Thời cổ đại có rất nhiều vua chúa đều hiểu được đạo lý chăm lo cho dân và yêu dân, dùng lòng nhân từ mà trị quốc, vận mệnh quốc gia vì thế mà tự trường tồn lâu dài, quốc thái dân an, bách tính an cư lạc nghiệp.
Nếu như vua chúa làm trái chuẩn tắc nhân nghĩa, dùng hình phạt nghiêm khắc, sưu cao thuế nặng, nô dịch bách tính, quốc gia sẽ rất nhanh dẫn đến diệt vong, vì dân có thể cùng vua lập quốc, thì dân cũng có thể phản quốc. Cho nên việc trị quốc trước tiên phải biết chăm lo cho người dân.
Đường Thái Tông: Làm việc nhân nghĩa thì tai họa sẽ không xảy ra
Năm Trinh Quán thứ nhất, Đường Thái Tông nói: “Ta xem Hoàng đế cổ đại, hễ dùng nhân nghĩa mà trị Quốc, thì vận mệnh Quốc gia sẽ trường tồn. Dùng hình phạt nghiêm khắc mà trị dân, dù có thể giải quyết được vấn đề trước mắt, nhưng Quốc gia đó sẽ rất nhanh bị diệt vong. Chúng ta thấy được Hoàng Đế trước kia dùng phương pháp đó mà thành công, cho nên chúng ta nên lấy đó mà làm gương”.
Năm Trinh Quán thứ tư, Phòng Huyền Linh tấu lên vua nói: “Gần đây, Thần kiểm tra áo giáp binh khí trong kho vũ khí, đã vượt xa nhà Tùy rồi.” Đường Thái Tông nói: “Tu sửa binh khí đề phòng giặc loạn, tuy là việc khẩn cấp, nhưng ta cần các khanh trong tâm luôn có con đường trị quốc đúng đắn, nhất định phải hết mực trung thành, làm cho bách tính an cư lạc nghiệp, đó chính là binh khí và áo giáp của ta. Tùy Dương Đế chẳng lẽ vì áo giáp và binh khí không đủ mà bị diệt vong hay sao? Chính vì ông ta không trọng nhân nghĩa, nên quân thần oán hận mà tạo phản. Các khanh cần hiểu rõ điều này!”
Năm Trinh Quán thứ 13, Đường Thái Tông nói với quân thần: “Rừng cây rậm rạp, thì chim chóc sẽ đến làm tổ sinh sống; sông nước rộng lớn thì tôm cá mới có thể tung tăng bơi lội; nhân nghĩa tích tụ, dân chúng tự khắc quy thuận. Mọi người ai cũng đều biết kính sợ thì có thể tránh được tai họa. Cho nên chuẩn tắc nhân nghĩa, người làm quan, nên tự ghi nhớ trong lòng, thường xuyên suy xét ước thúc chính mình, nếu có một chút buông lơi, thì cũng rời xa nhân nghĩa rồi. Cũng như thức ăn nuôi dưỡng cơ thể ta, cần ăn uống no đủ, thì mới có thể sống được”.
Vương Khuê nghe xong, dập đầu thưa: “Bệ hạ biết những đạo lý này, dân chúng trong thiên hạ quả là quá may mắn rồi!”
Hoàng đế hạ chiếu: Trị quốc trước tiên phải biết chăm lo cho dân
Năm Thiệu Hy thứ 2 thời Tống Quang Tông, Tống Quang Tông hạ chiếu nói: “Trẫm cho rằng, trị quốc trước tiên phải biết chăm lo cho dân. Cho nên từ trước đến nay, giảm thuế, ban bố các điều lệ khoan dung, cũng là vì hy vọng các nơi trong cả nước nhà nhà đều giàu có, sung túc. Quan huyện, phủ địa phương là gần với dân chúng, nếu quả thật làm được việc trấn an lòng dân, tạo phúc cho dân, tuyên truyền đạo lý làm người chân chính, có thể đạt được liêm chính thanh minh, những tranh luận cũng sẽ ngừng lại.
Nhưng căn cứ vào tình hình hiện tại mọi người phản ánh, quan lại thu thuế trước thời hạn, cạnh tranh nhau tích lũy của cải, mà căn bản là không cân nhắc đến khả năng đóng thuế của người dân, dồn ép họ phải nộp thuế, ùn ùn kéo đến, liên tiếp không ngừng, quan lại tùy ý bóc lột, áp bức dân chúng, căn bản là không quan tâm gì đến an nguy của dân.
Ngoài quản lý tài sản, trẫm chưa nghe qua quản lý đất nước được tốt như thế nào, điều này rất không phù hợp với ý mà trẫm giao cho các khanh. Thu nhập tài chính Quốc gia thông thường là nhất định, sự ổn định của nó thể hiện ở chỗ quản lý tốt, mà không thể dựa vào tham ô hung ác, dựa vào sưu cao thuế nặng, thúc giục gấp gáp và nghiêm khắc với dân.
Hiểu biết đạo lý đầu đuôi trước sau, đây mới là điều trẫm mong mỏi ở quan chức phụ trách ở các Châu, Huyện, đây là yêu cầu cơ bản nhất nhưng cũng quan trọng nhất! Từ nay về sau, tất cả mọi người dùng thương cảm mà ghi lòng tạc dạ, dùng quản lý mà dưỡng dục trăm dân là nhiệm vụ chủ yếu, nếu như có thể khiến cho bách tính an cư lạc nghiệp, trẫm sẽ trao bổng lộc mà khen ngợi”.
Nghĩ ngơi lấy lại sức, hậu đãi dân chúng
Trương Cư Chính, một danh thần triều nhà Minh đã khuyên ngăn hoàng đế nói rằng: “Tài nguyên mà thiên hạ có thể tạo ra, có ở quan phủ hoặc tại dân gian, số lượng cũng chỉ có như vậy. Lấy người làm ví dụ, thể chất mạnh yếu là trời sinh, đó vốn là điều được xác định rồi. người biết tu dưỡng, chính là bởi vì chú ý tiết chế và yêu quý thân thể, không làm tổn hại bản thân bằng sự ham muốn, nó đủ để ngăn ngừa bệnh tật mà kéo dài tuổi thọ.
Trong quá khứ, Hán Chiêu Đế nối ngôi Hán Vũ Đế sau mấy năm chinh chiến ròng rã, lúc ấy thực lực kinh tế trong nước rất khó khăn. Về sau, nhờ sự giúp đỡ của đại thần Hoắc Quang mà dân chúng được nghỉ ngơi hồi phục vài năm, cuộc sống của bách tính dần dần yên ổn và giàu có. Tài chính Quốc gia cũng nhờ đó mà đầy đủ trở lại.
Cho nên, thay vì dùng trăm phương nghìn kế để thu thuế, đòi lấy của cải trong dân chúng, mà nguyên những thứ ấy cũng có hạn, khiến cho bách tính lầm than, chi bằng chú ý tiết kiệm, tự biết đủ rồi tài phú cũng sẽ dư dả, lúc đó mới lấy ra mà hậu đãi bách tính, dùng lòng nhân đức mà đối đãi muôn dân trăm họ.
Hy vọng Hoàng thượng thương đến hoàn cảnh của muôn dân bần cùng khốn khổ. Đối với bách tính thì đây là ân huệ to lớn vua ban rồi, hễ là những công trình không quan trọng, không gấp, điều động vô ích, hết thảy đều phải ngừng lại. Đề cao tiết kiệm, giản dị, vì người trong thiên hạ mà làm gương”.
Sinh Toàn (Theo Soundofhope)