Tinh Hoa

Bà Thảo kháng cáo mong đoàn tụ với chồng, ông Vũ muốn chia tỉ lệ 7:3

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm vụ ly hôn giữa bà với ông Đặng Lê Nguyên Vũ và đề nghị tòa phúc thẩm xét xử lại. Ông Vũ cũng yêu cầu chia các tài sản theo tỷ lệ 7:3.

Chiều 10/4, TAND Cấp cao tại TP.HCM xác nhận bà Lê Hoàng Diệp Thảo (46 tuổi) đã gửi đơn kháng cáo đến tòa.

Bà Thảo kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm giữa bà và ông Đặng Lê Nguyên Vũ (48 tuổi), bày tỏ nguyện vọng đoàn tụ với chồng và đề nghị tòa phúc thẩm xét xử lại.

Ông Vũ cũng yêu cầu tòa chia các tài sản theo tỷ lệ 7:3. Tức ông Vũ sẽ nhận 70% trong tổng số tài sản hơn 8.000 tỷ đồng mà 2 vợ chồng đang nắm giữ.

Trước đó, tại phiên tòa chiều 27/3, TAND TP HCM đã quyết định chính thức công nhận việc thuận tình ly hôn của cả 2 vợ chồng “vua cà phê” Trung Nguyên. Bà Thảo được quyền chăm sóc, nuôi dưỡng 4 người con, ông Vũ có nghĩa vụ cấp dưỡng 10 tỷ đồng/năm cho 4 đứa tính từ năm 2013 đến khi chúng trưởng thành.

Mặt khác, Ông Vũ được giao quyền sử dụng đất và gắn liền với đất tương đương 6 bất động sản trị giá 350 tỷ, bà Thảo quản lý tài sản đất và gắn liền với đất gồm 7 bất động sản trị giá 375 tỷ.

Bà Thảo tại phiên tòa sơ thẩm. (Ảnh qua Báo Mới)

Phân chia theo tỷ lệ 6:4

Về chia tài sản, TAND quyết định giao 60% cho ông Vũ, bà Thảo là 40%. Riêng toàn bộ số cổ phần tại Trung Nguyên sẽ do ông Vũ quản lý, đồng thời ông Vũ có nghĩa vụ thanh toán số cổ phần chênh lệch bằng tiền mặt cho bà Thảo theo định giá của pháp luật là hơn 1.200 tỷ.

Tranh cãi phán quyết về việc giao cổ phần Trung Nguyên

Sau tuyên bố trên của tòa, đã có rất nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh phán quyết này.

Luật sư Trần Thu Nam (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng việc tước bỏ quyền cổ đông sáng lập của bà Lê Hoàng Diệp Thảo trong Trung Nguyên là trái luật và lạm quyền (xét xử HN&GĐ kiêm luôn xét xử kinh doanh thương mại).

Theo các chuyên gia pháp lý thì quyết định trên không đảm bảo quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu cổ phần của cổ đông theo quy định của Hiến pháp và pháp luật doanh nghiệp, pháp luật dân sự.

Ông Vũ cũng kháng cáo, đề nghị chia theo tỷ lệ 7:3. (Ảnh qua Báo Mới)

Tòa chỉ có thể phân chia giá trị tài sản của cổ phần được định giá thành tiền, chứ không thể tước quyền sở hữu cổ phần của một bên và giao hết cho bên còn lại sở hữu.

Nếu cho rằng cổ phần là một loại tài sản chung thuần túy có thể phân chia, thì theo tỷ lệ 6:4 mà tòa đã quyết định, mỗi bên sẽ nắm giữ số cổ phần tương ứng trong các công ty. Và các bên có quyền chuyển nhượng, tặng số cổ phần này cho bên kia hoặc người khác, đó là quyền của cổ đông theo quy định của luật Doanh nghiệp.

Theo đó, Phán quyết trên của tòa bị cho là áp dụng sai nguyên tắc của luật, vượt quá thẩm quyền xét xử việc chia tài sản chung của vợ chồng.

Tòa đọc nhầm án phí

Chiều 27/3, khi tuyên án, chủ tọa Nguyễn Văn Xuân đã đọc mức án phí mà 2 vợ chồng ông Vũ và bà Thảo phải nộp là hơn 80 tỷ đồng. Cụ thể, bà Thảo phải chịu án phí ly hôn 300.000 đồng và phí cho phần tài sản 34,2 tỷ đồng, ông Vũ phải đóng 48,7 tỷ án phí tài sản.

Chủ tọa Nguyễn Văn Xuân. (Ảnh qua Báo Mới)

Sau đó vào ngày 5/4, TAND TPHCM đã xác nhận về việc nhầm án phí do ông Xuân “quá mệt” vì đọc bản án dài gần 3 tiếng. Theo đó mức án phí chính xác là hơn 8 tỷ đồng.

Chủ tọa Nguyễn Văn Xuân cho biết: “Mức án phí chính xác theo quy định đã được chỉnh sửa trong bản án. Tổng cộng án phí bà Thảo và ông Vũ phải nộp khoảng hơn 8 tỷ đồng”.

Vũ Tuấn (t/h)

Xem thêm: