Tinh Hoa

Bản chép tay 95 năm hé lộ bí quyết sống hạnh phúc của thiên tài Albert Einstein

Những dòng chữ viết tay mà nhà vật lý thiên tài Albert Einstein từng viết cho một người đưa thư ở Tokyo cách đây 95 năm cũng đã cô đọng súc tích quan niệm của ông về cuộc sống hạnh phúc.

Nhà vật lý thiên tài Albert Einstein và một bản viết tay 95 năm trước của ông. (Ảnh: Kent Gazetesi)

Trong văn hóa Nhật Bản, việc trao tiền “tip” (tiền boa, tiền thưởng) cho một người đang làm công việc kiếm sống thường ngày của họ không phải là hành động được đánh giá cao. Sự tận tụy đối với công việc được xem là trách nhiệm của mỗi người và thường họ không đòi hỏi tiền “tip”. Vì vậy, Einstein đã cảm ơn người đưa thư bằng một tờ giấy viết tay.

Ở thời điểm đó, năm 1922, ông đang ở Nhật để thực hiện một loạt các bài thuyết giảng chuyên môn. Lúc này, ông đã được thông báo rằng mình chuẩn bị được nhận giải Nobel Vật lý, danh tiếng của ông cũng đã vượt ra ngoài lĩnh vực khoa học.

Sự thu hút của Einstein khi đó (và ngay cả bây giờ) không chỉ giới hạn trong cộng đồng khoa học, mà với cả công chúng nói chung.

Người đưa thư quen thuộc khi đó thường làm nhiệm vụ chuyển giao thư tín cho nhà khoa học từ khách sạn Imperial ở Tokyo tới các nơi trong thành phố và ngược lại. Để cảm ơn người đưa thư, Einstein đã viết cho người đàn ông này hai dòng chữ viết tay bằng tiếng Đức.

Tờ giấy có bút tích của nhà khoa học Albert Einstein xuất hiện trở lại sau 95 năm. (Ảnh: lemonde.fr)

Tờ giấy có bút tích của Einstein đã được người đàn ông giữ đến hết đời. Theo những gì người đưa thư kể lại với các thành viên trong gia đình, khi Einstein đưa tờ giấy này cho ông, nhà vật lý đã nói: “Mong rằng anh sẽ may mắn, và những dòng chữ này sẽ trở nên giá trị hơn những đồng tiền boa thông thường”.

Những dòng chữ được viết trên tờ giấy viết thư đặt trong phòng khách sạn của Imperial Hotel Tokyo, trên giấy vẫn còn logo của khách sạn khi đó. Một mặt giấy có logo viết rằng: “Một cuộc đời tĩnh lặng và giản dị đưa lại nhiều niềm vui hơn một cuộc đời theo đuổi thành công và không ngừng náo động”. Mặt giấy còn lại viết: “Ở đâu có ý chí, ở đó có lối đi”.

Tờ giấy có bút tích của Albert Einstein mặc dù không có giá trị về mặt khoa học nhưng đưa lại sự thấu hiểu phần nào về những suy nghĩ của một con người thiên tài.

Einstein không chỉ tuyệt đỉnh thông minh, mà trong cuộc sống đời thường, ông còn rất sâu sắc, hài hước và thâm thúy. Einstein vừa là một nhà khoa học vừa như một nhà triết học, với nhiều phát ngôn lưu danh hậu thế về con người và cuộc đời:

“Điều đã luôn thắp sáng con đường tôi đi và hết lần này đến lần khác truyền cho tôi sự can đảm để đối diện với cuộc sống một cách vui tươi, đó chính là Sự tử tế, Cái đẹp, và Sự thật. Nếu không có sự đồng điệu của những tâm hồn, nếu không có sự khách quan trong thế giới, sự vĩnh cửu của nghệ thuật và sự tìm tòi không ngừng nghỉ của khoa học, cuộc sống là trống rỗng đối với tôi. Những thứ sáo mòn mà con người cố gắng đạt tới – của cải vật chất, thành công thăng tiến, xa hoa đẳng cấp – tất cả đều là tầm thường… Đừng cố gắng để là con người thành công, hãy cố gắng để là con người có giá trị”. Albert Einstein

Theo DT