Phật gia thường nói rằng, thế gian vốn là ô trược, con người thường xuyên bị các loại danh lợi tình nhiễu loạn khiến cho bản tính bị mê mờ. Những thắc mắc của tiểu hòa thượng dưới đây, sẽ cho ta cái nhìn rõ hơn về cái khổ của thế tục.
Sư phụ đang đốt đàn hương bỏ vào trong bát hương. Nhìn khói hương từ từ bay lên, mờ mờ ảo ảo, như có như không, tiểu hòa thượng liên tiếp suy nghĩ trong đầu: “Sư phụ từng nói chúng sinh thường xem hư ảo mà coi như chân thật mới rơi vào trong điên đảo, trong luân hồi. Vậy cái gì là chân thật? Cái gì là hư ảo đây? Chẳng lẽ cũng giống như hương khói này ư?”
Sư phụ thấy tiểu hòa thượng ngây người mới từ bi hỏi: “Con đang suy nghĩ cái gì mà đứng ngây ra vậy?”
Tiểu đệ tử nói: “Sư phụ, con đang nghĩ tới câu nói của ngài. Ngài nói chúng sinh ở trong lục đạo luân hồi chịu khổ, nếu muốn thoát khỏi luân hồi, nhất định phải ra khỏi vòng luân hồi. Vậy làm thế nào mới thoát ra đây?”
Sư phụ mới trả lời: “Đây là một vấn đề thật vi diệu, sau khi nghe xong còn cần chính mình thường xuyên suy tư mới có thể hiểu được. Hôm nay ta nói sơ qua cho con một ít nhé”.
Tiểu hòa thượng ngồi xuống ngay ngắn, im lặng lắng nghe.
Sư phụ nói: “Trên đời này có ba loại lưới, những người có tình đều bị ba loại lưới này trói chặt không thể nào giải thoát ra được”.
Tiểu hòa thượng hỏi: “Ba loại lưới đó là những loại nào vậy?”
Sư phụ nói: “Thứ nhất là lưới tình, thứ hai là lưới dục vọng, thứ ba là lưới hiểu biết”.
“Sư phụ ơi! Chúng ở đâu vậy, sao con nhìn không thấy được?”
“Chúng sinh thấy không được các loại lưới này, bởi vì chúng không có hình tướng. Nhưng chúng lại ẩn sâu trong tâm thức của những người hữu tình, chỉ có những người có kiến thức sâu sắc về Phật Pháp mới có thể hiểu về chúng. Lưới tình là quan thứ nhất của người xuất gia tu hành cần phải vượt qua. Con xem, ân nghĩa cha mẹ nuôi nấng, tình cảm gắn bó của anh chị em, nếu có gia đình thì là tình cảm vợ chồng con cái lại càng khó dứt, khó bỏ”.
“Sư phụ, vì sao cần phải phá bỏ lưới tình vậy?”
“Bởi vì một chữ tình nhìn thấy như rất nhỏ, nếu nhìn không ra, nó có thể che khuất cả bầu trời, ngăn trở đạo, khiến người tu hành vĩnh viễn không thể ra khỏi luân hồi”.
“Như thế nó thật lợi hại phải không Sư phụ?”
“Đúng vậy! Nó phi thường lợi hại. Bởi vì chữ tình có thể ngăn hết thảy các Pháp. Không bỏ qua được cái tình của thế tục thì không có được sự thanh tịnh của Phật Pháp. Cho nên nhất định phải rời bỏ lưới tình! Chỉ cần như thế mới có thể có được sự thanh tịnh”.
“Sư phụ, nếu bỏ qua người thân, như vậy không phải là vô tình hay sao?”
“Chúng sinh phần lớn là nhận định như vậy, nhưng họ không biết rõ tình cảm chân chính. Sở dĩ chúng sinh ở trong bể khổ không thoát ra được là bởi vì không có nhận thức đúng đắn. Người tu đạo hiểu được thế gian khổ, không, vô thường; cho dù đối với cha mẹ là phải hiếu thuận trăm lời nghe theo, thỏa mãn mọi yêu cầu, hầu hạ cha mẹ đến cuối đời, nhưng cuối cùng cũng không thể làm cho họ tiêu tán nghiệp lực, không thể làm cho họ thoát khỏi quy luật luân hồi, lão, bệnh, tử, cuối cùng không thể làm cho họ đến được hạnh phúc vĩnh hằng.
