Thời cổ đại, những người được xưng là chí sĩ hào kiệt đều có thể “nhẫn được những việc mà người bình thường khó nhẫn” và “khoan dung được cả những việc mà người thường khó lòng chịu đựng được”.
Một người bình thường khi đối mặt với những biến cố lớn trong cuộc đời, thông thường sẽ chịu sự đả kích lớn mà khó lòng vượt qua. Bởi vì nội tâm của một người thông thường là yếu ớt. Một người khi lâm nguy mà có thể làm được không sợ là điều không dễ dàng, làm được chịu nhục mà không giận thì lại càng khó khăn hơn. Bởi vì khả năng chịu đựng của nội tâm một người là do tâm tính cao thấp của người ấy quyết định.
Một người muốn có được nhiều thành tựu trong cuộc đời thì phải ở trong các loại khảo nghiệm, đủ loại hấp dẫn thậm chí là phỉ báng mà không ngừng tu tâm dưỡng tính, đồng thời như thế người ấy mới có thể từng bước mở rộng được tâm lượng và nâng cao được khả năng chịu đựng của bản thân mình.
Chí sĩ hào kiệt tất có lễ tiết hơn người
Thời cổ đại, để hình dung về một người được xưng là chí sĩ hào kiệt, người ta có câu: “Thốt nhiên lâm chi nhi bất kinh vô cớ gia chi nhi bất nộ” ( Tạm dịch: Thình lình gặp những việc bất thường cũng không kinh, vô cớ bị những điều ngang trái cũng không giận). Hai câu danh ngôn này có xuất xứ từ “Lưu Hầu Luận” của đại văn hào nổi tiếng thời Tống – Tô Đông Pha.
Nguyên văn của câu ấy như sau: “Cổ chi sở vị hào kiệt chí sĩ giả, tất hữu quá nhân chi tiết. Nhân tình hữu sở bất năng nhẫn giả, thất phu kiến nhục, bạt kiếm nhi khởi, đĩnh thân nhi đấu, thử bất túc vi dũng dã. Thiên hạ hữu đại dũng giả, thốt nhiên lâm chi nhi bất kinh, vô cớ gia chi nhi bất nộ. Thử kì sở hiệp trì giả thậm đại, nhi kì chí thậm viễn dã”. Tức là, thời cổ đại, người được xưng là chí sĩ hào kiệt nhất định đều có tiết tháo hơn người, còn có thể bao dung được những điều mà một người bình thường không thể chịu đựng được. Kẻ hữu dũng vô mưu khi bị nhục sẽ tuốt kiếm tranh đấu. Người như vậy không được gọi là dũng sĩ. Người chân chính có khí phách hào kiệt trong thiên hạ thình lình gặp những việc bất thường cũng không kinh hoảng, vô cớ bị người khác vũ nhục cũng không phẫn nộ. Làm được điều ấy là bởi vì trong lòng của họ có hoài bão to lớn, có chí hướng phi thường cao xa.
Một người dễ dàng kinh hoảng hay tức giận đều là có quan hệ mật thiết với tâm tính cao hay thấp của người ấy. Kinh hoảng thường thường là vì chột dạ, làm sai điều gì đó sợ người khác phát hiện ra, chột dạ vì tự biết có chỗ thiếu sót. Một người có thể thực sự luôn tìm thiếu sót ở bản thân mình, “ngửa mặt không thẹn với trời, cúi mặt không thẹn với người”, cho dù ở đạo, ở pháp, ở nghĩa, hay ở tình đều không có thiếu sót thì sẽ thình lình gặp chuyện bất thường cũng sẽ không kinh hoảng, gặp chuyện lớn mà không sợ hãi.
Một người dễ dàng tức giận cũng thường thường là bởi vì chột dạ. Chột dạ tựa như trong mình có một vết thương nên so với người khác càng thêm mẫn cảm. Một khi bị chạm vào vết thương đó, người ấy sẽ có phản ứng vô cùng kịch liệt. Nếu một người có được tâm thản nhiên thì gặp biến cố hay vô cớ bị người khác chỉ trích, quy tội cũng sẽ không dễ dàng tức giận.
Ngắm núi cao giải bận lòng, gặp biển rộng ngộ bao dung
Nếu nội tâm của một người được tôi luyện đến một cảnh giới nhất định thì sẽ có thể thường xuyên bảo trì được tâm thái bình tĩnh và tường hòa. Khi đối mặt với sự tình bất thường đột nhiên xảy đến hay khi bị lâm nguy cũng sẽ không sợ hãi, người ấy có thể trấn định được cái tâm của mình.
Người mà trong lòng quang minh lỗi lạc, trong sáng ngời ngời thì cho dù bị hãm hại vu khống cũng không tức giận, ngược lại người ấy vẫn có thể giữ được tâm thái thản nhiên mà đối đãi. Một người nếu có được định lực thâm hậu như vậy thì tâm tính của họ đã phải được tôi luyện trong một thời gian lâu dài.
Cổ ngữ nói: “Ngưỡng cao sơn giải oanh hoài, lâm đại hải ngộ bao dung” (Tạm dịch: Ngắm núi cao giải bận lòng, gặp biển rộng ngộ bao dung). Cho dù là gió rít kêu gào hay mưa rơi bão tuyết thì núi cao vẫn sừng sững bất động. Gió to bất quá chỉ có thể thổi chết cỏ cây, nhưng không cách nào có thể làm lay chuyển được núi. Một người có tâm vững như núi cao, tín niệm vững như bàn thạch thì hết thảy những sự tình trong thế tục, những phỉ báng, hãm hại đều sẽ trở nên nhỏ bé như cơn gió nhẹ mà thôi, làm sao có thể khiến người ấy ngã được?
Trong “Luận Ngữ”, Khổng Tử viết: “Trí giả nhạc thủy, nhân giả nhạc sơn” (Tạm dịch: Người thông minh thì yêu thích nước, người nhân từ thì yêu thích núi). Người nhân từ hiểu nghĩa lý, khoan dung và không dễ dàng bị kích động, tính tình họ tĩnh tựa như sự bất động của núi cao. Người yêu thích núi cao sẽ muốn được ngắm núi, lên núi. Ở trên núi cao mà trông về phía xa, phóng tầm mắt ra xa mới thấy mọi sự nơi thế gian thật nhỏ bé. Họ cũng có thể tự thể nghiệm được sự rộng lớn của vũ trụ và tạo hóa của thiên nhiên, từ đó bỏ đi những phiền muộn và những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống, từng bước hoàn thiện nhân cách của mình, nâng cao tâm tính của bản thân mình.
Theo Trithucvn
Xem thêm: