Động vật không phải là loài vô tri, chúng cũng có tình cảm và biết quan tâm lẫn nhau, thậm chí đôi khi còn có thể hy sinh bản thân mình vì đồng loại. Ba câu chuyện về loài vật dưới đây sẽ khiến ai xem xong cũng không khỏi xúc động.
1. Đàn linh dương bay qua khe núi
Tôi từng chứng kiến một cái chết bi tráng, đó là cái chết khiến cho tôi rung động sâu sắc, từ đó tôi không còn muốn làm tổn thương tới ai nữa dù là những sinh mệnh nhỏ bé. Đó là trong một lần vây bắt đàn linh dương…
Linh dương còn được gọi là thanh dương, giống như sơn dương được nuôi ở trong nhà, có ưu thế là nhảy, mỗi con linh dương trưởng thành nặng khoảng 30kg, đặc tính dễ thuần hóa, là động vật yêu thích của những thợ săn.
Lần đó, đội chúng tôi đi săn đã bố trí chặn các ngả đường rất chặt, không để sơ hở, dồn ép một đàn linh dương gồm hơn 60 con vào vách núi Bố Lãng, để chúng tự ngã chết, tránh lãng phí đạn. Sau khoảng gần 30 phút áp sát, một con linh dương đầu đàn bỗng gầm lên một tiếng, đàn linh dương nhanh chóng phân thành 2 nhóm: một nhóm linh dương già và một nhóm linh dương trẻ. Tôi thấy rất rõ, nhưng không hiểu được vì sao chúng lại phân thành 2 nhóm dựa vào tuổi tác như vậy.
Lúc này từ trong bầy linh dương già, một con linh dương đực bước ra. Con linh dương này có bộ lông trên cổ dài, trên ngực, trên mặt chằng chịt những nếp nhăn, 2 chi đã không còn lành lặn, nhìn qua là thấy nó đã rất già. Nó bước ra khỏi đội ngũ, nhìn về hướng những con linh dương trẻ và “be be” một tiếng, một con linh dương trẻ liền bước ra.
Hai con linh dương một già một trẻ tiến đến vách núi, rồi lui lại mấy bước về sau. Đột nhiên, con linh dương trẻ bắt đầu chạy nhanh về phía trước, gần như đồng thời, con linh dương già cũng chạy lấy đà rất nhanh. Con linh dương trẻ chạy đến bên vách núi, nhún mình nhảy lên về phía vách núi đối diện.
Con linh dương già theo sát ở phía sau, cũng theo vách núi nhảy ra ngoài. Thời gian nhảy lên của hai con linh dương có hơi sai khác, biên độ nhảy cũng có chút chênh lệch, con linh dương già góc nhảy thấp hơn một chút, là một trước một sau, một cao một thấp.
Tôi giật mình nghĩ, lẽ nào tự sát cũng cần kết thành từng đôi như vậy sao? Hai con linh dương này trừ phi được gắn thêm cánh, bằng không thì tuyệt đối không thể nhảy đến vách núi đối diện kia. Quả nhiên, con linh dương trẻ chỉ nhảy được khoảng 4, 5 mét, cơ thể bắt đầu hạ xuống, tạo thành một vòng cung đáng sợ. Tôi nghĩ, nhiều lắm là vài giây đồng hồ nữa, nó không thể tránh khỏi việc phải rơi xuống vực sâu.
Đột nhiên kì tích đã xảy ra, con linh dương già dựa vào kĩ thuật nhảy thành thạo của mình, đã nắm bắt thời cơ rất chuẩn, lúc cơ thể của nó vừa tới điểm cao nhất thì cũng là lúc con linh dương trẻ bắt đầu rớt xuống. Giống như 2 chiếc phi thuyền vũ trụ nối tiếp nhau trên không trung, 4 chân của con linh dương trẻ đạp một cái rất mạnh lên lưng con linh dương già, rồi một lần nữa nhảy lên không trung.
Con linh dương già giống như tên lửa đã vận chuyển xong nhiên liệu, tự động thoát ly phi thuyền vũ trụ. Nó thậm chí còn bi thảm hơn cả xác tên lửa, dưới cú đá mạnh của con linh dương trẻ, nó như một con chim đột nhiên bị gãy cánh mà rơi xuống.
Tuy lực nhảy lần thứ 2 của con linh dương trẻ không bằng lần thứ nhất, cao độ cũng chỉ bằng một nửa, nhưng cũng đủ để vượt qua khoảng cách 2 mét cuối cùng. Trong nháy mắt, con linh dương trẻ đã nhảy tới đỉnh đối diện, hưng phấn mà kêu “be be” một tiếng rồi biến mất sau phiến đá lớn.
Lần nhảy thử thành công! Ngay sau đó, từng cặp từng cặp linh dương bay vút lên trời cao, trên không trung xuất hiện những đường vòng cung hỗn loạn làm người ta hoa mắt, từng con linh dương già rơi xuống thịt nát xương tan.
Tôi thật không ngờ, thời khắc gia tộc sắp bị tuyệt diệt, đàn linh dương lại có thể nghĩ ra cách hi sinh một nửa để cứu vãn cho cả gia tộc. Tôi càng không thể ngờ, những con linh dương già cứ ung dung như thế mà đi tới cái chết, cam tâm tình nguyện dùng tính mạng để đổi lấy con đường sống cho đời sau. Điều đó đã khiến tôi vô cùng chấn động, từ đó về sau, tôi không bao giờ dám sát hại một sinh linh nào nữa.