Mà người tu dựa vào tu hành có thể làm cho thân nhân, cha mẹ bảy đời có thể được giải thoát. hơn nữa còn có thể giúp đỡ rất nhiều người, khiến cho họ thoát khỏi khổ đau mà vui vẻ. Người như vậy sẽ được tất cả các vị Thần, Phật, Bồ Tát đều tán thưởng, khen ngợi. Cho nên, hi vọng mỗi người đều có thể hiểu được đạo lý như vậy.
Người tu hành xuất gia mới là người chân chính hữu tình, mới là người chân chính có đạo hiếu, từ bi bác ái của họ không thể so với tình cảm thông thường của người đời. Nếu như đem từ bi, bác ái của người tu hành ví như ngọn núi, thì cái tình thông thường của thế tục chỉ là một hạt cát mà thôi”.
Tiểu hòa thượng nói: “Sư phụ, giờ con đã biết, cái tình của người thường chỉ có thể là hiếu thuận với cha mẹ một đời, nhưng cái tình chân chính của người tu hành lại là vĩnh viễn hiếu thuận với cha mẹ, có đúng vậy không?”
“Đúng rồi! Lợi ích của việc tu hành không chỉ có như vậy đâu …”
“Sư phụ, lưới dục là gì vậy? Làm thế nào để thoát ra?”
“Con xem chúng sinh đều bị lưới dục trói buộc, tất cả các suy nghĩ, tư tưởng, hoạt động của họ không có thứ gì là không bị lưới dục bủa vây. Cũng giống như con vật nhỏ bị dây thừng cột lại, tất cả các hoạt động của nó chỉ giới hạn trong độ dài của dây thừng.
Chúng sinh mặc dù thực sự không bị dây thừng trói buộc, nhưng tâm của họ lại bị dục vọng vô hình trói chặt. Cho dù mọi người có chút thành tựu ở đời, thì cũng giống như cây lớn có rễ cắm sâu vào bùn đất, bóng cây che phủ ra rộng khắp mặt đất, cũng bất quá chỉ là dục vọng về của cải.
Đối với dục vọng không còn chỉ là đồ vật nữa thì không có cách nào hiểu biết được. Bởi vì tâm họ bị dục vọng ghim sâu vào trong bùn đất, không thể nào từng bước thoát ra được. Cho nên những người như vậy, sống cũng sống trong dục vọng, chết cũng vì dục vọng mà chết, nếu có sống lại thì vẫn là nô lệ của dục vọng.
Mà người tu hành, ít có mong muốn thỏa mãn, học rộng biết nhiều, chuyên tâm giữ giới, đối với sự việc và dục vọng có nhận thức đúng đắn, mới có thể chân chính từ trong lưới tình cùng lưới dục thoát ra ngoài, chỉ có như vậy, ở trên con đường tu hành mới vững chân tiến bước”.
“Sư phụ, con đã hiểu! Con không muốn là nô lệ của dục vọng, cho nên con nhất định sẽ cố gắng tu hành. Vậy người lại giảng giải đến lưới thức đi”.
“À, lưới thức có ý nghĩa rất sâu xa, với trình độ tu hành của con hiện nay thì còn chưa thể hiểu được đâu. Cho nên hôm nay ta chỉ nói trước một ít đạo lý hữu dụng có thể thực hiện. Con nhất định phải thật tâm suy tư, như vậy mới có thể hiểu được thấu triệt”.
“Vâng, thưa Sư phụ!”
Bát hương trên bàn vẫn như cũ, hương khói mịt mờ từng vòng lan tỏa, nhưng tiểu hòa thượng cảm thấy hương thơm càng lúc càng thấm đẫm vào lòng của mình.
Đức Hạnh biên dịch