukraina. Người ta tìm thấy một bánh xe cổ dưới mỏ than nhưng không thể tách nó ra vì nó đã dính cứng vào lớp sa thạch, và chúng đã có 300 triệu năm tuổi.
Trong khi khoan tầng than cốc ở độ sâu 900m so với mặt đất, các công nhân đào đường hầm đã hết sức ngạc nhiên khi tìm thấy hóa thạch của một bánh xe trên trần đường hầm.
May thay, lúc đó Phó cảnh sát trưởng V.V. Kruzhilin đã chụp lại hình ảnh bánh xe hóa thạch này. Quản đốc mỏ S. Kasatkin đã chia sẻ bức ảnh và công bố tin tức ra ngoài. Sau đó, những người khác không được tiếp tục khám phá đường hầm để nghiên cứu kỹ hơn về bánh xe bí ẩn. Chỉ còn lại những bức ảnh và lời kể của một nhóm thợ mỏ Ukraina làm bằng chứng cho sự tồn tại của những bánh xe kỳ lạ.
Phát hiện bánh xe
Tuy không thể xác định rõ địa tầng mà bánh xe hóa thạch đó được tìm thấy, nhưng khu vực Rostov xung quanh Donetsk nằm trên lớp đá thuộc kỷ Than đá từ 360-300 triệu năm trước, và cung cấp than cốc có nguồn gốc từ giữa đến cuối kỷ Than đá. Điều này cho thấy niên đại của những bánh xe kia là vào khoảng 300 triệu năm tuổi. Có nghĩa là các bánh xe đã bị kẹt ở đó hàng trăm triệu năm trước và hóa thành trầm tích theo thời gian.
Sau đây là một đoạn trích từ bức thư được viết bởi quản đốc S. Kasatkin (được dịch từ tiếng Ukraina) liên quan đến xác nhận của ông về những dấu vết bánh xe bất thường do các thợ mỏ phát hiện vào năm 2008:
‘Phát hiện này không phải là một chiêu trò quảng cáo. Trong năm 2008, chúng tôi với tư cách là đội ngũ kỹ sư và công nhân đã yêu cầu giám đốc mỏ mời các nhà khoa học kiểm tra chi tiết vật thể, nhưng giám đốc, theo chỉ thị của chủ hầm mỏ, đã cấm bàn luận về việc này, thay vào đó ra lệnh đẩy nhanh công việc và nhanh chóng khai thác khu vực bằng các thiết bị mỏ.
Do đó, vật thể này và một cái nhỏ hơn được tìm thấy trong quá trình làm việc tiếp theo đã bị kẹt trong đường hầm, không thể lấy ra nghiên cứu. Thật may là có người bất chấp sự cấm đoán của giám đốc đã chụp ảnh lại vật thể.
Tôi biết những người đầu tiên khám phá ra những dấu vết này và cả những người chụp ảnh chúng. Chúng tôi có cả tá nhân chứng. Như bạn biết, việc vào trong mỏ bị hạn chế nghiêm ngặt (nguy hiểm do khí thải đột ngột) và muốn lấy giấy phép [vào trong mỏ] thì khá khó khăn.
Bánh xe bị dính trong đá sa thạch trên trần đường hầm. Những người thợ đã cố gắng tách vật thể ra bằng búa, nhưng đá sa thạch quá cứng và họ sợ làm hỏng vật thể nên đã để yên ở đó. Hiện tại mỏ đã bị đóng cửa (chính thức từ năm 2009) và người ta không thể tiếp cận vật thể – vì thiết bị được tháo dỡ và các tầng đất đã bị ngập”.
Cùng với lời khai viết tay của các nhân chứng, các bức ảnh vẫn là bằng chứng duy nhất về những bánh xe bất thường này, nhưng nó đáng được nghiên cứu mặc dù có thể đưa đến sự thật vượt ngoài tầm hiểu biết của chúng ta. Vì nếu những tấm ảnh trên là thật, thì người ta sẽ phải đặt câu hỏi: Làm thế nào một bánh xe nhân tạo lại có thể kẹt giữa tầng địa chất cổ đại như vậy, khi mà thậm chí khoa học chính thống còn chưa phát triển?.
Dấu vết cổ xưa
Trên thực tế, bằng chứng về sự tồn tại các loại xe thời tiền sử đã được tìm thấy ở một số nơi khác trên thế giới, ví dụ như những vết xe hóa thạch ở Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Malta, Kazakhstan, Ukraina và thậm chí cả Bắc Mỹ. Trong đó có một di chỉ thời tiền sử là Misrah Ghar il-Kbir, tiếng Malta có nghĩa là ‘hang động lớn’, nằm ở Siggiewi, gần các vách đá Dingli ở Malta.
