Bạn còn nhớ cậu bé Boyan Slat phát minh ra cách dọn sạch rác thải nhựa ở đại dương ngày nào? Những hàng rào nổi chặn rác sử dụng năng lượng Mặt trời của Boyan Slat sẽ sớm có mặt ở Thái Bình Dương trong năm 2018 này.
Khi đi lặn biển ở Hy Lặp năm nào, Boyan Slat chỉ là một học sinh trung học Hà Lan bình thường như những cậu bé khác. Một lần lặn xuống nước, cậu nhận ra xung quanh mình toàn là chất thải nhựa. “Rác thải nhựa ở đây còn nhiều hơn cả cá”, cậu ấy nói với đài MNN cách đây vài năm. “Đó là thời điểm tôi nhận thấy rác thải nhựa thực sự là vấn đề lớn và vấn đề về môi trường chính là vấn đề lớn nhất mà thế hệ của tôi sẽ phải đối mặt”.
Giống như chúng ta, Slat đã được nghe về những mảng rác lớn trôi nổi khắp thế giới, và anh nghĩ một ai đó đang giải quyết vấn đề này. Trong cuộc nghiên cứu sau chuyến thăm Hy Lạp, anh mới biết có rất ít ý tưởng về việc dọn sạch rác, và hầu hết các ý tưởng này được thiết kế dựa trên việc sử dụng lưới để lọc bỏ những mảnh nhựa ra khỏi nước. Những tấm lưới đó cũng thu nhặt luôn rất nhiều cá, rùa biển và những loài sinh vật biển khác, và không thực tiễn chút nào. Vì vậy, anh đã bỏ công sức để phát triển giải pháp của riêng mình.
“Cuối cùng tôi quyết định tạm ngưng việc học đại học và đời sống xã hội của mình để tập trung toàn bộ thời gian phát triển ý tưởng này. Tôi không chắc liệu nó có thành công hay không nhưng xem xét mức độ nghiêm trọng của vấn đề, tôi nghĩ đây là vấn đề rất nghiêm trọng buộc tôi phải thử sức”, Slat nói.
Bất chấp những mối nghi ngại đang tăng lên từ phía các nhà khoa học đối với ý tưởng của anh, giờ thì anh sẽ cho ra đời những rào chắn thu gom rác vào giữa năm 2018, sau 2 năm nghiên cứu tính khả thi của dự án. Trong những tuần tới, thiết bị sẽ được đưa đến bằng đường biển từ San Franciso đến mảng rác lớn phía Đông Thái Bình Dương, ở khoảng giữa bang California của Mỹ và quần đảo Hawaii. Sẽ phải mất khoảng 3 tuần để tiếp cận với mảng rác, và hệ thống thu gom rác được mong đợi sẽ hoạt động vào cuối mùa hè này.
Theo website the Ocean Cleanup (Dọn sạch đại dương), bước vận hành ban đầu này chỉ là thử nghiệm để xem hệ thống có bất kỳ vấn đề nào không trước khi cho ra đời nhiều hàng rào nổi hơn trong vài năm tới. “Mọi bài học chúng tôi học được đều được áp dụng cho những hệ thống tiếp theo”, nhóm phát triển hệ thống giải thích thêm, “vì chúng tôi sẽ dần dần triển khai nhiều hệ thống hơn cho đến khi các thiết bị được triển khai toàn diện vào năm 2020”.
Chỉ 7 năm sau chuyến lặn biển ở Hy Lạp, Boyan Slat đã quyên góp được 320 triệu USD cho sự nghiệp làm sạch đại dương của mình và những đồng tiền quyên góp này tỏ ra là một sự đầu tư đúng đắn. Theo đánh giá của anh, những hàng rào ngăn rác sẽ thu thập phân nửa rác ở Thái Bình Dương trong 5 năm.
Một đường nổi thu gom rác thải dưới nước
Thiết kế này hoạt động thông qua những hàng rào nổi khổng lồ đặt trên mặt nước, hoạt động như đường nổi nhỏ, có hình dạng giống như đường bờ biển. Như thể biển đang thu gom rác của chúng ta, rác thải nhựa được đẩy vào trung tâm của hàng rào nổi một cách thụ động. Mỗi tháng một lần hoặc lâu hơn, một chiếc thuyền sẽ đến và thu gom rác.
