Có những thứ trên đời, bạn càng dụng tâm giải quyết nó thì lại càng không cách nào giải được. Đôi khi, chỉ cần bạn lặng yên chờ đợi, tĩnh tâm, mọi sự tự nó đã có sự “an bài” hết cả rồi!
Hôm ấy đạo sư có việc ở một làng quê hẻo lánh và đưa đệ tử đi theo. Cả hai đều đi bộ. Dọc đường, đạo sư bảo đệ tử tạm nghỉ chân dưới một tàn cây xanh um, như cái dù lớn che nắng trưa chói chang. Cách đó xa xa là một dòng suối nhỏ chắn ngang.
Đạo sư bảo: “Thầy khát rồi. Con lấy dùm thầy chút nước nhé!”.
Đệ tử nhanh nhảu xách theo chiếc vò và bước tới con suối. Đến nơi, anh tần ngần nhìn dòng nước, rồi nhìn sang bên bờ kia thì bắt gặp một đàn bò còn ướt lông. Hiểu ra cớ sự, anh quay lại gặp sư phụ, bộc bạch:
“Thưa thầy, người ta mới vừa dắt bò qua suối. Nước bị quậy lên đục ngầu nên con không dám…”
Đạo sư ôn tồn: “Được rồi con. Vậy mình chờ một chút”.
Khoảng mười lăm phút sau, đạo sư bảo: “Lấy nước đi con!”
Đệ tử sốt sắng xách vò trở lại bờ suối. Anh thấy nước bớt đục hơn, nhưng vẫn chưa thể dùng được. Lập tức quay về chỗ sư phụ, áy náy nói:
“Thưa thầy, vẫn chưa uống được đâu ạ”.
Đạo sư mỉm cười: “Không sao. Mình chờ thêm một chút nữa”.
Rồi ngài xếp bằng, hai bàn tay kết lại, sửa dáng cho thẳng lưng, lim dim đôi mắt, yên lặng dưỡng thân dưới bóng râm của tàn cây.
Khoảng nửa giờ sau, đệ tử ấy trở lại bờ suối. Bây giờ nước đã trong veo, có thể nhìn thấu lớp sỏi dưới đáy. Anh rón rén bước xuống để khỏi khuấy động, và cố lựa chỗ trong nhất để múc đầy vò nước mát mang về dâng thầy.
Đạo sư đón lấy cái vò, nhìn vào rồi bảo:
“Con xem, giờ chúng ta đã có những giọt nước trong trẻo, mát ngọt rồi này. Thật ra, có những việc con không cần làm gì cả, chỉ cần kiên nhẫn đợi cho cặn cáu có đủ thời gian để nó tự lắng xuống. Tâm con cũng thế.
Khi tâm con nổi sóng, điên đảo, con đừng tìm cách này cách kia để cố dẹp yên nó, con hãy cho nó đủ thời gian để nó tự lắng xuống. Vậy nên khi con giận ai, con đừng nghĩ tới họ nữa, cũng đừng tranh cãi hơn thua, hãy hướng tư tưởng con sang việc khác, tốt nhất là con làm thinh, giả mù, giả điếc, tự nhiên cái tâm này sẽ tĩnh lại được ngay thôi!”.
Đệ tử đáp: “Thưa thầy, nhưng thường đang lúc tâm trạng bất bình thì con lại không nhớ được cách để thoát ra!”.
Đạo sư gật đầu: “Phải rồi. Nhưng chỉ sau khi phạm sai lầm xong rồi thì mình mới biết là mình sai lầm. Như thế vẫn còn khá hơn là không nhận ra sai lầm mình vừa mắc phải.
Mỗi một tình huống trong cuộc sống là một bài khảo thí trình độ tâm tính của con. Đối mặt với vạn sự trên đời, có thể tĩnh lại được là thể hiện của công phu, dám tĩnh lại hay không cũng cần thêm dũng khí!”…
(Sưu tầm)