2. Trâu già tìm nước
Tỉnh Thanh Hải có một khu vực sa mạc đặc biệt thiếu nước. Ở đây, mỗi ngày quân đội đều phải vận chuyển nước từ rất xa tới để cung cấp cho người dân, mỗi người một ngày chỉ có khoảng 3 lít nước. Nước này dùng để uống, vo gạo, rửa rau… cuối cùng là cho gia súc uống, bởi nếu thiếu nước cũng sẽ chết.
Có một ngày, một con trâu già vẫn được coi là hiền lành, trung thành, vì khát nước đã giãy giụa thoát khỏi chiếc dây thừng, xông ra đường cái nơi quân đội vận chuyển nước vào sa mạc. Con trâu già gắng gượng đợi chiếc xe vận chuyển nước đi qua, đợi đã nửa ngày.
Khi chiếc xe xuất hiện, con trâu già nhanh chóng lao tới chặn trước đầu xe. Những người lính vận chuyển nước cũng thường xuyên gặp phải chuyện bị gia súc cản đường như vậy, nhưng không thấy có con vật nào lại quật cường đến vậy. Trong quân đội có quy định, quá trình vận chuyển nước không thể xảy ra hiện tượng “nước bốc hơi”, càng không thể tùy tiện cấp nước. Những quy định này, nhìn như vô tình, nhưng kỳ thực là bất đắc dĩ, vì mỗi một giọt nước đều là “khẩu phần ăn” của một người.
Người và trâu cứ thế giằng co, kéo dài hơn nửa ngày, cuối cùng còn dẫn đến tắc đường. Người lái xe phía sau bắt đầu chửi rủa, có một số tài xế còn lấy xăng châm lửa để đuổi trâu đi.
Nhưng con trâu già vẫn không chịu di chuyển, bất động như núi Thái Sơn. Khi người chủ của con trâu tìm đến, anh ta đã rất tức giận, dùng roi đánh lên thân của con trâu già yếu. Con trâu già bị đánh đến nỗi gân xanh nổi lên toàn thân, cuối cùng máu cũng theo đó tuôn rơi, nhuộm đỏ cả chiếc roi, nhuộm đỏ thân trâu, nhuộm đỏ cát vàng, nhuộm đỏ cả trời chiều.
Tiếng kêu thê thảm của con trâu già hòa cùng những hồi gió lạnh nơi sa mạc, khiến khung cảnh trước mặt thật vô cùng bi thương, khiến những người lính vận chuyển nước bắt đầu khóc, những người tài xế bị kẹt xe cũng khóc.
Cuối cùng, một binh sĩ vận chuyển nước nói: “Hãy để tôi trái quy tắc một lần, tôi sẽ chấp nhận bị xử phạt”. Anh lấy bình nước mang trên người, rót khoảng 3 lít nước trên xe vào đó và đặt nó trước mặt con trâu.
Nhưng con trâu lại không uống phần nước mà nó dùng cả tính mạng mới có được, nó ngửa mặt lên trời kêu lên mấy tiếng. Trong ánh nắng chiều, một chú nghé con sau đống cát không xa chạy tới. Con trâu bị thương nhìn nghé con tham lam uống cạn bình nước, lè lưỡi ra, liếm đôi mắt của nghé con, đứa con cũng liếm đôi mắt của mẹ, mọi người chứng kiến tình mẫu tử này thì đều lặng người, nước mắt tuôn rơi.
Xong xuôi, trâu già và nghé con không đợi chủ nhân lên tiếng, liền quay về trước sự im lặng của mọi người.
3. Rái cá biển cho con bú sữa
Đây là một câu chuyện có thật, do một vị hòa thượng thuật lại. Ông kể, trước đây ông là một thợ săn, có sở trường bắt rái cá. Có một lần, ông vừa ra khỏi nhà đã bắt được một con rái cá to. Sau khi lột bỏ bộ lông quý giá, ông đem con rái cá giấu trong bụi cỏ.
Khi trời nhá nhem tối, thợ săn trở về chỗ ban đầu, ông đi khắp nơi tìm nhưng không thấy con rái cá đâu. Sau khi quan sát kĩ càng, ông phát hiện trên thảm cỏ có dính vết máu và nó dẫn đến cái hang nhỏ gần đó.
Khi người thợ săn thăm dò cái hang, ông không khỏi ngạc nhiên, hóa ra con rái cá chịu đựng nỗi đau bị lột da và cố vật lộn để trở về tổ của nó. Tại sao nó lại làm như thế?
Lúc người thợ săn kéo con rái cá vốn đã bị thương này ra ngoài, ông phát hiện có hai con rái cá con vẫn chưa mở mắt, đang ngậm chặt núm vú khô quắt của rái cá mẹ.
Người thợ săn nhìn thấy cảnh tượng này, tâm của ông ta đã bị chấn động ghê gớm, ông không bao giờ nghĩ rằng động vật cũng có tình mẫu tử giống như con người như vậy, dù sắp chết đến nơi còn nghĩ đến việc cho những đứa con của mình uống sữa, sợ con của mình đói bụng.
Nghĩ tới đây, người thợ săn cảm thấy đau đớn và hối hận vô cùng. Thế là, ông liền đặt con dao xuống, không làm thợ săn nữa mà xuất gia tu hành. Nhiều năm sau, mỗi khi vị hòa thượng này nhớ lại chuyện quá khứ, những giọt nước mắt vẫn không ngừng lặng lẽ tuôn rơi.