Nhiều người thường cảm thấy phiền phức trước sự sinh sôi quá nhanh của bèo tấm trong ao nhà, nhưng nếu biết những lợi ích dưới đây thì chắc chắn bạn sẽ thay đổi suy nghĩ.
Người Việt Nam, đặc biệt ở vùng thôn quê chắc hẳn ai cũng biết đến bèo tấm, một loại bèo lan nhanh và phủ kín các ao, hồ. Nó có thể phát triển số lượng lên gấp đôi chỉ trong khoảng thời gian từ 16 – 48 giờ, tùy thuộc vào môi trường sống.
Điều này gây ra các vấn đề phiền phức với nhiều người, khiến họ xem loài cây nhỏ nhắn này như vị khách đáng ghét nhất trong ao cá hoặc hồ nước nhà mình.
Nhưng thực tế đây là một giống cây kỳ diệu, vì:
- Bèo tấm là nguyên liệu tái tạo nguồn năng lượng và sản xuất nhiên liệu sinh học.
- Bèo tấm có tác dụng lọc nước, xử lý nước thải tuyệt vời.
- Giúp ngăn chặn sự phát triển của loài tảo gây hại.
- Giảm sự bay hơi nước.
- Nguồn thức ăn miễn phí cho gia súc.
- Có giá trị dinh dưỡng đặc biệt cho con người.
Nhiên liệu sinh học giá rẻ
Nhờ vào khả năng sinh sản nhanh chóng của mình, bèo tấm đã thu hút được chú ý với các nhà khoa học và những nhà môi trường. Hiện nay, họ đang nghiên cứu cách sử dụng cây bèo tấm để tạo ra nhiên liệu sinh học.
So với các giống cây trồng đang được dùng phổ biến để sản xuất nhiên liệu sinh học, thì bèo tấm là loài cây tiềm năng nhất.
Hiện nay, trên thế giới đang sử dụng những loài cây như ngô (ở Mỹ), củ cải đường (ở Brazil, Ấn Độ), khoai lang, khoai mì… để sản xuất nhiên liệu sinh học. Tuy nhiên, đây không phải là những nguồn nguyên liệu tối ưu vì tốn diện tích đất canh tác, gây ra các ảnh hưởng đối với môi trường (hiện tượng xói mòn đất), và đặc biệt là chúng đang là những loại cây lương thực chính cho người và gia súc.
Trong khi đó, bèo tấm rất dễ nuôi trồng, có tốc độ sinh trưởng cực kỳ nhanh chóng, chỉ chứa một lượng rất nhỏ lignin, trong khi lại tích lũy các thành phần cao năng lượng khác trong phần tinh bột dễ lên men (chiếm 40-70% tổng sinh khối) dùng cho sản xuất nhiên liệu sinh học.
Không chỉ thế, giống cây này còn có ưu thế là loài thủy sinh, sẽ giúp nó giải phóng diện tích đất để trồng cây lương thực. Cộng với công dụng lọc nước của mình, bèo tấm sẽ cung cấp nguồn nước sạch cho mọi người và các sinh vật khác.
>>> Tác dụng chữa bệnh “thần kỳ” từ bèo cái ít ai biết được
Bộ lọc nước hữu hiệu
Bèo tấm có thể lọc sạch nguồn nước thải từ các trang trại nuôi bò, lợn, gà,… Khi này nó sẽ hấp thụ các chất độc hại như nitrat và phốt-pho trong nguồn nước bị ô nhiễm và làm cho nước trở nên trong sạch hơn. Điều này đã giúp cho các trang trại thâm canh tránh được việc phải gây ra cơn ác mộng sinh thái.
Hơn nữa, bề mặt dày bèo tấm trên mặt nước sẽ ngăn cản sự thâm nhập của oxy vào môi trường nước, hạn chế sự hình thành oxy do quang hợp của tảo, từ đó nước có trạng thái thiếu khí, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình khử nitrat.