Tại di chỉ nổi tiếng này, những ‘vết xe lún’ ăn sâu vào đá vôi đã làm tất cả những ai đến đây đều phải kinh ngạc. Tương tự như vậy, một số vết xe bất thường cũng được tìm thấy trên đảo Sicily, tại hội trường Hy Lạp được gọi là Nhà hát lớn của Syracuse. Hầu hết các nhà khảo cổ đã gợi ý rằng, các dấu vết ở Malta có lẽ được tạo ra bởi người Sicilia, những người đã đến Malta vào khoảng năm 2000 TCN, khi bắt đầu thời đại đồ đồng.
Bên cạnh đó cũng còn nhiều vết xe như vậy được tìm thấy ở Thổ Nhĩ Kỳ, một số ít ở Sofca trải dài một vùng khoảng 16 – 72 km, và cũng có ở Cappadocia. Nhiều vết lún được khám phá trên khắp thế giới đã gây ra rất nhiều tranh cãi về mục đích sử dụng, niên đại và nguồn gốc của chúng. Do nhiều vết xe có liên quan với các cấu trúc cự thạch, đặc biệt là ở Malta, và nhiều vết xe đang chìm dưới biển ở khu vực đó, nhiều nhà nghiên cứu đã kết luận rằng, các dấu vết hóa thạch này có những dấu hiệu thuộc thời cổ đại.
Tiến sĩ Alexander Koltypin là một nhà địa chất và là giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Tự nhiên tại Đại học Sinh thái và Chính trị Quốc tế Độc lập của Moscow. Ông đã dành rất nhiều thời gian ghé thăm các địa điểm này và so sánh chúng để tìm kiếm điểm giống nhau.
Koltypin đã viết: “Lần đầu tiên tôi nhìn thấy các vết xe trên đá hoặc bị hóa thạch (thường được gọi là vết xe lún) trên bề mặt đồng bằng Neogen là vào tháng 5/2014 (thuộc miền Trung Anatolia Thổ Nhĩ Kỳ). Chúng nằm trong khu vực phát triển của đá tạo thành núi lửa ở giữa và cuối Thế Trung Tân (Thế Miocene, kéo dài từ khoảng 23,03 tới 5,33 triệu năm trước) và và theo phân tích thì tuổi của đá núi lửa gần đó có niên đại 12-14 triệu năm vào giữa Thế Trung Tân”.
Trong khi các nhà nghiên cứu chính thống cho rằng, các vết xe này chỉ đơn giản là tàn tích của những phương tiện xe cộ có bánh do lừa hoặc lạc đà kéo, ông Koltypin lại có những ý tưởng khác. Ông nói về những lời giải thích thông thường: “Tôi sẽ không bao giờ chấp nhận [những giải thích đó]. Bản thân tôi sẽ luôn nhớ… có nhiều cư dân khác trên hành tinh chúng ta đã bị xóa sổ trong lịch sử”.
Khi đo chiều rộng và chiều dài của vết xe tại Thung lũng Phrygian, ông tin rằng chúng được tạo ra bởi những chiếc xe có chiều dài tương tự những chiếc xe hiện đại với lốp rộng khoảng 23 cm. Với độ sâu ấn tượng của các vết lún trên đá thì không thể nào là xe nhỏ được. Koltypin tin rằng, phương tiện tạo ra dấu vết này phải nặng hơn nhiều.
Ông đưa ra giả thuyết rằng, nền văn minh lái những chiếc xe hạng nặng tạo ra những dấu vết này cũng có thể chính là chủ nhân của các con đường tương tự nhau và các khu phức hợp ngầm nằm rải rác quanh toàn Địa Trung Hải cách đây hơn 12 triệu năm trước.
Ông Koltypin khẳng định các mỏ khoáng sản nặng phủ trên vết xe và sự xói mòn cho thấy chúng có niên đại từ rất xa xưa; đồng thời các thành phố ngầm xung quanh, hệ thống thủy lợi, giếng nước,… theo ông cũng có hàng triệu năm tuổi.
Rõ ràng là cần có nhiều nghiên cứu hơn để làm rõ niên đại và nguồn gốc của các vết xe được phát hiện tại nhiều nơi trên thế giới. Việc điều tra chuyên sâu cũng sẽ tiết lộ nhiều giải thích xác đáng hơn, có thể dẫn dắt tới những tàn tích bí ẩn của một nền văn minh tiền sử nào đó mà con người chưa từng biết đến giống như ông Alexander Koltypin đã đề cập.
Dù sao đi nữa, sự xuất hiện của những bánh xe hóa thạch ở Ukraine cũng gợi lên một thực tế rằng, người cổ đại có thể đã có công nghệ và kỹ thuật tiên tiến hơn nhiều so với những gì chúng ta hiểu về họ.
Hồng Liên (Theo Ancient Origins)