Bạn có tin vào phép màu và sự tồn tại của Thiên Thần? Tôi nghĩ rằng khi còn là những đứa trẻ, ai trong chúng ta cũng từng một lần mơ ước được sống trong những thế giới siêu nhiên, kỳ ảo và phi thường.
“Vì sao rất nhiều người trên toàn thế giới đều yêu thích truyện cổ tích?” – Khi câu hỏi này được hỏi ngẫu nhiên qua 100 người, thì ý kiến được nhiều người trả lời nhất là “Vì truyện cổ tích có các yếu tố Thần Tiên”.
Dường như sâu thẳm trong tâm linh mỗi người, chúng ta đều ít nhiều từng mộng mơ về một thế giới phép thuật với những điều kỳ diệu. Tuy nhiên do ảnh hưởng của chủ nghĩa duy vật vô Thần, khoa học thực chứng và vô vàn những vất vả lo toan trong cuộc sống đời thường, đã khiến chúng ta ít khi suy nghĩ sâu xa hơn về nó.
Chúng ta vốn không thích “hiện thực” tầm thường
Những ai từng trải qua nền giáo dục phổ thông hẳn vẫn còn nhớ, trong chương trình Văn học cận đại và hiện đại người ta chia các tác phẩm ra làm “Văn học hiện thực” và “Văn học lãng mạn”. Văn học hiện thực viết về cuộc sống trong thế giới hiện thực, những điều người thường có thể tai nghe mắt thấy, đôi khi mang tính phê phán xã hội đương thời.
Còn Văn học lãng mạn thì không hề bị hạn cuộc trong đời thường, các tác giả có thể viết về một thế giới hoàn toàn khác thực tế, thậm chí là viết về những thế giới siêu nhiên như là cõi Trời, cõi Âm, không gian khác,…
Nhiều ý kiến cho rằng người chọn văn học lãng mạn làm đề tài là những người bất lực với chính trị đương thời, họ chán chường và muốn từ bỏ hiện thực, lãng quên hiện thực, nên tự tưởng tượng ra các thế giới Thần Tiên mà chìm đắm trong đó. Thật ra đây là do người ta đứng từ góc độ của “chủ nghĩa duy vật” mà nhìn nhận vấn đề. Việc phân chia ra thành “hiện thực” và “lãng mạn” cũng là sau khi xuất hiện thuyết vô Thần rồi mới có.
Chúng ta hãy nói về trẻ con, các em rất vô tư và trong sáng, một cách rất tự nhiên các em đều yêu thích những câu chuyện cổ tích, thần thoại hoặc những đề tài siêu nhiên, biến hóa kỳ ảo. Các em đều như tờ giấy trắng, không có dục vọng và chấp trước của người lớn, hỏi các em có gì để “bất mãn” và “chạy trốn” hiện thực? Hoàn toàn không có chuyện đó! Việc yêu thích đề tài này vốn xuất phát từ thiên tính của con người.
Người lớn cũng vậy, cũng rất yêu thích và từng mơ ước về các thế giới khác, nhưng người lớn có điều phải học, có việc phải lo và có chuyện phải làm, nên không thể thuần khiết vô tư như trẻ con mà nghĩ tưởng về những điều họ cho là “phi thực tế”.
Tuy nhiên, chúng ta thử nhìn sức sống dai dẳng của các truyện cổ tích thần thoại qua nhiều thế hệ, hoặc gần hơn, là sức hấp dẫn của các bộ phim lấy đề tài siêu nhiên, như là các phim Tiên hiệp của Trung Quốc, phim về siêu anh hùng trong vũ trụ điện ảnh Marvel, hay Harry Potter của phương Tây,… Những tác phẩm này đều rất lôi cuốn đối với cả người lớn chứ không riêng gì trẻ em.
Tại sao chúng ta lại truy cầu kích thích tâm lý trong những tác phẩm ấy? Phải chăng vì chúng ta thực chất không hề muốn thế giới hiện thực xung quanh mình quá tầm thường, chỉ suốt ngày xoay quanh vật chất kim tiền, chúng ta vẫn luôn chờ đợi sự xuất hiện của Thần tích và phép lạ. Dù chủ nghĩa vô Thần đang liên tục phủ định sự tồn tại của Thần tích, nhưng nó không thể thay đổi bản tính của con người, nó chỉ là khiến bản tính ấy bị che mờ không thể biểu hiện ra được nữa.
Liệu còn có những “nền khoa học” khác?
Trước đây trong bộ truyện tranh nổi tiếng Doraemon của Nhật Bản có một tập truyện dài kể về hành trình ở “Thế giới phép thuật” của nhóm bạn Nobita. Theo đó, Nobita và Doraemon đã sử dụng bảo bối để chuyển đổi thế giới đang sống trở thành thế giới phép thuật.
