Tinh Hoa

Bài học thống nhất đất nước từ Helmut Kohl, cha đẻ của nước Đức tân tiến ngày nay

Sự ra đi của Helmut Kohl, “người cha sản sinh ra nước Ðức tân tiến”, đã khiến nhiều lãnh đạo các nước cũng như người dân vô cùng thương tiếc. Ông là người có công thống nhất nước Đức trong hòa bình sau 45 năm chia cắt, đồng thời hình thành nên một châu Âu đoàn kết và hội nhập toàn diện.

Helmut Kohl tại một buổi lễ ở Stuttgart vào năm 2001 nhân kỷ niệm 11 năm ngày thống nhất nước Đức. (Ảnh: Reuters)

Helmut Kohl, cựu Thủ tướng Ðức, đã qua đời tại nhà riêng ở quê nhà Ludwigshafen, thành phố cảng trên sông Rhine, Ðức quốc, lúc 9h15, sáng 16/6/2017, thọ 87 tuổi.

Helmut Joseph Michael Kohl chào đời ngày 3/4/1930. Lên 15 tuổi, Helmut Kohl phải gia nhập Ðoàn Thanh niên Hitler cũng như các bạn cùng trang lứa, vì không có chọn lựa nào khác hơn. Lúc đó, thành phố Ludwigshafen bị quân Ðồng Minh dội bom liên tục hầu như mỗi ngày, Helmut Kohl được giao nhiệm vụ đào bới trong đống đổ nát, tro bụi để tìm xác của đồng bào mình.

Mùa xuân năm 1945, sống sót sau một trận bom ác liệt ở thị xã Berchtesgaden, nơi ông đang làm nhiệm vụ tiếp đạn cho pháo đội phòng không, Helmut Kohl quyết định cuộc chiến đối với mình đã chấm dứt.

Vẫn còn mặc đồng phục của đoàn Thanh niên Hitler, Helmut Kohl cùng vài người bạn, tránh những đường quốc lộ nơi quân xa Mỹ đang tràn tới, chỉ dám men theo đường xe lửa, lội bộ về quê nhà cách đó hơn 250 dặm (khoảng 402 km).

Ngày 7/5/1945, Ðức Quốc xã đầu hàng, cả nhóm bị lọt vào tay dân công người Ba Lan và bị họ đánh cho một trận ra trò. Cuối cùng, đầu tháng 6, ông về tới quê nhà. Sau này, Helmut Kohl phát biểu: “Mình may mắn vì ra đời muộn. Bằng không chắc cũng phải gia nhập vào quân đội Phát xít Hitler.”

Helmut Kohl quay lại trường, học luật tại Frankfurt, rồi chuyển sang Heidelberg học về Lịch sử và Khoa học Chính trị. Năm 1960, ông cưới Hannelore Renner, người ông đã quen biết từ năm 1948, và họ có hai con trai.

Helmut Kohl cao tới 1,93 m, nặng hơn 136 kg. Hình dạng phốp pháp có lẽ vì ông rất mê đồ ăn nấu theo kiểu Ý, tự gọi mình là ‘an elephant in a china shop’ (một con voi trong tiệm bán đồ sành sứ). Ðối thủ chính trị chọc quê gọi ông là quả lê, theo một phim hoạt hình vẽ ông có cái đầu như một quả lê, hoặc chế nhạo cái tên Kohl, tiếng Ðức, có nghĩa là bắp cải.

Con đường chính trị của ông cũng thăng trầm như cuộc đời riêng của mình. Ông gia nhập đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (Christian Democratic Union) khi chỉ mới 17 tuổi, rồi học đại học về Luật Lịch sử và chính trị. Trong cuộc bầu cử liên bang tháng 3/1983, Kohl thắng lớn trở thành Thủ tướng Ðức.

Sự chế nhạo của công chúng giảm xuống khi con đường chính trị của Kohl bắt đầu đi lên: một nhân vật quan trọng của cuộc thống nhất nước Ðức, một trong những nhà lãnh đạo hàng đầu của Liên Âu.

Ngày 22/9/1984, Kohl gặp Tổng thống Pháp François Mitterrand tại bãi chiến trường Verdun xưa – nơi quân Pháp giành chiến thắng  trước quân Ðức trong Thế Chiến I – để cùng tưởng niệm những người chết trong cả 2 thế chiến. Bức ảnh, cái bắt tay dài nhiều phút giữa hai người đã trở thành một biểu tượng quan trọng của sự hòa giải giữa Ðức và Pháp. Cùng nhau, họ đã đặt nền tảng cho Liên Âu.

Helmut Kohl và François Mitterrand bắt tay để tái khẳng định sự hòa giải Pháp – Đức vào năm 1984. (Ảnh: Getty Images)

Năm 1987, Erich Honecker, lãnh tụ Đảng Cộng sản Ðông Ðức lần đầu tiên tới Tây Ðức, để xin hàng tỉ USD viện trợ vì nền kinh tế Ðông Ðức đang trên bờ sụp đổ… Kohl và Gorbachev gặp nhau lần đầu ở Moscow vào tháng 10/1988, khi thế giới Cộng sản sau bức màn sắt dưới sự kềm kẹp của Liên Xô đã bắt đầu rạn nứt do phong trào Công đoàn Ðoàn kết tại Ba Lan gây ra.

