Bao Công và Địch Nhân Kiệt là 2 vị quan ở 2 thời đại khác nhau nhưng đều nổi tiếng tài giỏi và chính trực. Họ đều phá được nhiều vụ án phức tạp, trừng trị tham quan, hoàng tộc lạm dụng quyền hành,… Nhưng trong 2 người họ, ai mới thực sự là thần thám?
Bao Chửng và Địch Nhân Kiệt đều là những nhân vật lịch sử được đưa lên phim rất thành công trong nhiều năm qua và đã trở thành một biểu tượng cho công lý lẽ phải. Hẳn ai trong chúng ta cũng từng nghe đến hai cái tên nổi tiếng trong lịch sử này. Họ luôn kịch liệt bài trừ nạn tham nhũng, giải quyết nhiều vụ án phức tạp, trừng trị từ tham quan, hoàng tộc lạm dụng quyền bính cho đến cả gian thương.
1. Bao Chửng (999 – 1062)
Bao Chửng còn được gọi bằng rất nhiều tên khác như Bao Thanh Thiên, Bao Hắc Tử, Bao Long Đồ… Ngài nổi tiếng là một vị quan “thanh liêm, chấp pháp nghiêm chỉnh, không khiếp sợ quyền uy hay vị nể tư tình” dưới thời hoàng đế Tống Nhân Tông (1022 – 1063).
Theo truyền thuyết, ngài là Văn Khúc Tinh Quân trên trời giáng trần để phò tá nhà vua, phục vụ đất nước. Theo đó, ngài không chỉ đảm nhận việc xử án trên dương gian, buổi tối ngài còn là quan lại chịu trách nghiệm dưới âm phủ.
Một sự thật thú vị về Bao Chửng
Bao Chửng ngoài đời thực không hề có khuôn mặt đen và cũng không có vết sẹo hình Mặt Trăng như trong phim, thậm chí ngài lại trắng trẻo và có phần thư sinh.
Điều này là do ảnh hưởng của Kinh kịch: mặt trắng là đại diện cho kẻ tiểu nhân; mặt đỏ là đại diện cho nghĩa khí trung nghĩa; mặt đen đại diện cho công chính liêm minh, quân tử. Do đó, mặt Bao Công được tô đen để khắc họa bản tính liêm chính của ông.
Hình tượng Bao Thanh Thiên được khắc họa với vết sẹo Mặt trăng trên trán – biểu thị cho ánh trăng công lý luôn tỏa sáng dù ở những nơi tăm tối nhất.
Trở thành huyền thoại phá án
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống khoa bảng, ngài siêng năng học tập ngay từ khi còn nhỏ. Ngài đỗ đạt ở tuổi 29 và nhanh chóng được triều đình bổ nhiệm làm quan xử án. Trong suốt thời gian làm quan, ngài đã phá được nhiều vụ án, giúp dân cư an hưởng thái bình, nền kinh tế nhờ đó mà phát triển vượt bậc.
Theo những tài liệu lịch sử ghi lại thì trong 30 năm cống hiến cho triều đình, ngài đã buộc hơn 30 vị quan có chức sắc phải từ chức vì tội tham nhũng, hối lộ làm lũng loạn triều đình. Trong số đó có có những vị quan được Hoàng Thượng yêu quý hay thậm chí cả tể tướng.
Các quan chức xử án thông thường chỉ biết tra tấn, ép nghi phạm nhận tội, khiến nhiều người dân vô tội bị kết án oan nhưng Bao Chửng thì khác hẳn. Là một vị quan công bằng và thông minh, ông giải quyết các vụ án liên quan đến cả dân thường và hoàng tộc đều theo phương pháp điều tra kỹ lưỡng, dựa trên kỹ năng quan sát sắc bén, phép loại suy, trí thông minh và sự kiên nhẫn.
Nổi tiếng là một vị quan xử án thông thái, có thể làm sáng tỏ mọi vụ án, Bao Chửng đã trở thành nhà phá án huyền thoại đầu tiên và có lẽ là nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Hoa.
Sức ảnh hưởng lớn
Truyền thuyết về Bao đại nhân và các vụ án của ngài đã được lưu truyền hàng ngàn năm qua, qua các loại hình văn hóa phổ biến như kể chuyện, tiểu thuyết, kịch sân khấu, chương trình TV và điện ảnh.
