Nhà triết học Hy Lạp Aristotle đã từng nói rằng “hạnh phúc nằm trong tay chính chúng ta”. Triết học gia tin rằng, để thấu hiểu bản chất của hạnh phúc, chúng ta cần hiểu được ‘thiên chức’ của nhân loại.
Danh tiếng, tiền bạc, sự công nhận, tình yêu và những thứ khác mang lại cho chúng ta nụ cười, nhưng hãy nghĩ về chúng như những giọt nước, những khoảnh khắc thoáng qua trong cuộc sống. Thay vào đó, Aristotle đã nói về hạnh phúc trường cửu, điều mãi mãi tồn tại theo năm tháng.
Aristotle trong tác phẩm “Nicomachean Ethics” (Đạo đức Luận) nói rằng nhân loại cần hành động để nhận ra điều cao đẹp tối thượng là hạnh phúc (tiếng Hy Lạp gọi là “eudaimonia”).
Để đạt được mục tiêu cuối cùng của cuộc sống, chúng ta cần bắt đầu bằng cách hoàn thành thiên chức độc nhất của nó; có nghĩa là nó là thứ mà chỉ con người mới có thể thực hiện.
Khi giải thích về thiên chức đặc biệt của con người, nhà triết học Hy Lạp vĩ đại bắt đầu với các nghiên cứu sinh học của ông. Các hoạt động điều tra của ông mang lại bốn loại sinh mệnh tồn tại trong thế giới của chúng ta, bao gồm: Khoáng vật, thực vật, động vật và con người.
Triết học gia tin rằng thiên chức của khoáng vật là ‘nghỉ ngơi’ vì nó vô hồn, dinh dưỡng và tăng trưởng là thiên chức của thực vật, trong khi sinh sản là thiên chức chính của động vật. Đối với con người, Aristotle nói, đó là lý tính (có thể gọi là lý trí).
Như bạn đã biết, con người là sinh mệnh duy nhất trên Trái đất có khả năng hành động dựa trên các nguyên tắc và chịu trách nhiệm về hành động của mình.
Chúng ta tiến bộ hơn động vật, những sinh mệnh chỉ đơn giản tìm kiếm lãnh thổ và sinh sản. Ý chí tự do và quan điểm lớn hơn trong cuộc sống là những phước lành dành riêng cho nhân loại. Vì vậy, là những sinh mệnh có lý tính, chúng ta phải cố gắng hoàn thành thiên chức của mình để hướng đến một cuộc sống ý nghĩa.
Như Aristotle giải thích trong Đạo Đức Luận, thiên chức của con người là hướng đến một cuộc sống dựa vào lý trí. Điều này đòi hỏi những hành động tốt đẹp và cao quý của con người, và những hành động được thực thi tốt là minh chứng cho một cuộc sống tuyệt vời.
Có nghĩa là, để đạt được hạnh phúc, người ta phải tôi luyện lý trí của mình để trở thành một con người có đạo đức.
Đạo đức
Theo quan điểm của Aristotle, đạo đức là một một trạng thái hoặc khuynh hướng đối với những cảm giác đúng đắn xuất phát từ một thói quen (hexis).
Theo thuật ngữ thông thường, đạo đức là có cảm giác đúng đắn trong một tình huống nhất định. Những đặc điểm tính cách như dũng cảm, nóng nảy, trung thực,… đều là những đức tính đạo đức. Những hành động được thực thi với đạo đức là nhân tố của hạnh phúc.
Tất cả các đức tính đạo đức hoạt động như “sự trung dung” giữa hai thái cực thái quá và bất cập. Chẳng hạn, lòng can đảm là sự trung dung giữa hèn nhát và liều lĩnh. Một người có lý tính hiểu rằng một số nguy hiểm đáng để mạo hiểm.
Sự chừng mực là sự trung dung giữa thái quá và vô cảm; chúng ta có thể quan sát trạng thái này khi một người chỉ ăn một lượng thức ăn thích hợp và để lại một phần cho người khác.
Tuy nhiên, suy nghĩ của bạn cần phải được biến thành hành động, nếu không bạn không thể đạt được hạnh phúc, theo Aristotle. Một con người hạnh phúc khi người đó sống theo đạo đức trong suốt cuộc đời của họ.
Vì vậy, theo quan điểm của vị triết gia này, thông qua các hành động đạo đức – có thể là về sức khỏe, kiến thức, bạn bè hoặc sự giàu có – và lý luận hợp lý, chúng ta sẽ tìm thấy niềm hạnh phúc thực sự dẫn đến sự hưng thịnh của nhân loại.
Trong một thế giới khi mà con người chỉ chăm chăm tìm kiếm sự thỏa mãn tức thời, chúng ta có thể tìm về triết lý của Aristotle và cho mình cơ hội để trở nên một con người đạo đức. Như người ta vẫn nói: “Cuộc đời là một sự lựa chọn”.
Lương Phong (Theo Vision Times)