Đó cũng là một thế giới rất văn minh và tiên tiến. Nhưng ở đó trẻ em từ lớp 1 đã được nhà trường dạy cách sử dụng phép thuật, có thể dùng phép thuật để chơi bắn bi hoặc điều khiển vật thể bay lên không. Người phụ nữ sử dụng phép thuật tạo lửa để nấu ăn thay cho bếp ga; người đàn ông ngồi trên sợi dây thừng lơ lửng trên không mà sửa chữa mái nhà thay vì dùng thang trèo lên.
Trên tivi thì bày bán sản phẩm do các phù thủy hoặc pháp sư luyện ra bằng thuật luyện kim, chứ không phải là các phát minh của nhà khoa học. Thế giới đó cũng phân ra giàu nghèo, người giàu thì đi lại bằng thảm bay, còn người nghèo thì dùng chổi bay, nhưng chẳng có ai đi bộ hoặc đi xe ô tô cả.
Khi Shizuka dùng chổi bay chở Nobita đi chơi, Doraemon đã gắn chong chóng tre để bay theo. Shizuka hỏi Doraemon: “Cậu bay bằng phép thuật gì lạ thế?” Doraemon đáp: “Đây không phải là phép thuật, mà là phát minh khoa học.”, Shizuka liền chế giễu: “Ở thời đại phép thuật thịnh hành thế này mà cậu còn mê tín vào khoa học sao?”
Ngày nhỏ khi đọc truyện đến đây, câu nói trên của Shizuka đã để lại cho tôi một ấn tượng khá sâu sắc. Vì nếu trong thế giới này mà có người công khai nói rằng mình tin vào phép thuật, người ta hẳn sẽ dùng từ “mê tín” để chế nhạo người đó, còn ở thế giới của Shizuka thì cũng dùng từ “mê tín” đó, nhưng ngược lại họ nhìn nhận rằng khoa học mới là “mê tín” chứ không phải phép thuật!
Tất nhiên “Doraemon” vẫn là một bộ truyện tranh hiện đại, nhưng nếu nghĩ kỹ thì câu chuyện trên đã mang đến cho chúng ta một gợi mở: xã hội còn có rất nhiều cách khác nhau để phát triển. Khoa học, hay nói chính xác là “khoa học thực chứng của người phương Tây”, chỉ là một trong những con đường phát triển, vẫn còn rất nhiều hình thức phát triển khác có thể mang đến văn minh và tiến bộ cho nhân loại.
Chúng ta hãy lấy một vài ví dụ: Vào thời Tam quốc, Gia Cát Lượng nhìn sao trời liền biết Bàng Thống đã chết, Tư Mã Ý cũng nhìn sao trời mà đoán Gia Cát Lượng đã quy tiên, làm thế nào họ có thể đưa ra những tiên đoán chuẩn xác như vậy? Lại nói Hoa Đà nhìn thấy trong đầu Tào Tháo có khối u, và sau này Tào Tháo quả thật đã chết vì khối u ấy, thời đó không có máy móc tiên tiến để chụp X-quang, làm sao Hoa Đà có thể nhìn thấy điều này?
Người ngày nay nếu muốn bảo quản thi hài của người đã khuất thì hàng năm phải tốn rất nhiều chi phí, nhưng cũng không chắc là có thể duy trì được bao lâu. Nhưng thời xưa có rất nhiều người tu hành trong tôn giáo, cao tăng, đạo sĩ, mục sư, sau khi họ chết thân thể của họ không hề thối rữa mà vẫn trường tồn với thời gian, dù không dùng bất cứ phương pháp bảo quản nào.
Những điều này nếu chỉ dựa vào khoa học thực chứng hiện nay thì chưa thể lý giải được, nhưng nó vẫn đang tồn tại. Theo nghĩa rộng, “khoa học” là tất cả những tri thức mà chúng ta có thể học, vậy thì những điều “siêu thường” trên tuy không thuộc về khoa học thực chứng của phương Tây, nhưng chúng cũng là các tri thức, cũng là các hình thức khoa học khác.
Trong bộ phim nổi tiếng Harry Potter, chỉ người có đủ lòng dũng cảm mới có thể vượt qua bức tường ngăn cách để tiến vào thế giới phép thuật. Có lẽ trong tâm trí của mỗi chúng ta cũng có một “bức tường” như vậy, “bức tường” này tạo thành từ định kiến và sự cố chấp của chính chúng ta, khiến chúng ta đánh mất bản tính vô tư của trẻ con, khiến chúng ta từ chối tin vào phép màu, Thần tích và những gì nằm ngoài khoa học thực chứng.
Chỉ những người có đủ lòng dũng cảm vứt bỏ định kiến, dám nhảy ra khỏi cái khung do khoa học hiện đại tạo thành, mới cảm nhận được sự tồn tại của Thần và những thế giới khác, cũng như những nền khoa học hoàn toàn khác.
Đó không phải sự ảo tưởng của chủ nghĩa lãng mạn nào cả, mà là chân chính giải thoát người ta khỏi cái “hiện thực” nặng nề danh lợi và vật chất nhưng lại có vẻ tầm thường này.
Thế Di