Tháng 2/1990, Helmut Kohl, tới Liên Xô gặp Mikhail Gorbachev, đoán chắn rằng Nga sẽ không đưa Hồng quân với xe tăng đến đàn áp nhân dân Ðông Ðức khi quá trình thống nhất nước Ðức diễn ra như đã từng làm tại Hungary năm 1956 và Tiệp Khắc năm 1968.

Helmut Kohl đã nói với Mikhail Gorbachev rằng:

“Chúng ta không trực tiếp đánh nhau nhưng vẫn còn nhìn nhau bằng con mắt thù hận! Bao nhiêu đó cũng đủ cảm thấy được nỗi kinh hoàng. Thế nên, hãy cùng nhau mang cả hai nước tiến về một nền văn minh hơn nữa”.

Mùa hè năm 1989, hàng chục ngàn người đào thoát khỏi Ðông Ðức qua ngả Hungary và Tiệp Khắc để tới Tây Ðức. Erich Honecker bị truất phế. Ðêm ngày 9/11, bức tường Berlin sụp đổ. Nước Ðức thống nhất sau 45 năm bị chia cắt.

Người dân Berlin ca hát, nhảy múa ăn mừng sự kiện lịch sử Bức tường Berlin sụp đổ. (Ảnh: molly-and-christina.tumblr.com)

Trong khối Cộng sản Ðông Âu, ai cũng nghĩ rằng Ðông Ðức có nền kinh tế mạnh nhất nhưng sau đó mới vỡ lẽ ra là nó đang bên bờ của sự khánh tận. Hai năm sau thống nhất, tới 4,7 triệu dân Ðông Ðức thất nghiệp.

Helmut Kohl đã kêu gọi đồng bào mình, lá lành đùm lá rách, hãy thắt lưng buộc bụng để giúp dân Ðông Ðức. Dân Tây Ðức thì than phiền chính phủ đã chi quá nhiều để giúp dân Ðông Ðức, làm thâm hụt ngân sách tới 400 USD. Còn dân Ðông Ðức phàn nàn giúp ít quá, nên tổ chức biểu tình ở Halle, ném trứng phản đối, gọi ông là kẻ dối trá.

Năm 1998, sau 16 năm cầm quyền, quảng thời gian dài chỉ sau Otto von Bismarck, hào quang vây quanh Kohl phần lớn đã tắt do tình trạng thất nghiệp gia tăng. Helmut Kohl đã bị Gerhard Schröder của đảng Dân Chủ Xã Hội (Social Democrats) với khẩu hiệu là: Sau 16 năm đã tới lúc thay đổi, đánh bại. Nội bộ đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo cũng muốn ông nhường chỗ cho một thế hệ trẻ hơn.

Tuy nhiên giờ đây, khi nhận hung tin Helmut Kohl từ trần, Liên Âu treo cờ rũ ở Brussels (Tục lệ này là nghi lễ áp dụng ở nhiều nước khi có quốc tang, tỏ lòng tôn kính và khi gặp đại nạn). Thủ tướng Ðức, Angela Merkel, phát biểu bằng một giọng xúc động: “Nước Ðức đã mất đi một người con ưu tú”.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Anh Theresa May ca ngợi Helmut Kohl là “một con người khổng lồ của lịch sử Châu Âu; người cha đã sản sinh ra nước Ðức tân tiến ngày nay!”. Ngay cả Donald Trump, Tổng thống Mỹ, cũng phải nói: “Kohl là bạn, là đồng minh của Mỹ. Thế giới được hưởng lợi vì viễn kiến và nỗ lực của ông ấy!”. Người dân đọc báo mạng nghe tin Helmut Kohl qua đời đều tỏ lòng thương tiếc.

“Thắng cuộc chiến tranh lạnh do công của Reagan, Bush, Thatcher… và Kohl. Nhưng nước Ðức thống nhất là do Kohl”.

May mắn cho người Ðức, có lãnh tụ như Kohl mang nhân dân đến cùng nhau.

Thủ tướng Helmut Kohl được hàng ngàn người Đông Đức tung hô trong cuộc bầu cử đầu tiên sau khi nước Đức thống nhất. (Ảnh: Twitter)

***

Bài học từ Helmut Kohl

Khi Thế chiến II kết thúc, bàn cờ địa chính trị, Ðức, Triều Tiên và Việt Nam bị các siêu cường giữa hai khối Tự Do và Cộng sản chia cắt. Các nước nhỏ, yếu đành bất lực.

Nước Ðức có lãnh tụ được người dân tự do bầu lên, thương nước thương nòi nên đã thống nhất nước Ðức trong hòa bình. Ðó là bài học mà đất nước đang còn bị chia cắt là Triều Tiên cần phải học.

Riêng Việt Nam, Cộng sản Bắc Việt nhất định thống nhất miền Nam bằng võ lực. Hậu quả tàn khốc là làm cả triệu người dân hai miền bị giết chết, tuy thống nhất về lãnh thổ nhưng lòng người ly tan.

Theo Báo Trẻ Online