Slat ước tính hiệu quả của thiết bị được tăng lên nhiều do anh đã đổi mới thiết kế đặc biệt, trong khi vẫn dùng kỹ thuật cũ. Trước đây những hàng rào nổi thường được neo vào đáy đại dương. Điều này quả là rất khó khăn về mặt kỹ thuật. Thay vào đó, Slat sử dụng một mỏ neo lơ lửng được thả sâu giữa lòng đại dương để gắn cho thiết bị. Điều này sẽ cho phép những hàng rào nổi di chuyển chậm, nhưng không quá nhiều khiến khả năng thu gom rác bị cản trở. Những hàng rào thu gom rác hầu hết được cố định vì dòng thủy triều sâu nơi đặt mỏ neo di chuyển chậm và đều đặn.
“Các lực làm di chuyển các mảnh nhựa cũng khiến hệ thống thu gom rác di chuyển. Nói cách khác, rác thải nhựa đi nơi nào, hệ thống dọn dẹp đi nơi đó, hệ thống giống như một nam châm hút nhựa. Khái niệm này khả thi hơn và cũng hiệu quả hơn việc nhặt rác”, website the Ocean Cleanup giải thích. Slat gọi hệ thống mới của anh ấy là hạm đội các hàng rào nổi.
Toàn bộ hệ thống sử dụng năng lượng Mặt trời và di chuyển linh hoạt cùng thủy triều. Ban đầu, “Slat đã hình dung ra một thiết bị khổng lồ, có thể mở rộng gần 60 dặm. Hiện tại anh ước tính lên đến 50 thiết bị, mỗi thiết bị dài 0,6 dặm. Làm thành một bộ các hàng rào nổi như thế này thì có thể mở rộng ra được nhiều hơn và ít rủi ro hơn, anh nói. Nếu một thiết bị hư, vẫn còn 49 cái khác đang hoạt động bất cứ khi nào. Thêm nữa, dự án có thể được tài trợ làm nhiều lần, tốt hơn nhiều so với phải gom một số tiền lớn để làm trong một lần”, Ben Schiller viết cho Fast Company.
Đây là một bản phim hoạt hình mô tả trước những gì nhóm dự án mong đợi sẽ diễn ra:
Thời gian là điều cốt yếu
Như Slat đưa ra, hiện tại chỉ có 3% nhựa trong cuộc khảo sát của nhóm anh là nhựa cực nhỏ. Cho đến hiện nay thì phần lớn những mảnh nhựa vẫn đủ lớn để vớt ra dễ dàng.
“Đây là những gì khiến tôi lo nhất”, Slat nói. “Chuyện sẽ xảy ra trong hơn một thế kỷ tới là những món đồ nhựa lớn này sẽ bắt đầu bể ra thành những mảnh nhỏ hơn và thành nhựa vi mô có hại, làm gia tăng số lượng các mảnh nhựa cực nhỏ trong khoảng thời gian ngắn. Nếu chúng ta không dọn dẹp chúng đi thì sau này chúng ta phải tháo gỡ những quả bom hẹn giờ đang kêu tích tắc”.
Đây là một công việc khổng lồ: Chỉ riêng ở Thái Bình Dương, các nhà khoa học ước tính có khoảng 5 nghìn tỷ mảnh nhựa đang trôi dạt, có tuổi đời lên đến 40 năm. Nhưng Slat đã đo lường, làm việc với các nhà khoa học và sử dụng mô hình máy tính để xác định những hàng rào chắn của anh có thể thu thập được bao nhiêu. Anh tự tin rằng mình có thể thu nhặt được hàng tấn rác nhựa mỗi năm và đem nó trở về đất liền.
Và chúng ta có thể làm những gì với các rác thải có thể tái chế được? Vâng, có một cơ hội cho chúng. Để trả phí cho những hoạt động của dự án, loại nhựa có tính kinh tế này có thể được tái chế thành mọi vật dụng, từ bản ghi nhựa đến kính râm và hơn thế nữa.
Bạch Vân, theo mnn.com