Sức ảnh hưởng của Bao Chửng còn thể hiện ở việc những câu chuyện và các vụ án của ngài đã hình thành nên thể loại văn học cổ điển Trung Hoa gọi là “Công Án” – một dạng tuyển tập truyện trinh thám theo hình thức tiểu thuyết. Với cuộc đời chính trực thanh khiết, ngài được coi như hình mẫu mà mọi quan chức Trung Hoa thời bấy giờ hướng tới và trở thành đại diện cho cái thiện.
2. Địch Nhân Kiệt (630-700)
Ông còn được gọi là Lương Văn Huệ công. Là một vị quan có tiếng liêm minh, một người văn võ song toàn của nhà Đường cũng như triều đại Võ Chu của bà hoàng duy nhất trong lịch sử Trung Quốc – Võ Tắc Thiên.
Trước khi trở thành quan nhân triều Đường, Địch Nhân Kiệt là con trong một gia đình viên chức. Sau khi thi đỗ kỳ thi Minh Kinh năm 656, với tài năng quá ấn tượng, ngay lập tức ông được bổ nhiệm làm phán tá Biện Châu.
Với năng lực phá án tài tình, mọi vụ án ngài điều tra đều có cái kết bất ngờ thông qua việc điều tra ra những tình tiết rất tinh tế khiến người người bội phục, ngợi ca. Tất cả những vụ việc, biến chuyển xảy ra trong triều đại nhà Đường Trung Quốc đều được sách sử theo dõi ghi chép một cách nghiêm túc, Địch Nhân Kiệt được biết đến với một hình thức điều tra thông minh liêm khiết.
Trong truyền kì phá án của mình, ngài nổi tiếng với vụ điều tra cái chết của một cô dâu bị đầu độc; và một vụ án khác, ngài vạch mặt kẻ sát nhân của một “xác chết lạ” trong ngôi làng vắng vẻ. Ông thường cải trang mình thành một thầy thuốc để tìm manh mối, những suy luận của ngài có được nhờ vào những đầu mối tinh tế và sự thẩm vấn cẩn thận. Vào cuối sự nghiệp Địch Nhân Kiệt thực sự nổi tiếng bởi sự đức độ và tài năng phá án như thần khiến người người ngưỡng mộ, bội phục.
Địch Nhân Kiệt được mệnh danh là một “Sherlock Holmes phương Đông” vì tài trí hơn người và thậm chí Võ Tắc Thiên còn phải kính nể, gọi ông là “quốc lão”. Ông là một nhân vật lịch sử của Trung Hoa có sức ảnh hưởng mạnh mẽ không chỉ trong khu vực châu Á mà cả phương Tây.
Ông có một lối khai thác phá án nổi tiếng ghi dấu ấn trong nền văn hóa Trung Quốc, những vụ án của ngài được ghi chép lại trong tác phẩm “Địch Công Án”. Đó là một chuỗi các câu chuyện tiểu thuyết được viết bởi một tác giả vô danh của thế kỷ 18, bộ sách được dịch sang tiếng Anh trong những năm 1940.
Vậy về khả năng phá án của 2 người, ai hơn ai?
Từ những điều trên, có thể thấy rõ ràng Bao Chửng và Địch Nhân Kiệt ở hai thời đại khác nhau, nhưng họ có khá nhiều điểm chung. Đó là sự ngay thẳng, liêm chính – điều đầu tiên cần thiết của một vị quan giỏi. Thứ hai không thể không kể đến đó là tài năng siêu phàm của họ.
Hai người đều thông minh, tài giỏi, lại là người có đức, luôn đặt công lý lên hàng đầu. Vậy nên vụ án nào cũng được xử công bằng và hợp tình hợp lý nhất.
Cả Bao Chửng và Địch Nhân Kiệt đều xứng đáng được coi là “thần thám” trong lịch sử Trung Hoa, nhưng nếu chọn 1 người giỏi hơn, có lẽ chúng ta sẽ chọn Bao Chửng, đơn giản bởi số “kỳ án” mà ông phá nhiều hơn, ly kỳ hơn so với các vụ của Địch Nhân Kiệt.
Nhưng nếu coi Bao Chửng là một huyền thoại phá án số 1 trong lịch sử Trung Hoa thì Địch Nhân Kiệt cũng được mọi người nhớ đến như một cố vấn tài năng, giỏi việc nước đảm việc nhà khi phụng sự vị ‘nữ hoàng’ Võ Tắc Thiên.
Theo Soha
Xem thêm: