Miệng thì rao giảng điều nhân nghĩa nhưng lại lỗ mãng xúc phạm tăng ni nhà Phật, vị thầy giáo phải nhận một bài học nhớ đời. Câu chuyện với ý nghĩa giáo huấn nhẹ nhàng này sẽ là một lời cảnh tỉnh cho những ai vẫn còn trong vô minh mà dám phỉ báng người tu luyện chân chính.
Vào đời nhà Thanh, chú ruột của học giả nổi tiếng Kỷ Hiểu Lam là Kỷ Vụ Am, đã tự mình chứng kiến một sự việc. Câu chuyện được ông kể lại với Kỷ Hiểu Lam như sau:
Có một người thầy giáo trường tư thục, hàng ngày miệng thường rao giảng những điều đạo đức nhân nghĩa, nhưng hành vi lại mười phần thô tục. Ông ta thường xuyên phỉ báng nhà Phật, trên đường nhìn thấy tăng nhân thì sẽ cất những lời nói vô cùng lỗ mãng.
Một hôm, có một vị tăng nhân đi đến gần chỗ trường học này, hướng về cư dân xung quanh mà gõ mõ hóa duyên. Người thầy giáo kia từ trường học đi ra, nhìn thấy vị tăng nhân liền lên giọng quở mắng: “Những kẻ giống như các ngươi đây, thường ngày ở đó mà giảng nói những tà thuyết lừa gạt dân chúng, ta trước nay đều cực kỳ chán ghét. Chúng ta vốn là đồ đệ của thánh nhân, nơi đây là để giảng dạy những điều nhân nghĩa, ngươi lại chạy đến để xin ăn ư, đừng hòng!”.
Vị tăng nhân bình thản nói: “Tiên sinh vì sao lại phải bực bội như vậy?”, và vẫn đứng đó không rời đi.
Người thầy giáo kia vội quay vào trong trường học lấy ra chiếc thước dạy học mà ông vẫn thường dùng để trừng phạt học trò, cứ thế dùng thước mà hung hăng đánh tới tấp lên người vị tăng nhân.
Vị tăng nhân bị đánh bất ngờ ngã nhào xuống đất, từ từ bò dậy, lấy tay phủi bụi trên quần áo rồi nhẹ nhàng bước đi, vừa bước đi vừa nói rằng: “Cái người này quả là rất ác!”.
Vị tăng nhân vừa bước đi thì từ trong người rơi xuống mặt đất một túi vải lớn, dường như ông vẫn không hề hay biết.
Đám học trò nhìn thấy túi vải của nhà sư bị rơi thì rất lấy làm tò mò. Chúng lấy tay sờ thử, thì thấy bên trong hình như có rất nhiều thứ như là tiền bạc vậy.
Lũ học trò nóng lòng muốn mở túi ra để lấy bạc, có đứa nói: “Số tiền này chúng ta cần chia đều!”.
Người thầy giáo kia tiến lại nói: “Trước hết hãy khoan vội mở, hãy chờ một lát. Hãy đợi xem ông sư kia có quay lại không, nếu hắn không quay lại thì chúng ta hãy mở xem tổng cộng có bao nhiêu tiền, rồi sẽ tiếp tục quyết định chia làm sao. Cần phải nghe lời của ta, không được tranh nhau!”.
Vì thế, một bên học trò, một bên thầy giáo nhìn bao vải to và cùng đợi. Chờ trong chốc lát, thầy giáo nói: “Chờ tới lúc này mà lão nhà sư kia không quay lại, vậy chúng ta hãy mở túi ra xem có bao nhiêu tiền đi!”.
Nhưng vừa mới mở túi ra xem thử thì thật không ngờ, “vù vù” một tiếng, từ trong túi bay ra rất nhiều ong vò vẽ, hướng tới đám người này mà đốt mà chích; đặc biệt lũ ong này cứ ào ào nhắm thẳng vào mặt của thầy giáo kia mà đốt. Lúc này, cả thầy cả trò đều hoảng sợ mà chạy toán loạn.
Rất nhanh, nhóm người cả thầy lẫn trò đều bị lũ ong đốt cho sưng khắp người, mặt biến dạng. Dân làng xung quanh nghe thấy tiếng kêu la liền chạy tới hỏi chuyện. Lúc này, vị tăng nhân nọ mới quay lại trường học, nói: “Người thầy giáo này miệng thì luôn giảng điều nhân nghĩa đạo đức, nhưng lại dám phỉ báng nhà Phật, làm sao có thể cùng học trò mà phân chia tiền của ta đây?”. Nói xong, ông cầm lấy túi vải của mình rồi rời đi.
Vị tăng nhân tiến ra khỏi cửa, người thầy giáo kia sợ hãi mà chắp tay lạy rằng: “Thánh nhân, đã mạo phạm đến ngài, xin hãy tha thứ cho tôi!”. Dân làng xung quanh nhìn thấy vậy, thì đều khúc khích cười thành tiếng.
(Trích “Duyệt Vi Thảo Đường Bút Ký” – quyển 2)
Bảo An, dịch từ Epoch Times