Ngoài ra, bèo tấm cũng góp phần làm giảm tỉ lệ bay hơi của nước, làm bốc hơi amoniac (bèo tấm có khả năng chịu nồng độ amoni cao, tới 375 mgN/lit), hấp thu dinh dưỡng N – P, tách loại phốt-pho, xử lý kim loại nặng khác, xử lý vi sinh vật gây bệnh,…
Vì thế loài cây nhỏ nhắn này được đánh giá cao và áp dụng hiệu quả xử lý nước thải các loại như nước thải sinh hoạt, công nghiệp, chế biến, y tế,…
Hiện nay, Palestine đang xem xét việc sử dụng cây bèo tấm để làm sạch hệ thống nước của quốc gia này. Nhất là khi đất nước Hồi giáo này rất khan hiếm nguồn nước ngọt.
Họ tin rằng việc sử dụng phương pháp xử lý nước tự nhiên có chi phí thấp không chỉ tốt cho đất nước, mà còn rất có lợi cho môi trường sinh thái.
>>> 5 phẩm đức này nếu thiếu hụt, thân thể sẽ phát sinh bệnh tật
Kiểm soát muỗi
Muỗi rất yêu thích các hồ nước nông, vì chúng có thể thoải mái đẻ trứng ở đây. Loài côn trùng này có thể lây truyền nhiều căn bệnh cho con người như: Sốt rét, sốt vàng da, sốt xuất huyết và vi-rút Zika. Bệnh do virus Zika thường có biểu hiện lâm sàng nhẹ nhưng có thể gây hậu quả trầm trọng nếu nhiễm bệnh trong những tháng đầu thai kỳ vì nguy cơ gây dị tật đầu nhỏ cho thai nhi.
Đây là một vấn đề nan giải tại nhiều quốc gia trên thế giới, chứ không riêng gì các nước nghèo hoặc đang phát triển. Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), muỗi là loài đặc hữu xuất hiện phổ biến ở 91 quốc gia và mang đến ảnh hưởng tiêu cực cho khoảng 40% dân số thế giới. Các căn bệnh bị lây truyền từ muỗi trung bình giết chết 2,7 triệu người mỗi năm.
Trong trường hợp này cây bèo tấm là một giải pháp hoàn hảo. Vì nó có khả năng sinh trưởng tốt, nên có thể tạo ra một màn chắn dày bao phủ toàn bộ mặt ao giúp ngăn chặn được muỗi đẻ trứng. Từ đó giúp chúng ta cắt giảm đáng kể số lượng bệnh tật và các trường hợp tử vong do muỗi gây ra.
Nguồn thức ăn cho con người và gia súc
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Pháp và Tây Ban Nha, bèo tấm ẩn chứa giá trị dinh dưỡng và nguồn protein dồi dào cho con người, nhất là khi nguồn protein từ thịt chỉ mới đáp ứng được 40% nhu cầu của chúng ta.
Theo các nhà khoa học, bèo tấm có thể không ngon miệng nhưng nó có tỉ lệ protein rất cao, thậm chí còn cao hơn tỉ lệ protein có trong đậu nành (45% so với 36%).
Đồng thời, họ còn tiết lộ phương pháp làm khô bèo tấm và nghiền nó thành bột protein. Kết quả của quá trình chế biến là một loại thực phẩm màu xanh lá cây, được gọi là Lentein, trong đó chứa 68% protein cũng như chất xơ. Nó có thể dần dần thay thế các sản phẩm thực phẩm như sữa bột được làm từ sữa và đậu nành. Đặc biệt, chúng còn khiến người dùng yên tâm vì không phải thực phẩm biến đổi gen.
Ngoài ra, với hàm lượng N, P, K cũng như một số chất khoáng và protein cao, bèo tấm có thể được nuôi trồng để bổ sung nguồn dinh dưỡng quan trọng trong khẩu phần ăn của lợn, cá và gia cầm. Các thử nghiệm cho thấy, bèo tấm có thể được sử dụng thay thế cho đậu nành và cá trong khẩu phần ăn của cả gà trống, gà mái và gà con. Gà mái sử dụng 40% bèo tấm trong khẩu phần hàng ngày cho trứng nhiều hơn với chất lượng tốt hơn.
Việc chăn nuôi bằng bèo tấm không chỉ giúp đảm bảo dinh dưỡng cho vật nuôi mà còn giúp tiết kiệm một khoản tiền khá lớn cho người nuôi.
Tú Văn, theo owlcation